Lào 'rút bài học' về việc cho Trung Quốc thử nghiệm sòng bạc ở TP. Boten
Quốc tế - Ngày đăng : 14:38, 10/07/2016
Trung Quốc coi thành phố Lào như “đất nhà”
Báo New York Times ngày 6.7 ghi nhận: 6 năm trước, Boten là một thành phố sòng bài, đèn sáng tỏa những đồi rừng u ám. Nền kinh tế Boten xoay quanh các sòng bạc Trung Quốc, thu hút hàng ngàn khách/tháng từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) kéo qua.
Bây giờ, trên phố chính, cỏ dại mọc trên nền các cửa hiệu, nhà hàng từng ồn ào tiếng nói du khách Trung Quốc. Xung quanh thành phố, những khách sạn cao tầng bị bỏ hoang trông như những tay lính gác tàn tạ, là nơi chỉ còn lũ côn trùng sinh sống.
Phố chính Boten leo lét ánh đèn. Nguồn New York Times
Thong Arn, 54 tuổi, từng là chủ một nhà hàng cạnh vài cửa hiệu viết bằng tiếng Hoa phai nhạt, nói: “Khi các sòng bài mở, có nhiều người đến đây. Nay chẳng còn du khách nữa, chỉ còn dân địa phương”.
Vixay Homsombath, một công chức Lào tham gia hội đồng quản trị Đặc khu kinh tế Boten, cho biết chính phủ Lào đã rút được bài học từ cuộc thử nghiệm hoạt động bài bạc dang dở của Boten.
Bàihọc đó là, vì muốnvội đem sự phát triển thịnh vượng đến thành phố vùng biên hẻo lánh này, chính phủ đã cho các nhà đầu tư Trung Quốc quá nhiều quyền kiểm soát.
Homsombath nói: “Khi ấy, chúng tôi không có kinh nghiệm. Các nhà phát triển trước chỉ chú trọng sòng bạc. Đó là quan tâm số 1 của họ”.
Và chính phủ Lào lúc đó không hề biết gì về những rủi ro tiềm tàng: năm 2003, một công ty cổ phần Hồng Kông ký một hợp đồng thuê đất với chính phủ Lào, để lập Đặc khu kinh tế Thành phố Vàng Boten vốn có tổng diện tích 1.640 hecta.
Dự án này nhằm tạo nên một trung tâm thương mại-du lịch, để phát động sự phát triển ở vùng mạn ngược bắc Lào. Bê-tông được đổ, các tòa nhà sơn màu tươi mọc lên trên những ngọn đồi.
Du khách và thương lái Trung Quốc đổ đến, được miễn visa nhập cảnh và được cờ bạc thoải mái, vì ở Trung Quốc cấm bài bạc.
Các sòng bài ở Boten giúpmọc lên nền kinh tế phụ là các quán karaoke, quán bar và có cả nhà thổ cùng một vũ trường với các vũ nữ ăn mặc hở hang từ Thái Lan qua.
Dù có cửa khẩu hải quan Lào, nhưng Boten hầu như trở thành một vị trí tiền tiêu của Trung Quốc, chỉnh theo giờ Bắc Kinh và mọi giao dịch đều dùng đồng Nhân dân tệ.
Nhưng bài bạc giúp Boten hình thành, nó cũng khiến Boten sụp đổ. Cuối năm 2010, nổi lên thông tin các chủ sòng bạc nhốt du khách không thể trả nợ đánh bạc.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, cán bộ tỉnh Hồ Bắc phải đến vùng biên giới này để thương lượng nhằm trả tự do cho các con bạc Trung Quốc.
Ngay sau đó, dù Boten thuộc Lào, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra lệnh đóng cửa các sòng bạc, siết chặt khâu kiểm soát biên giới và cắt nguồn điện cấp cho Boten.
Vậy là Boten nhanh chóng suy tàn. Đa số các chủ cửa hiệu, nhà hàng xếp hành trang về Trung Quốc. Lúc đỉnh điểm, dân số Boten khoảng 10.000 người, nhưng nay chỉ còn 500 người chật vật kiếm sống.
Cửa hàng miễn thuế Boten ế khách. Nguồn New York Times
Tại khách sạn Jingland-từng có tên khách sạn Hoàng Gia và là “mẫu” của sự phát triển của Thành phố Vàng Boten-các phòng đều trống. Deng Jie, 25 tuổi người Trung Quốc, là chủ một nhà hàng-quán karaoke ở khu khách sạn này, nhưng anh đang tính sang lại vì không thể chịu đựng sự ế khách.
Mối họa từ việc “người Trung Quốc đến Lào dễ dàng hơn”
Nhưng vận may của Boten có thể trở lại: các nhà đầu tư Trung Quốc đổ hơn 1,5 tỉ USD vào một dự án phát triển mới, có tên Đặc khu kinh tế Boten, theo giới truyền thông nhà nước Lào.
Dự án này rất “hoành tráng”: kế hoạch chi tiết về trụ sở văn phòng, xí nghiệp, cửa hàng miễn thuế, phát triển du lịch, một trạm xe buýt quốc tế và một sân golf.
Dự án đường sắt cao tốc Trung-Lào dang dở. Nguồn New York Times
Và một nhà ga xe lửa của dự án tham vọngđường sắt cao tốc trị giá 7 tỉ USD nối thành phố Côn Minh (Trung Quốc) với thủ đô Vientiane của Lào. Dự án này được động thổ hồi cuối năm 2015.
“Boten tươi đẹp” khôi phục nhiều kế hoạch ban đầu của thành phố, nhưng có một sự thay đổi đáng kể: không tổ chức hoạt động sòng bạc casino nữa, vì Lào đã rút được bài học.
Một tòa nhà cao 18 tầng đang được xây dọc theo tuyến đường sắt cao tốc, xung quanh lànhững tấm bảng đăng ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay ông Choummaly Sayasone, người gần đây còn là Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Lào.
Một sòng bạc cũ đã được chuyển thành một trung tâm mua bán đá quý, vũ trường với vũ nữ Thái Lan cũng hoạt động trở lại.
Các dự án lớn này phản ánh mối quan hệ thân cận giữa Lào với Trung Quốc. Từ đầu thập niên 2.000, Trung Quốc đổ tiền đầu tưvào Lào vốn có 7 triệu dân, chủ yếu để khai thác mỏ, nông nghiệp, thủy điện và nhà đất.
Cuối năm 2013, giá trị gia tăng của khoản đầu tư Trung Quốc là 5 tỉ USD, khiến lần đầu tiên Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Lào.
Khoản đầu tư “khủng” này đi kèm theo làn sóng didân Trung Quốc vì kinh tế. Họ sống ở thủ đô Lào và lập các cộng đồng ở khắpmiền núi phía bắc Lào.
Paul Chambers, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện các vấn đề Đông Nam Á (ở Chiang Mai, Thái Lan) nói, khoản đầu tư này nay để phục vụ những quyền lợi chiến lược của Trung Quốc: “Việc Trung Quốc lại quan tâm đến Boten là nhằm chuyển nơi này thành một cơ sở giao thông giúp đưa người Trung Quốc đến Lào dễ hơn”.
Bất chấp những lời hứa, những ích lợi vẫn chưa xuất hiện ở Boten. Cửa hàng miễn thuế (trước là một vũ trường) vẫn vắng khách, các quầy hàng chỉ bán một số thuốc lá, rượu mạnh theo kiểu “trưng bày là chính”. Gian bên cạnh thì đầy các máy đánh bạc, dạng cờ bạc duy nhất được cho phép ở Boten.
Các nhà phân tích nói sự phát triển thịnh vượng còn phải tùy thuộc tuyến đường sắt cao tốc Trung-Lào. Dự án này đang bị chậm vì “trục trặc về kinh phí” cùng những lý do khác.
Joshua Kurlantzick, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Hội đồng đối ngoại (Mỹ) nói dự án này chỉ có “50 % cơ hội thành công”.
Sự chậm trễ càng khiến nhiều chủ làm ăn Trung Quốc nhớ thời “hoành tráng” xưa của Boten, khi du khách đầy tiền đến cờ bạc, ăn uống…
Zhang Xiangxun, 51 tuổi người tỉnh An Huy (Trung Quốc) đến Boten hồi 6 năm trước. Ông cùng vợ Zou Zhonghua, 46 tuổi, mở một tiệm “chạp-phô” bán toàn hàng hóa Trung Quốc: bia, xà bông, pháo…nhưng mỗi ngày họ chỉ kiếm được 500 Nhân dân tệ (khoảng 75 USD) một số tiền chỉ đủ tiền thuê mặt bằng và vài chi phí khác.
Nhưng sau nhiều năm sống ở Lào, họ quyết chờ thời may mắn trở lại. Bà Zhou nói giải pháp rất đơn giản: “Nếu họ lại mở cửa các sòng bạc, chuyện làm ăn sẽ tăng 1.000 % ngay cho mà xem”…
Kim Hương (theo New York Times)