Mẹ chồng: nỗi lo của nàng dâu mới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:57, 12/07/2016
Mâu thuẫn các vấn đềtrong cuộc sống vì khác thế hệ
Truyền thống gia đình Việt Nam xưa nay vẫn là con trai lớn lên, lập gia đình và có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Tuy nhiên sự khác biệt thế hệ luôn phát sinh những mâu thuẫn khó tránh khỏi, nhất là khi nàng dâu mới về nhà chồng. Có những người sống với mẹ chồng trên dưới 10 năm mà vẫn không thể dung hòa, thậm chí những mối rạn nứt ở họ ngày càng thêm nặng nề hơn. Mà nguyên do bắt nguồn từ những chuyện rất vụn vặt, có thể từ một câu nói, một hành động.
Cũng có trường hợp nặng nề hơn, thường rơi vào những bà mẹ quá yêu thương con trai, đến khi thấy con lúc nào cũng quấn quýt cưng chiều vợ, lại tỏ ra ghen tức một cách khó hiểu, dẫn đến kiếm chuyện với “kẻ thứ 3”.
Không riêng gì ngày xưa, ngày nay vẫn có không ít những nàng dâu và mẹ chồng cùng cảm giác khổ ải khi phải sống chung, nhất là khi đã có thêm 1,2 mặt con thì mức độ mâu thuẫn ngày càng lớn. Đúng hay sai thì rất khó phân biệt, bởi mỗi người đều có cái lý của mình.
Có điều phụ nữ ngày nay ít chịu được áp lực như xưa. Đơn giản vì họ không chỉ lo việc gia đình mà còn đảm đang những công việc bên ngoài. Mỗi ngày phải đi làm và khi về nhà lại tất bật với phận dâu con, chăm lo bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa chu đáo, ngay cả khi có người giúp việc thì họ cũng không làm lơ việc nhà được khi ở cùng mẹ chồng. Vì lẽ đó mà 99% nàng dâu đòi sống riêng và nỗi khổ tâm lại đổ lên đầu người đàn ông.
Nếu những gia đình có đông con thì không nói, đằng này là con trai một, không ở cùng cha mẹ thì còn mặt mũi nào nhìn người thân? Chưa kể, nhà cửa cha mẹ có sẵn không ở, ra ngoài đi thuê nhà cho cực khổ, chật chội. Vợ chồng không sớm thì muộn cũng xích mích vì những chuyện không đáng. Nghĩ cũng khổ!
Làm sao để mối quan hệ mẹ chồng con dâu tốt đẹp hơn?
“Cách tốt nhất là… chỉ ở gần chứ không nên ở chung. Theo kinh nghiệm cho thấy tỷ lệ mẹ chồng nàng dâu hợp nhau là rất thấp nên hãy chọn lựa cách này ngay từ đầu để tránh mất lòng”. Trên một diễn đàn bàn luận về vấn đề này, ý kiến của thành viên có nick minhlong được khá nhiều người ủng hộ. Điều đó cũng nói lên một thực tế đáng buồn là không có bất cứ giải pháp nào cho sự hòa hợp mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu.
Anh còn kể thêm chính anh là người trong cuộc, từng khốn đốn giữa một bên là mẹ, một bên là vợ. Đứng về bên này thì thấy tội bên kia và ngược lại, vì suy cho cùng, không ai hoàn toàn sai. Anh đã thấy nỗi uất ức đó dồn nén khiến vợ xuýt nữa bị trầm cảm. Khi ấy, không còn cách nào khác anh đưa vợ ra ngoài sống để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra. Về phần mẹ anh, đương nhiên là có giận, có buồn nhưng chẳng có mẹ nào đành đoạn bỏ con, bỏ cháu cả. Mỗi tuần anh đều đưa tụi nhỏ về nhà cho cháu thăm bà. Bà cháu quấn quýt khiến mọi thứ nguôi ngoai dần đi.
Mai Lan (Q.3) cũng tuyên bố thẳng thừng trên trang cá nhân Facebook: “Giữa chồng với mẹ chồng tôi chỉ chọn được 1”. Status của Mai Lan nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có những ý kiến cho rằng cô quá ích kỷ, phải chăng thế hệ trẻ hiện nay đều sống chỉ biết bản thân như thế?
Mai Lan bộc bạch rõ quan điểm của mình, rằng cô không muốn có bất cứ sự ức chế nào trong cuộc sống ở những mối quan hệ chung quanh. Không chỉ với mẹ chồng mà tất cả những mối quan hệ hiện tại của cô, cô đều thẳng thắn như vậy. Cô cho rằng đó chẳng phải là vấn đề gì sai trái, đáng lên án mà là quan điểm sống của cô.
“Hãy đặt vị trí của mình vào người khác. Đó là cách để mỗi người có sự thông cảm với nhau hơn. Thử hình dung hơn 20 năm sau bạn sẽ trở thành mẹ chồng và sẽ tổn thương như thế nào khi thấy sự khước từ của con trai, con dâu?” - chuyên viên tư vấn tâm lý Thụy Anh chia sẻ.
Phải chăng, nếu mỗi người chịu mở lòng ra để đón nhận nhau, tìm những ưu điểm để mang đến thiện cảm cho nhau thì mối quan hệ sẽ tốt đẹp hơn. Và thiết nghĩ, hãy xây dựng gia đình nhỏ của mình theo một nề nếp hiếu đạo trên dưới thuận hòa, biết phụng dưỡng cha mẹ theo truyền thống của người Việt Nam thì vẫn tốt hơn.
Hà Anh