Người dân được quyền chọn độ cao Quốc lộ 13 cũ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:07, 11/07/2016
Liên quan đến dự án làm đường và hệ thống thoát nước Quốc lộ 13 cũ (thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM có thể nâng lên đến 1,9m (Báo Người Lao Động đã thông tin ngày 30.6), Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (BQL ĐTXDCT) quận Thủ Đức,cho biết đã có 2 phương án cho người dân lựa chọn.
Đại diện BQL ĐTXDCT quận Thủ Đức cho biết đã tổ chức họp dân và đưa ra 2 phương án nâng đường với cao độ khác nhau là 2,5m hoặc 2m để người dân lựa chọn.
“Chúng tôi đã mang bình đồ khu vực và từng nhà dân một để người dân biết được nhà mình sẽ bị nâng lên bao nhiêu và lùi vào bao nhiêu” – đại diện đơn vị này nói. Sau khi lấy ý kiến của người dân, BQL ĐTXDCT quận Thủ Đức sẽ trình Sở Giao thông vận tải TP thiết kế thi công cuối cùng, nếu sở này thông qua thì mới thi công.
Theo thiết kế ban đầu được duyệt, để đảm bảo cao độ 2,5m thì chỗ bị nâng cao nhất 1,9m khiến người dân lo ngại nhà sẽ biến thành hầm. Đại diện BQL ĐTXDCT quận Thủ Đức cho biết việc nâng đường cao như vậy để đảm bảo đồng bộ với một số tuyến đường khác ở quận Thủ Đức như Phạm Văn Đồng, Tam Bình mới được nâng lên gần đây.
Dự án làm đường và hệ thống thoát nước Quốc lộ 13 cũ (thuộc phường Hiệp Bình Phước, điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 13, điểm cuối tuyến tiếp giáp cầu Vĩnh Bình) có tổng chiều dài 1.401 m sẽ cải tạo, mở rộng và nâng cao mặt đường lên 0,4-1,9 m so với mặt đường cũ, để bảo đảm cao độ 2,5 m tại vị trí vai đường, đồng thời ngầm hóa cáp điện lực, viễn thông.
UBND quận Thủ Đức cho biết dự án được phê duyệt với mức đầu tư hơn 378 tỉ đồng, 270 hộ dân bị giải tỏa để mở rộng đường theo thiết kế.
Theo tìm hiểu, đơn vị tư vấn khảo sát và lập dự án này là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R. Đây cũng là công ty tư vấn thiết kế dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) khiến hàng trăm nhà dân bị thấp hơn mặt đường. Sau đó, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án giảm độ cao vỉa hè để bớt ảnh hưởng đến người dân.
Theo Sỹ Đông/Người lao động