Mỹ muốn làm dịu tình hình Biển Đông sau phán quyết của PCA
Chuyển động - Ngày đăng : 09:05, 14/07/2016
"Những gì chúng tôi muốn là làm dịu sự việc này xuống để vấn đề này có thể được giải quyết một cách hợp lý thay vì dùng cảm xúc", một quan chức Mỹ giấu tên mô tả thông điệp ngoại giao mà Mỹ sử dụng sau khi PCA ra phán quyết phủ nhận yêu sách "đường 9đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một số thông điệp "im lặng" của Mỹ đã được gửi thông qua các đại sứ quán Mỹ tại nước ngoài và các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Washington. Ngoài ra một số thông điệp còn được gửi trực tiếp bởi các quan chức hàng đầu của Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Ngoại trưởng John Kerry, nguồn tin của Reuters cho biết.
"Đây là một chiến dịch để làm dịu tình hình, không phải là một nỗ lực để tập hợp các quốc gia chống lại Trung Quốc, điều sẽ nhanh chóng biến thành một câu chuyện sai lầm là Mỹ đang dẫn đầu một liên minh để kiềm chế Trung Quốc", quan chức giấu tên nói thêm.
Những nỗ lực để làm dịu căng thẳng trên Biển Đông được phía Mỹ đưa ra sau khi phán quyết của PCA đã kích động Đài Loan cử tàu chiến đến khu vực này. Lãnh đạo hòn đảo, bà Thái Anh Văn nói rằng động thái của Đài Bắc là "để bảo vệ lãnh thổ trên biển của Đài Loan".
PCA ra phán quyết rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử và bác bỏ yêu sách "đường 9đoạn" của nước này. PCA cũng cho rằng đảo Ba Bình tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Đài Loan đang chiếm giữ phi pháp là "đá" chứ không phải đảo và không nhận được vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 quanh đảo.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biếttrước khi PCA ra phán quyết, ông đã nói chuyện với ông Carter. Theo ông Lorenzana, trong buổi nói chuyện với người đồng cấp Mỹ, ông Carter đã truyền lại thông điệp từ phía Trung Quốc là nước này sẽ hành độngkiềm chế với phán quyết của PCA và chính phủ Mỹ cũng đưa ra lời bảo đảm sẽ kiềm chế hành động của mình.
Ông Carter mong muốn Philippines cũng đưa ra thông điệp tương tự và đã được Manila chấp thuận, ông Lorenzana cho biết thêm.
Trong khi đó, hai máy bay dân sự của Trung Quốc đã hạ cánh xuống hai sân bay mới được xây dựng trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháptại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Động thái này của Trung Quốc, theo Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông hơn là hạ nhiệt tình hình.
"Chúng tôi không phải là một bên xung đột (trên Biển Đông), chúng tôi chỉ có niềm tin... vào tự do hàng hải", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói hôm 13.7. "Những gì chúng tôi muốn là nhìn thấy sự giảm căng thẳng trong khu vực đang rất căng thẳng ở châu Á -Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn các bên tranh chấp có thời gian để cùng xem xét đưa ra phương án để chúng ta có thể giải quyết vấn đề này trong hòa bình".
Nếu phương án làm dịu tình hình thất bại và xung đột trên Biển Đông leo thang theo hướng đối đầu, Mỹ đã có phương án dự phòng. Theo đó, không quân Mỹ và các lực lượng thuộc hải quân Mỹ đã chuẩn bị thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải mới tại Biển Đông, một quan chức quốc phòng Mỹ cho Reuters biết hôm 13.7.
Thiên Hà (theo Reuters)