Thương hiệu quốc gia bắt đầu từ những sản phẩm đặc trưng vùng miền

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:08, 14/07/2016

Một trong những cách thức dễ dàng để thế giới biết đến Việt Nam, thương hiệu Việt Nam chính là xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch, gắn kết sản phẩm đặc trưng của những điểm đến đó.

Làm sao để xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG)là câu hỏi chính được đem ra bàn luận tại diễn đàn "Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương” được tổ chứcngày 13.7 tại Hà Nội.

Xây dựng thương hiệu qua lăng kính vùng miền

Chia sẻ về mô hình xây dựng thương hiệu địa phương, vùng miền liên quan tới xây dựng THQG, ông Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia Ban Tư vấn Chương trình THQG nhận địnhvấn đề xây dựng THQGđang ngày một nóng lên trên thế giới. Hiện nay, có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình này. Ở khu vực Đông Nam Á, trừ Lào và Campuchia,các quốc gia còn lại cũng đang trong những giai đoạn thực thi chiến lược. Việt Nam đương nhiên không thể nằm ngoài xu thế ấy.

"THQG chính là hình ảnh quốc gia đó phản chiếu ra bên ngoài. Chương trình THQG có nhiệm vụ tìm kiếm, xây dựng và bồi đắp được những thương hiệu đó để thể hiện ra bên ngoài một hình ảnh quốc gia thân thiện, năng động, sáng tạo, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Tuy nhiên, con đường để thực hiện mục tiêu đó rất dài và khó khăn", ôngNguyễn Quốc Thịnh nhận định.

Theo ông Thịnh, một trong những cách thức dễ dàng để thế giới biết đến Việt Nam và thương hiệu Việt chính là xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch,gắn kết với sản phẩm đặc trưng của những điểm đến đó. Tạo cơ hội khai thác đa dạng các tài nguyên, nguồn lực với giá trị gia tăng cao. Phát triển THQG qua điểm đến du lịch là cách khác biệt hóa nhanh và dễ nhất.

Đưa ra ví dụ về vấn đề này, ông Thịnh kể lạitrong lần phỏng vấn 42 du khách nước ngoài tại Hội An thì có 24 người đến lần đầu và 18 người đến lần thứ 2 trở lên; 21 người nóichắc chắn sẽ quay trở lại Việt Nam, 10 người không muốn quay lại, 11 người chưa quyết định; 31 người thích đồ ăn Việt Nam, 5 người cho là bình thường và 6 người không thích; 27 người đã và đang dùng sản phẩm thời trang Việt Nam, trong đó 16 người thích, 11 người cho là dùng được và rẻ.

Tuy nhiên, đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằngthông tin về điểm đến du lịch của Việt Nam còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch ít và đơn điệu, tính chuyên nghiệp chưa cao và đặc trưng vùng miền còn chưa rõ.

Từ đó, ông Thịnh lưu ýcần phải có phương thức hỗ trợ các địa phương để nâng cao trình độ tạo dựng điểm đến du lịch, phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền, tạo thương hiệu sản phẩm của từng vùng miền. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải khai thác tài sản trí tuệ địa phương, tri thức truyền thống bản địa, làm sao để thương mại hóađược những sản phẩm.

"Làm sao để biến những bài thuốc tắm củangười Dao chẳng hạn, những phương thuốc dân gian thành sản phẩm thực sự. Ngoài ra, cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam", ông Thịnh ví dụ.

Thương hiệu có tronghạt gạotớiquả nhãn lồng ra thị trường thế giới

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ, mặc dù nhãn lồng Hưng Yên đã khắc sâu vào tâm trí khách hàng từ rất lâu, nhưng về mặt pháp lý là không hoàn thiện bởi chưa đượcthiết kế nhãn hiệu hàng hóa, chưa có logo, slogan, bao bì, nhãn mác; chưa xác định được rõ đặc tính của sản phẩm; chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa...

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của thương hiệu trong thương mại hiện đại, tỉnh Hưng yên đã có ý tưởng xây dựng thương hiệu cho nhãn lồng từ trước năm 2004. Sau 2 năm thực hiện, ngày 24.8.2006, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có Quyết định số 8572/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Từ đó, thương hiệu nhãn lồng Hưng Yênđã được khẳng định cả về mặt pháp lý và trong tâm trí khách hàng, giá trị sản phẩm được tăng lên, thu nhập của người dân trồng nhãn ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, ông Minh vẫn băn khoăn, trong những năm qua, việc phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên vẫn còn một số hạn chế như thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, công tác tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít; công tác quản lý giám sát thị trường hạn chế, hiện tượng bán trà trộn nhãn khác dùng bao bì, túi đựng, mạo danh nhãn lồng Hưng Yên thường xuyên xảy ra; chưa gắn kết được sản xuất và tiêu thụ, chưa xây dựng được hệ thống phân phối ổn định.

Theo đó, để bảo vệ và phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên trong những năm tới, ông Minh cho biếttỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch quảng bá, khuyếch trương, phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên một cách mạnh mẽ, cụ thể hơn. Rút ngắn kênh tiêu thụ sản phẩm bằng cách tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hằng năm cho nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm nhãn nói riêng để giảm bớt tác nhân trung gian tham gia vào hệ thống tiêu thụ, giảm thời gian lưu thông để nâng cao chất lượng quả nhãn.Đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên. Tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xác định dung lượng thị trường... để có cơ sở khoa học tiến hành tổ chức sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất, định hướng sản xuất và có giải pháp bảo quản sản phẩm sau thu hoạch hiệu quả.

Với những sản phẩm khác nhưlúa gạo, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt(Bộ NN-PTNT) cho rằnghiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng khá, chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới nhưng giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm lại thấp do chất lượng gạo Việt Nam còn thấp, độ lẫn giống còn cao, chưa có thương hiệu riêng mà phải mang một nhãn hàng khác của quốc gia nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã bước đầu xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường.

"Do vậy việc xây dựng thương hiệu lúa gạo là rất quan trọng nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới", ông Trung cho hay

Ngoài raông Trung cũng nhấn mạnhviệc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội và người nông dân.

Tuyết Nhung

tuyetnhung