Hai binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng tại Nam Sudan
Quốc tế - Ngày đăng : 04:43, 12/07/2016
Chiến sự tại Nam Sudan bắt đầu bùng phát trở lại từ cuối tuần trước, khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng, dấy lên nỗi ám ảnh của viễn cảnh xung đột quân sự quay trở lạiquốc gia châu Phixuất khẩu dầu mỏ này.
Ngày 11.7, những cuộc đọ súng tại Thủ đô Juba vẫn tiếp tục giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar - cựu thủ lĩnh của lực lượng phiến quân trước đây. Cuộc đọ súng giữa hai phe trung thành với Tổng thống và Phó tổng thống Sudan đã nổ ra từ 4 ngày trước.
Bạo lực đã quay trở lại chỉ sau chưa đầy 3 tháng kể từ khi hai bên thỏa hiệp thành lập một chính phủ chuyển tiếp để kết thúc cuộc nội chiến nổ ra ở quốc gia "trẻ nhất" thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người kể từ khi nó bùng phát vào tháng 12.2013.
Chính quyền chuyển tiếp "đã chết ngay lúc này", ông Alex de Waal, giám đốc điều hành của Quỹ Hòa bình Thế giới tại Đại học Tufts ở Massachusetts cho biết.
"Ý tưởng về việc bố trí các lực lượng quân sự của hai phe thù địch, bên trong hoặc gần Juba và giao phó sự an toàn củathành phố này cho họ đã không thể nào trở thành hiện thực", ông Waal nói thêm.
Chính phủ Mỹ đã ngay lập tức di tản các nhân viên không quan trọng ra khỏi thủ đô của Nam Sudan và kêu gọi hai phe tham chiến chấm dứt chiến sự ngay lập tức.
Đại sứ Mỹ tại Kenya, ông Bob Godec cho biết hôm 11.7 rằng lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế vẫn phải được triển khai để đảm bảo an ninh cho Nam Sudan. Ông Godec cũng nhấn mạnh rằng cần có một lệnh cấm vận vũ khí và một loạt các biện pháp khác để buộc các lãnh đạo Nam Sudan kiềm chế lực lượng quân đội của họ.
Ngày 9.7, Nam Sudan vừa kỷ niệm ngày độc lập lần thứ 5 của nước này kể từ khi tách khỏi Sudan hồi năm 2011. Chính phủ chuyển tiếp đã được thành lập từ tháng 4, khi ông Kiir và ông Machar đồng ý chấm dứt cuộc nội chiến và cùng điều hành đất nước.
Cuộc xung đột tại Nam Sudan đã khiến 2 triệu người tại Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa và làm giảm sản lượng khai thác dầu tại nước này. Nam Sudan là nước có trữ lượng dầu thô lớn thứ 3 tại tiểu vùng Sahara, mỗi ngày nước này có thể khai thác tới 120.000 thùng dầu thô.
Thiên Hà (theo Bloomberg)