Câu chuyện phục chế kiến trúc nhà cổ Đà Lạt, tìm lại vẻ đẹp xưa

Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 14:30, 14/07/2016

Đà Lạt có khoảng 1.500 biệt thự cổ, hầu hết ảnh hưởng đậm phong cách kiến trúc địa phương ở các vùng thuộc phía Bắc nước Pháp. Qua thăng trầm thời cuộc, nhiều biệt thự dần hoang phế, và câu chuyện tôn tạo, trùng tu, phục chế các căn biệt thự cổ từ rất lâu vẫn là đề tài nóng mỗi khi nhắc đến.

Các loại hình kiến trúc cổ Đà Lạt, từ công trình công cộng, tư dinh, đến biệt thự, cả các kiến trúc tôn giáo… được hình thành trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, thường được giới chuyên môn ví như một “bảo tàng kiến trúc” bởi sự đa dạng, sống động trong các chi tiết xây dựng mang đậm phong cách Tây Âu kết hợp hài hòa cùng cảnh quan ngoạn mục vùng cao nguyên Lâm Viên đã tạo nên một hồn cốt đô thị chuyên biệt, không lẫn lộn với các địa phương khác.

Thế nhưng “mỏ vàng” của kiến trúc Đà Lạt sau thời gian dài lãng quên, đã từng ngày xuống cấp trầm trọng, câu chuyện tìm lại vẻ đẹp cho các kiến trúc xưa ai cũng muốn, nhưng để có người thực hiện và bài toán thực hiện như thế nào vẫn luôn là một câu hỏi không dễ đưa ra được trả lời cụ thể. Việt Nam chưa có chuyên ngành về phục chế kiến trúc cổ, thế nên việc thực hiện đều lệ thuộc vào cái tâm và niềm đam mê của chủ đầu tư. Nhìn lại các công trình gần đây nhất của Đà Lạt được tôn tạo, sửa chữa như khách sạn Đà Lạt Palace, Dinh I và cụm biệt thự trong quần thể Dinh, khách sạn Đà Lạt Du Parc… nhóm kiến trúc sư thực hiện công trình phải tự mày mò, dụng công trong việc tra cứu tư liệu, tìm nhân chứng sống để phỏng vấn, ghi chép, sau đó lọc ra các phương pháp tối ưu nhất để bắt tay vào phục chế, cải tạo.

Nếp mái sử dụng ngói Tây với mặt bằng bẻ góc phức tạp là một nét thường gặp trong kiến trúc biệt thự cổ Đà Lạt


Duyên Hải - hiện là một trong số các kiến trúc sư tham gia thiết kế và giám sát thi công các công trình trùng tu, bảo tồn, phục chế kiến trúc cổ ở Đà Lạt chia sẻ: “Bảo tồn là làm lại nguyên hiện trạng, y như cái cũ sẵn có, những công trình phù hợp cho công tác bảo tồn thường là công trình công cộng, kiến trúc tôn giáo, di tích lịch sử, kể cả không gian ngoại thất của các biệt thự cần được giữ lại nguyên bản để không phá vỡ hình thái kiến trúc và cảnh quan môi trường. Trùng tu cải tạo là dựa trên kiến trúc nguyên bản, có thể thay đổi công năng đáp ứng nhu cầu sử dụng mới, việc cải tạo dựa trên tinh thần cái cũ đã sẵn có nhưng được làm mới lại bằng các chất liệu thay thế phù hợp, hiện đại, tiện ích hơn, công tác này thích hợp với không gian nội thất, chẳng hạn công trình Dinh I Đà Lạt”.

Những chi tiết trang trí và đường nét kiến trúc gợi nhớ về hình ảnh một châu Âu ngay đô thị Đà Lạt


Các công trình kiến trúc cổ được bảo tồn, trùng tu hoàn thiện ở Đà Lạt hiện vẫn là con số rất nhỏ, nhưng những người yêu kiến trúc cổ Đà Lạt nhận ra trong đó nhiều tín hiệu đáng mừng khi vẻ đẹp nguyên bản của công trình được chú trọng, đặc biệt là ở phần ngoại thất, nơi dễ dàng kết hợp với không gian hiện hữu để tạo thành các điểm nhấn cảnh quan cho tổng thể của Đà Lạt. Nhìn qua các công trình mới được tôn tạo, phục chế, giá trị và vẻ đẹp được đón nhận, hẳn đó là những bước đệm cần thiết, tạo kích thích cho các nhà đầu tư vào cuộc, đồng thời trình độ nghiệp vụ của các đơn vị thực hiện cũng sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
Trùng tu, bảo tồn các kiến trúc cổ Đà Lạt, hẳn cũng mở ra một cơ hội nghề nghiệp mới trong ngành phục chế kiến trúc, bởi thị trường Việt Nam còn nhiều kiến trúc thuộc địa ở cả ba miền, câu chuyện bảo tồn vẻ đẹp kiến trúc cổ cũng là một cách góp phần bảo tồn di sản của một vùng đô thị.

Mặt sau của tòa dinh thự từng thuộc sở hữu của cựu hoàng Bảo Đại đã tìm lại được vẻ đẹp xưa
Đà Lạt có 2 biệt thự ở khu Resort Cadasa và Dinh I mang kiến trúc giống hệt nhau

Việc tôn tạo, trùng tu các biệt thự cổ Đà Lạt tốn rất nhiều thời gian và công sức để tìm được nguyên vật liệu thay thế phù hợp với nguyên trạng ban đầu

Sự kết hợp đa chất liệu trong cùng một mảng kiến trúc tạo nên sự bề thế, vững chãi, và rất dễ hòa hợp cùng cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt
Biệt thự mang phong cách kiến trúc của vùng Normandie, Pháp, với hệ mái xếp cầu kỳ, tạo nên một vẻ đẹp đặc biệt cho công trình
Nguyên tắc chung trong xây dựng và thiết kế các biệt thự của Đà Lạt xưa là độ cao không quá 3 tầng, không quá gần nhau gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung
Biệt thự Đà Lạt thường gắn liền với một khoảng xanh, đường nét kiến trúc được thiết kế đa dạng mang chủ ý kết hợp hài hòa với cảnh quan môi trường
Kiến trúc biệt thự Đà Lạt chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc Pháp, có kết hợp yếu tố địa hình và khí hậu bản địa để tạo nên nét hấp dẫn riêng
Nguyễn Đình/ Kiến trúc Đời sống

Kien truc doi song