Dự thảo luật Hỗ trợ DNNVV: Nút thắt ở nguồn vốn

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:48, 12/07/2016

Một trong những sự kiện quan trọng được chờ đợi nhất trong tháng 7.2016 là việc dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét và thảo luận, tiến tới thông qua một trong những bộ luật quan trọng nhất đối với nền kinh tế, trong bối cảnh có đến 96-97% số doanh nghiệp (DN) Việt Nam nằm trong diện NVV.

Tuy nhiên, dù chưa chính thức được Quốc hội xem xét và thảo luận để tiến tới thông qua,luật Hỗ trợ DNNVV cũng đang tồn tại một số vấn đề cần phải xem xét một cách thấu đáo: phần lớn các quy định của luật hỗ trợ DNNVV quá tập trung vào các vấn đề hỗ trợ nguồn vốn trong khi có phần coi nhẹ các hỗ trợ về pháp lý và chính sách, mà bản thân việc quy định các nguồn vốn hỗ trợ đótương đối mù mờ.

Trước hết, cần khẳng định ngay một trong những điểm hạn chế chủ yếu của dự thảo luật Hỗ trợ DNNVV sẽ trình lên Quốc hội trong tháng 7 nàylà việc thiếu đi khâu đánh giá hiệu quả cần thiết của các chương trình hỗ trợ.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong tờ trình dự thảo luật, hiện hơn 80% chính sách và các chương trình hỗ trợ DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với họ, trong khi đây lại là một khâu đóng vai trò trọng yếu. Nói cách khác, dự thảo luật Hỗ trợ DNNVV đang thiếukhâu phản hồi để điều chỉnh và nâng cao hiệu quả của các quy định hỗ trợ các DN. Đây là một điều đáng tiếc đối với một bộ luật được cộng đồng DN chờ đợi từ lâu và có vai trò quan trọng với nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nút thắt chủ yếu của dự thảo luật Hỗ trợ DNNVV đang được xem là vấn đề nguồn vốn hỗ trợ.

Đúng như tên gọi của mình, dự thảo luật Hỗ trợ DNNVVnày có tới 241 từ “hỗ trợ” bao gồm rất nhiều các chương trình hỗ trợ DNNVV khác nhau, như chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ hội nhập, hỗ trợ cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, và các chương trình hỗ trợ DNNVV khác do chính phủ quy định trong từng thời kỳ... Nói cách khác, phần lớn hỗ trợ được quy định trong dự thảo luật hỗ trợ DNNVV lần này thuộc về yếu tố tài chính.

Theo một số ý kiến dự thảocó phần coi nhẹ các hỗ trợ về mặt chính sách và pháp lýthì những hỗ trợ về nguồn vốn lạiđược xem là cần thiết.Nhưng dù đóng vai trò trọng yếu trong dự thảo luật, việc quy định rõ ràng các nguồn vốn hỗ trợ đó lại đangkhông rõ ràng.

Trước hết, dự luật không quy định rõ ràng kinh phí cho hàng loạt các chương trình hỗ trợ đó được lấy từ nguồn nào, từ các ngân hàng thương mại (NHTM) hay từ ngân sách nhà nước, cũng không nêu rõ cách thức thực hiện và đối tượng cụ thể. Đây là điều quan trọng vì một trong những vấn đề bị các DNNVV phàn nàn nhiều nhất thời gian qua là việc khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các NHTM hay các quỹ hỗ trợ, do các quy định và yêu cầu khắt khe hơn hẳn so với những gì được quy định về bề ngoài.

Khảo sát PCI 2015 cho thấy tỷ lệ các DNNVV có khoản vay từ các ngân hàng là thấp hơn đáng kể so với các DN quy mô trung bình và quy mô lớn. Trung bình chỉ có khoảng 40% DN siêu nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, với các DN nhỏ là 62%, DN trung bình là 74% và DN lớn là 81%.

Các con số thống kê khác cũng chỉ ra một thực tế:các DNNVV thuộc diện khó tiếp cận nguồn vốn vay nhấtvà phải chấp nhận các khoản vay có điều kiện rất khắt khe. Cũng theo kết quả khảo sát PCI, khoảng thời gian từ 2010-2015 khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV không có nhiều tiến triển. Trung bình số DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn chỉ tăng mỗi năm khoảng 1-2%, ngoài ra các DN này cũng phải chịu các khoản vay ngắn hạn thường là từ 6-12 tháng và nhất là lãi suất cao hơn các đối tượng DN có quy mô lớn hơn, thường là trên 9% so với mức trung bình khoảng 8% mà các DN có quy mô lớn hơn được hưởng.

Lý do chủ yếulà việc các NHTM hầu hết đều yêu cầu các DNNVV phải có tài sản thế chấp có giá trị ngang bằng mới chấp nhận cho vay vốn, trong khi đây lại là điểm yếu của các DNNVV, vốn có quy mô tài sản thấp. Việc các ngân hàng khăng khăng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp mới cho vay vốn là điều dễ hiểu, nhưng rõ ràng là điều này đang hạn chế đáng kể tiềm năng phát triển của rất nhiều DNNVV đang hoạt động rất tốt và chỉ kẹt vấn đề tài sản thế chấp.

Ở nhiều nước, yêu cầu về tài sản thế chấp chỉ là một trong những điều kiện cần thiết quyết định việc các ngân hàng có chấp nhận cho DN vay vốn hay không. Ngoài yếu tố tài sản thế chấp, các ngân hàng thường sẽ xem xét các yếu tố như ý tưởng, kế hoạch kinh doanh và hiệu quả hoạt động trong thời gian trước đóvà nhất là các hợp đồng kinh doanh được ký kết để quyết địnhcó cho DN vay vốn hay không.

Trong dự thảo luật Hỗ trợ DNNVVcó quy định, Nhà nước sẽ hỗ trợ các ngân hàng điều chỉnh cơ cấu tín dụng hướng tới DNNVV, thông qua việc chính phủ sẽ dành một số ưu đãi cho các NHTM khi đạt được tỷ lệ dư nợ tối thiểu cho DNNVV là 30% hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi theo các mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, nếu không có những quy định thực sự khác biệt,e rằng những ưu đãi về nguồn vốn này cũng sẽ đi theo vết xe của các chương trình hỗ trợ vốn trước đó dành cho các DNNVV.

Sẽ rất dễ để tình trạng các ngân hàngbắt buộc các DNNVV phải có tài sản thế chấp mới chấp nhận cho vay vốn tái diễn, mà đây lại là một trong những vấn đề mà cộng đồng DN hy vọng sẽ được giải quyết trong dự thảo luật hỗ trợ DNNVV trình lên Quốc hội lần này. Sẽ rất đáng tiếc nếu như một dự thảo luật Hỗ trợ DNNVV tập trung vào việc giải quyết nguồn vốn vay cho các DNNVV lại không thể tháo được nút thắt vốn đã tồn tại quá lâu này.

Và khi mà dự thảo luật Hỗ trợ DNNVV vốn đã bị cho là có phần coi nhẹ các hỗ trợ về chính sách và pháp lý, mà lại không giải quyết được nốt vấn đề nguồn vốn hỗ trợ, thì liệu cộng đồng doanh nghiệp còn có thể chờ đợi điều gì từ dự thảo này nữa?

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)

Nhàn Đàm