Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc bị mắng là 'xấu xa và xuyên tạc'
Quốc tế - Ngày đăng : 14:52, 14/07/2016
Những lời lẽ của ông Lưu được đưa rasau phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài Thường trực. Tờ báo Mỹ ghi nhận ông thứ trưởng đã chỉ trích Tòa này kịch liệt. Ông nói vị chánh án và 5 chuyên gia luật hàng hải xem xét vụ kiện là “thiên vị” và chống lại châu Á.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Lưu hỏi: “Họ hiểu gì về châu Á, văn hóa châu Á? Họ có hiểu vụ tranh chấp Nam Hải? Họ có hiểu tính chất địa -chính trị phức tạp của châu Á?Họ có hiểu lịch sử Nam Hải hay không mà đưa ra một phần thưởng như vậy?”.
Nam Hải là cách Trung Quốc gọi Biển Đông.
Nhà ngoại giao Trung Quốc quá lố, bị quả hố
Nhóm chuyên gia về luật biển của Tòa trọng tài thường trực gồm 1 người Pháp, 1 người Đức, 1 người Ba Lan, 1 người Hà Lan và 1 người Ghana.
Ông Lưu phàn nàn 4 thành viên Tòa do Chánh án Shunji Yanai chỉ định. Vị chánh án từng là Đại sứ Nhật Bản ở Mỹvà là một luật sư của Tòa án quốc tế về Luật Biển hồi năm 2013, khi Philippines gởi đơn kiện Trung Quốc ngang ngược đòi độc chiếm Biển Đông lên Tòa trọng tài thường trực.
Ông Lưu khẳng định ông Yanai là “đồng minh” của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, một chính khách bảo thủ và thường bị chính phủ Trung Quốc chỉ trích. Vị thứ trưởng Trung Quốc nói: “Ông ấy dàn xếp toàn bộ cuộc phán quyết”.
Các chuyên gia cho biết, bình thường trong một vụ kiện do 5 chuyên gia xem xét, mỗi bên liên quan vụ kiện chọn 2 người, Tòa án quốc tế về Luật Biển chọn một người. Trong vụ kiện Trung Quốc, Philippines chọn 1 chuyên gia người Đức, đề nghị Chánh án Yanai chọn 4 chuyên gia còn lại, theo Markus Gehring - một chuyên gia luật biển và là giảng viên khoa luật đại học Cambridge.
Ông Lưu cũng công kích Tòa trọng tài thường trực về chi phí cho 5 chuyên gia (do Philippines trả): “Họ kiếm ra tiền, ai là chủ của họ, ai trả cho họ?”.
Nhưng chuyên gia Gehring giải thích: trong các vụ xử trọng tài quốc tế và thương mại, gồm các vấn đề về luật biển, bình thường thì hai bên nguyên và bị đơn đều nộp phí xét xử trọng tàivà cùng nhau trả tiền cho việc mời nhà báo dự phiên tòa, chi phí lắp đặt công nghệ thông tin.
Nhưng Trung Quốc từ chối dự phiên xét xử, không chịu nộp phí, chỉ có Philippines nộp phí, theo trang web của Tòa trọng tài thường trực.
Luật sư trưởng của Philippines, ông Paul S. Reichler nói các khoản phí cho tòa này đã được chivà “vì Trung Quốc phớt lờ, Philippines không còn cách nào khác là phải trả phí hộ Trung Quốc. Đó là điều xảy ra khi một bên từ chối chi và bên kia muốn vụ xử trọng tài vẫn được tiến hành”.
Luật sư Reichler cũng nói 5 chuyên gia là “những người trọng danh dự nhất và đáng kính nhất thế giới. Việc người ta nói bóng gió rằng họ thiên vị Philippines - vì họ biết Philippines đóng tiền cho Tòa trọng tài thường trực chứ không đích thân trả cho họ - thì quả là quá đồi bại và xuyên tạc”.
Công an Trung Quốc chặn đường tới Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh hôm 12 và 13.7 - Nguồn Getty Images
Lãnh đạo Trung Quốc bị bẽ mặt với dân
Thông tin chính trong phán quyết là Trung Quốc không có quyền “lịch sử” ở Biển Đông. 5 chuyên gia của Tòa trọng tài thường trực đã tuyên chẳng hề có chứng cứ nào xác nhận Trung Quốc có độc quyền chiếm Biển Đông.
Việc Tòa này bác mọi lý lẽ của Trung Quốc đã gây nhức đầu cho lãnh đạo Trung Quốc vì bị mất uy tín không chỉ với quốc tế, mà với cả người dân vốn được giới truyền thông nhà nước thường xuyên “nhồi nhét” thông tin về “sự bất khả bại” của Trung Quốc trong việc ngang ngược tuyên bố độc chiếm 90% Biển Đông.
Tờ New York Times viết: học sinh Trung Quốc luôn được dạy ở trường rằng Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng dùng “vị thuốc lang băm” (nostrum, chữ của tờ báo Mỹ) này để nói chuyện với giới truyền thông nhà nước suốt nhiều giờ sau khi có phán quyết.
Ông nói: “Từ thời xa xưa, các đảo ở Biển Đông đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải của nước ta trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng của phán quyết”.
Để nhấn mạnh quan điểm, chân dung ông Tập được đặt ở vị trí nổi bậttrên trang nhất báo nhà nước China Daily số ra ngày 13.7, trên cả tên của báo này. Nhiều báo nhà nước khác thì trưng bản đồ “đường 9 đoạn” bao phủ 90% Biển Đông.
Cũng vì ráng chứng minh với nhân dân Trung Quốc về quyền kiểm soát Biển Đông của Bắc Kinh, Quân đội Nhân dân nhật báo vẫn đưa tin giới thiệu một khu trục hạm mang tên lửa mới, trong khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết hải quân sẽ sớm nhận được “vô số” khu trục hạm để bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc.
Vẫn theo New York Times, Trung Quốc phản ứng yếu ớt với phán quyết. Bài báo nêu Bắc Kinh chỉ phô trương sức mạnh một cách khiêm tốn, bằng cách đưa hai máy bay dân dụng hạ cánh trên hai đường băng trên Đá Vành Khăn và Đá Xubi - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm biểu thị quyền kiểm soát 2 thực thể nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép.
CCTV chiếu cảnh tổ lái đứng trên đường băng, xem ra không có hành khách. Sau đó, hai chiếc máy bay của hai hãng Southern Airlines và Hainan Airlines này bay về đảo Hải Nam.
Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực đã tuyên 2 Đá trên do Trung Quốc cải tạo đất, quá nhỏ để Bắc Kinh có thể đòi quyền kiểm soát kinh tế trên vùng biển xung quanh chúng.
Nhưng Trung Quốc ngày 13.7 không phát tín hiệu sẽ đưa tàu chiến vào khu vực nàyvà chỉ có vài tín hiệu hạn chế về việc họ sẽ làm gì để “trút roi” phẫn nộ vào Philippines, quốc gia đã thắng hầu hết các lý lẽ trong vụ kiện Trung Quốc đòi độc chiếm Biển Đông lênTòa trọng tài thường trực.
Tờ báo Mỹ ghi nhận dân Trung Quốc không biểu tình quanh Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh đã phát tín hiệu: Trung Quốc sẵn sàng thương lượng với tân Tổng thống Rodrigo Duterte, người được ghi nhận là có thái độ thân thiện với Bắc Kinh hơnso với người tiền nhiệm Benigno Aquino III, người khởi xướng vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Kim Hương (theo New York Times)