Thành phố Nice trước và sau khi bị khủng bố
Du lịch - Ngày đăng : 13:24, 18/07/2016
Là một phần lãnh thổ của Pháp từ năm 1860, Nice vẫn giữ cho mình một lịch sử và không khí rất riêng từ hàng ngàn năm trước. Người Hy Lạp đã thiết lập ngôi chợ ngay bến cảng khoảng năm 350 trước công nguyên và đặt tên là Nikaia (nữ thần chiến thắng), rồi người La Mã đã xây dựng trên đỉnh đồi Cimiez (Cemenelum) những công trình phủ bóng xuống hải cảng bên dưới và Nice nổi lên nhưng một trung tâm cảng biển quan trọng thời Trung Cổ.
Chừng đó thôi để thấy Nice thu hút thế nào trong số các điểm đến tại đất nước hình lục lăng. Giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp du lịch, vì thế hôm Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 là dịp du khách tìm đến Nice để vui chơi, nghỉ dưỡng và tìm cho mình chút không khí vừa cổ kính, giàu thẩm mỹ mà vẫn hiện đại qua những công trình nơi đây.
Nice cũng là thành phố tổ chức một trong các trận đấu vòng bảng thuộc khuôn khổ Euro 2016 (Ba Lan – Bắc Ireland) trên sân vận động mới Allianz Riviera và biến nơi đây thành thủ phủ thể thao của miền nam Pháp. Tại đây du khách có thể ghé thăm bảo tàng thể thao quốc gia với rất nhiều hoạt động và bộ sưu tập hiện vật thể thao quý giá.
Với cảnh đẹp và giàu tính thẩm mỹ, Nice là bối cảnh quay của bộ phim Magic in the moonlight (Phép màu dưới ánh trăng) của đạo diễn nổi tiếng Woody Allen khơi gợi thời hoàng kim của Côte d’Azur (khu bờ biển xanh) những năm 20 của thế kỉ trước. Nice trong phim và ngoài đời thật cũng không khác xa là mấy nếu bạn nhìn vào các tòa nhà và những quán café với ghế salon kiểu xưa cũ.
Nice còn mang chút hơi hướm của Ý với phổ cổ dọc theo vùng duyên hải Riviera, thành phố nhìn ra vịnh Thiên Thần về phía Nam và có dãy núi phía sau làm điểm tựa. Con đường nổi tiếng và đẹp nhất ở Nice có lẽ là Promenade des Anglais (thường được dịch là con đường đi dạo của người Anh) dài khoảng 6 km nối sân bay Nice với khu phố cổ lâu đời nhất thành phố.
Trước khi mọi thứ hoàn toàn đảo lộn hôm 14.7, cung đường Promenade des Anglais vốn là điểm đến của mọi du khách một khi họ đặt chân đến Nice. Mọi người tận hưởng những con sóng, chơi bóng chuyền, phơi nắng, chạy bộ...
Tên gọi của con đường cũng khá thú vị khi nó bắt nguồn từ 1 dự án vào đầu thế kỉ 19 (theo các tài liệu là năm 1820) khi những người đàn ông Anh quốc giàu có thường dành mùa Đông của họ ở Nice để hưởng không khí ấm áp phía miền Nam. Do có khá nhiều người ăn xin trên đoạn đường này vào thời điểm đó nên những người Anh nảy ra ý định thuê họ để xây dựng một cong đường để đi dạo và cái tên Promenade des Anglais ra đời từ đó.
Khác với Paris có chút tính“chuyên nghiệp” trong việc du lịch, Nice có vẻ thân thiện và hiền hòa theo đúng kiểu một đô thị ven biển. Dọc theo cung đường Promenade des Anglais là những cây cọ, khách sạn và căn hộ nằm san sát sơn đủ màu sắc như một chuỗi hạt độc đáo. Cứ theo con đường này đến phố cổ (Vieux Nice), không gian đa sắc hiện ra qua từng bước chân. Con đường trong phố nhỏ hẹp, có phần tối tăm nhưng lại rất thu hút du khách. Mọi thứ gần như đã đổi mới kể từ những năm 1700 và hiện có đầy các cửa hàng, bar, nhà hàng, quán ăn nhưng nhân vật chính vẫn là Saleya, ngôi chợ chỉ tồn tại vào những tháng hè. Chợ giúp bạn có thể tìm những sản vật tươi ngon và cho những ai có tâm hồn ăn uống và cả nghệ thuật, còn chợ hoa ngay tại đó sẽ cuốn bạn vào một không gian đầy sắc và hương.
Công trình kiến trúc tiêu biểu cho phong cách Baroque có thể kể đến Cathédrale Ste-Réparate, ngôi nhà thờ được xây dựng để dành tưởng nhớ vị thánh đỡ đầu của thành phố. Trong những ngày sau khi vụ khủng bố diễn ra, những buổi lễ cũng được tổ chức để cầu nguyện cho các nạn nhân không may qua đời và không chỉ Cathédrale Ste-Réparate, những thánh đường khắp Nice đều hướng về những nạn nhân.
Cùng nguyện cầu cho Nice và những nạn nhân trong vụ khủng bố 14.7. Bạn hãy tin rằng Nice sẽ đứng dậy như cách mà thành phố này tồn tại trong hàng ngàn năm qua.
Thông tin thêm cho bạn
- Cung đường Promenade des Anglais được mở cửa trở lại hôm Chủ Nhật (17.7.2016) và nhiều người đã trở lại bãi biển, quán café dọc theo đó. Các cảnh sát vẫn tuần hành còn người qua lại vẫn để lại những bông hoa hay thông điệp chia sẻ với các nạn nhân và gia đình họ trải dài tít tắp.
- Nhiều hãng hàng không như BA (British Airways) hay easyJet đã đồng ý cho du khách đổi các chuyến bay đến Nice sang một điểm đến khác hoặc dời, hủy chuyến.
- Vụ tấn công ở Nice, Pháp, khiến 84 người chết và hơn 50 trong tình trạng nguy kịch chỉ là ví dụ mới nhất của các cuộc tấn công ngẫu nhiên và đang trở nên thường xuyên hơn."Có cảm giác như chúng ta đang nhìn thấy điều này hàng tuần," Daniel Zaffran, phó chủ tịch tài khoản toàn cầu tại Interfor International, một công ty tư vấn an ninh trên toàn thế giới cho biết.
- Năm 2015 hơn 28.000 người đã thiệt mạng trong tổng số 11.700 cuộc tấn công khủng bố lớn nhỏ trên toàn cầu. Năm 2016, 32 người bị thiệt mang tại sân bay Brussel, 49 người thiệt mạng trong cuộc xả súng ở câu lạc bộ Orlando, 36 người thiệt mạng vì đánh bong liều chết ở sân bay Ataturk, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, 20 con tin cũng chung số phận tại 1 quán café ở Bangladesh.
- Theo các thông báo hướng dẫn của những cơ quan ngoại giao và bảo vệ du khách các nước, du khách nếu đang chuẩn bị đến Pháp hay Thổ Nhĩ Kỳ (vừa trải qua một đợt đảo chính bất thành) cần phải lưu ý thật kỹ các thông tin. Sân bay là một trong những mục tiêu mà quân khủng bố nhắm tới. Hạn chế tụ tập trong đám đông để phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn. Giữ đầu mối liên lạc ở chỗ dễ tìm nhất khi bạn đang đi du lịch để có thể kịp thời phản ứng với các tình huống xấu.