Tròn 32 năm ngày mở màn chiến dịch giành lại các điểm cao ở Vị Xuyên
Sự kiện - Ngày đăng : 06:21, 12/07/2016
Đúng ngày này, 32 năm trước - ngày 12.7.1984, bộ đội Việt Nam mở màn chiến dịch giành lại các điểm cao do quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trước đó. Sư đoàn bộ binh 356 làm nhiệm vụ chủ công, phối hợp với các cánh quân của các sư đoàn 313, 316 và nhiều đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 32 năm trôi qua, hồi ức của những cựu binh Sư đoàn 356 ngày nào trong cuộc chiến oanh liệt, bi tráng này vẫn dâng trào cảm xúc.
1. “Về đây, đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/ Hà Giang đã ngưng chiến trận. Về đây, đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn/ Đài hương 486 ta hội quân… Hãy về đồng đội ơi”...
Rất nhiều lần nhạc sĩ Trương Quý Hải đã hát cho tôi nghe “Về đây đồng đội ơi!”, bài hát mà anh đã sáng tác cho bao đồng đội của mình đã nằm lại ở chiến trường Vị Xuyên ác liệt, 32 năm trước.
Lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần bắt đầu cất lên những ca từ: “Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu”, mắt anh lại đẫm lệ, giọng đứt quãng nhưng vẫn giữ được uy nghiêm như quân lệnh.
Năm nay, anh vẫn kể với tôi về ngày “Giỗ trận” của Sư đoàn 356 khi những người còn sống trở về đài hương 486 để gặp lại đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại do đạn pháo của quân xâm lược Trung Quốc năm 1984. “Bài hát vẫn được cất lên, mọi người có cảm giác rất thật rằng: Hình như đồng đội đã nghe thấy tiếng gọi và trở về với những người đã được đồng đội tặng cho cuộc sống”. Tôi hỏi anh: “Anh có khóc khi ôm đàn hát hôm nay không?”. “Cảm xúc vẫn như thế, mọi người đều thế và anh linh đồng đội xung quanh đài hương 486 này chắc cũng vẫn thế” - anh vẫn nghẹn ngào khi nói về Sư đoàn 356 ngày nào.
Sư đoàn 356 thuộc Quân khu 2 là một trong những đơn vị được điều động trực tiếp lên tham gia mặt trận biên giới Vị Xuyên (1984-1989). Khi đó mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc.
Người cựu binh sư đoàn 356 Trương Quý Hải nói: Không một đơn vị nào như sư đoàn 356, bởi sư đoàn chọn ngày nhiều đồng đội hy sinh, ngã xuống nhiều nhất để làm ngày truyền thống. Đó là ngày “giỗ trận”.
Trong ký ức của mình, chiến sĩ Trương Quý Hải chỉ còn nhận ra khoảnh khắc đạn pháo nổ và anh ngất đi. Khi tỉnh dậy, trời mưa, đồng đội nằm la liệt xung quanh anh. Lớp lớp người đã hy sinh khi chống quân xâm lược Trung Quốc để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Lúc đó là rạng sáng 12.7.1984.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải (bìa phải) cùng các đồng đội của mình hát vang bài “Về đây đồng đội ơi!” do chính anh sáng tác.
2. Ngày 11.7.2016, 32 năm sau, hàng trăm cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 356 có mặt tại chiến trường Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) để thăm lại những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi đây trong lễ tưởng nhớ đầy thành kính.
Những giọt nước mắt đã lăn trên gương mặt các cựu chiến binh già. Vị mặn thắm tình đồng đội lẫn vào giọng đọc đều đều đầy xúc động của cựu binh Đỗ Huy khi đọc lời tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ Vị Xuyên tại cao điểm 468: “Kính thưa vong linh các anh hùng liệt sĩ, kính thưa các đồng đội thân yêu!... 32 năm đã trôi qua, chúng ta, những người may mắn từ mọi miền đất nước trở về đây. Mảnh đất Vị Xuyên mà chúng ta và các đồng đội đã dành một phần của thời trai trẻ quyết giữ đất này...
Tháng 7 - tháng nhớ về đồng đội, nhớ tới biết bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình để ngăn quân thù ngày đó. 32 năm dãi dầu sương gió biên thùy... thân xác hóa vào đất đá biên cương... đúng như lời anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã khắc trên báng súng: “Sống bám đá, chết hóa đá... thành bất tử”.
Những người lính của các đơn vị trong toàn quân, từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến nơi đây, ngăn không cho kẻ thù hung ác từ bên kia biên giới giày xéo lên mảnh đất này. Các chiến dịch đánh chiếm cao điểm 772, đánh lấn dũi 685 bình độ 300-400 của Sư đoàn 356, thu hồi A6B của Trung đoàn 567 mà bây giờ nhắc đến 6B211 các cựu binh bên kia vẫn còn kinh hãi. Phòng ngự dài ngày của các sư đoàn 313, 314,... tăng cường cho mặt trận còn có các đơn vị như Sư đoàn 312, 316, 325, 328…, Sư đoàn 31 và Sư đoàn 3 Sao vàng… đã làm nên một bản anh hùng ca, một niềm tự hào mang tên Vị Xuyên.
Những người lính không về sau trận đánh/ Chiến trường xưa đẫm máu đã bao ngày/ Tưởng như họ không nằm trong đất lạnh/ Mà hóa thành muôn vạn sếu trắng bay...
Mảnh đất Vị Xuyên đã thay da đổi thịt, lò vôi thế kỷ đã trở nên xanh tươi, Thanh Thủy, Thanh Hương, Thanh Đức rộn tiếng cười... Để có được ngày này là nhờ công ơn các anh, những người con ưu tú của đất Việt đã ngã xuống. Chúng tôi, những người đồng đội may mắn hơn được trở về, xin dâng tới các đồng đội nén hương và lời gọi tha thiết. Hãy về đồng đội ơi... còn nằm khe đá hay thung sâu.
Xin dâng hương tưởng nhớ/ Đồng đội của chúng tôi/ Những linh hồn bất tử…/ Mãi mãi tuổi đôi mươi....”.
Đau đáu về những đồng đội chưa quy tập được
Từ Vị Xuyên (Hà Giang), cựu binh Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng ban Liên lạc bạn chiến đấu, Sư đoàn 356 Hà Nội, xúc động nói: Năm nay ban liên lạc sư đoàn ở Hà Nội có 160 người lên với những đồng đội còn nằm lại ở Vị Xuyên. Nhưng điều đặc biệt hơn cả đó là tại điểm cao 468 đã có nhà tưởng niệm được dựng lên từ sự đóng góp của mọi người.
“Dưới những vách đá, trong từng tấc đất vẫn còn anh em nằm lại chưa quy tập được. Nguyên nhân là vẫn còn nhiều vật nổ chưa rà phá, trước đây chúng tôi dựng lên những cây hương, bây giờ có nhà tưởng niệm để hương khói cho anh em nằm lại trên mặt trận”, đó là một niềm vui rất lớn.
Mặc dù năm nào vào dịp này, ban liên lạc cũng lên với Vị Xuyên, về với đồng đội nhưng đối với cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thạch thì khung cảnh nơi đây luôn gợi cho ông nhớ về những trận chiến khốc liệt, những vết tích chiến tranh vẫn còn đọng lại. Niềm đau đáu những đồng đội vẫn chưa tìm thấy hài cốt khiến ông rơi nước mắt: “Nhiều người trong chúng tôi không kìm được nước mắt khi nghe những lời phát biểu của đơn vị, những bài hát của anh Trương Quý Hải kêu gọi đồng đội về trong bài hát “Về đây đồng đội ơi!”. Tiếng hát như lời kêu gọi những đồng đội vẫn còn nằm ở thung sâu, vách đá, khe núi trên mảnh đất Vị Xuyên trở về có một cái tên cho anh em, về với gia đình vợ con, anh em bạn bè” - người lính năm xưa ở Vị Xuyên bày tỏ.
Chân Luận - Phong Việt- Viết Thịnh/PLO