Luật Hộ tịch: Vẫn vướng mắc trong khâu đồng bộ phần mềm đăng kí, quản lý hộ tịch
Sự kiện - Ngày đăng : 04:45, 12/07/2016
Trong buổi Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Tư pháp với 63 tỉnh thành diễn ra vào ngày 11.7, bên cạnh việc đảm bảo ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác tư pháp thì việc triển khai cũng như thí điểm phần mềm đăng kí khai sinh, quản lí hộ tịch cũng khiến nhiều địa phương quan tâm.
Luật Hộ tịch quy định về quy trình, thủ tục đăng kí những sự kiện phát sinh hàng ngày trong đời sống của người dân như các vấn đề liên quan đến khai sinh, khai tử, đăng kí kết hôn… thông qua đó xác định nhân thân của mỗi người, tạo điều kiện thuận lợi trong đời sống của người dân và gắn liền mật thiết với đời sống của người dân.
“Vì vậy, nếu thực hiện tốt luật đăng kí hộ tịch sẽ bảo đảm, thúc đẩy rất mạnh quyền và lợi ích của người dân, tạo thuận lợi trong những việc liên quan tới pháp luật khác”, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực khẳng định.
Luật hộ tịch (cùng các văn bản hướng dẫn) đã chính thức có hiệu lực thi hành từ 1.1.2016. Theo ông Khanh, qua 6 tháng triển khai thực hiện, công tác xây dựng thể chế hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch đến nay cơ bản đã hoàn tất, tạo cơ sở để triển khai thực hiện Luật đồng bộ với các luật có liên quan (như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Căn cước công dân).
Trong báo cáo chuyên đề Kết quả triển khai thi hành Luật Hộ tịch 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt đề án này. Ngày 11.12.2015 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt đề án (theo Quyết định số 2173/QĐ - BTP ngày 11.12.2015).
Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực phát biểu tại Hội nghị
Để triển khai đề án, từ đầu năm 2016 Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh, cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em từ 1.1.2016 tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong (Nghệ An).
Tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, Sở Tư pháp cũng đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành và tổ chức triển khai đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc của địa phương, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT trong đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn.
Với những bước đi ban đầu đưa CNTT vào trong việc đăng kí khai sinh, quản lý hộ tịch, ông Khanh cũng cho rằng vấn đề cản trở lớn nhất hiện nay có lẽ là cơ sở dữ liệu trên hệ thống mạng điện tử. Theo luật, đến năm 2020 sẽ đồng bộ đề án này trên cả nước, nhưng hiện nay giữa các địa phương được thí điểm và các địa phương chưa được thí điểm đang có sự chênh lệch khá rõ nét.
Bản thân ông Khanh cũng chỉ ra những ưu điểm khi các địa phương được thí điểm đề án này sẽ thúc đẩy việc thực hiện những vấn đề liên quan đến hành chính, hộ tịch, diễn ra rất nhanh chóng; ngược lại, với những địa phương chưa được thí điểm mà vẫn còn đang thực hiện theo phương thủ công thì chắc chắn sẽ mất thời gian hơn, làm cho công tác thống kê sau này bị chậm lại.
Để hỗ trợ cho người dân một cách tốt nhất, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhấn mạnh: “Ngay lập tức cần ứng dụng một cách đồng bộ việc sử dụng CNTT vào trong công tác đăng kí cũng như quản lý hộ tịch để đảm bảo việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo sự chính xác, thông tin của người dân được lưu dữ lâu dài, tránh sự sai xót không đáng có”.
Có thể khẳng định, Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Thu Anh