Lãnh đạo TP.HCM đối thoại với doanh nghiệp trẻ và cá nhân khởi nghiệp
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:31, 20/07/2016
Đây là hoạt động thường niên được YBA tổ chức định kỳ hàng năm để tạo điều kiện cho doanh nhân trẻ thành phố, cá nhân khởi nghiệp nắm bắt được chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như đề xuất, hiến kế trực tiếp giải pháp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp xin cơ chế
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thu Phong, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP, Chủ tịch YBA cho biết ngoài các doanh nghiệp lớn đã tạo dựng được thương hiệu quốc gia, là những cánh chim đầu đàn của nền kinh tế TP.HCM thì tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm đa số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ và dẫn đầu hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia lân cận trong khu vực, tỷ lệ này còn khá khiêm tốn (tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu dân số tại TP.HCM là 45 người/doanh nghiệp). Mặc dù 6 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận có 16.844 doanh nghiệp mới thành lập với số vốn đăng ký lên đến 144.568 tỉ đồng, tăng 18,2% về số lượng và 54,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng có đến 11.726 doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể, chiếm 69,6%. Con số này cũng đáng suy ngẫm về sự phát triển doanh nghiệp một cách bền vững và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến bài toán hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố.
Trong khi đó, bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng thư ký của YBA đồng thời là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệpnói rằng TP.HCM cần có một cơ chế đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố nên xin cơ chế để có thể tự phát giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp;thành lập ban phát triển cộng đồng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp để hỗ trợ về mặt pháp lý, bởi các doanh nghiệp này rất yếu về mặt cơ sở pháp lý. Các sở, ngành cũng nên tiếp xúc thường xuyên hơn với doanh nghiệp và hỗ trợ cơ chế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp lớn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Dương Công Đức,chủ một doanh nghiệp nhỏ thì đánh giá có sự lẫn lộn khi nhiều doanh nghiệp lớn làm việc nhỏ, còn nhiều doanh nghiệp nhỏ lại muốn làm lớn. Để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có giải thưởng để động viên.
Ông Trần Việt Anh, một thành viên kỳ cựu của YAB lại nhận định nền công nghiệp phụ trợ của VN rất yếu, vì vậy cần hướng cho doanh nghiệp khởi nghiệp nên bắt đầu từ công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa mới làm, doanh nghiệp lớn không làm được.Ông Việt Anh cũng đề xuất YBA cần tổng hợp những thất bại của doanh nghiệp trẻ, để cho doanh nghiệp khởi nghiệp lấy đó làm kinh nghiệm và tránh đưa khởi nghiệp thành phong trào không thực tế.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch YBA cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kênh phân phối nội địa và thành phố phải định hướng, phát triển các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, mở rộng liên kết vùng miền và quy hoạch quỹ đất, thành lập trung tâm thương mại tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Phương Nam, nguyênChủ tịch YBA cho rằng các sở, ngành nên xem lại và rút ngắn thủ tục hành chính, đề nghị nên có lịch hẹn qua mạng cho doanh nghiệp để tạo sự chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Cónhững giấy phép khi doanh nghiệp nhận về mà các sở, ngành đã ký cả tuần nhưng thông báo cho doanh nghiệp nhận rất trễ.
Ngoài ra, thành phố cũng nên hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại cho các hàng hóa trong nước. Gần đây, thành phố không hỗ trợ giảm 50% phí gian hàng như trước. Vì vậy, doanh nghiệp không mặn mà với các chương trình xúc tiến ra nước ngoài.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Trả lời về các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết để tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, TP đã giao Sở hoàn thành Đề án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đề án này đã hoàn thiện và đang trong quá trình chờ thành phố xem xét, thông qua. Các chính sách về nhà xưởng cao tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, thành lập trung tâm phát triển công nghiệp phụ trợ… đều đang được Sở hoàn thiện.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) nói rằng đang xúc tiến với các tỉnh, thành khác để hỗ trợ doanh nghiệp. Hầu như tháng nào IPTC cũng đưa hàng hóa doanh nghiệp đến các tỉnh đểtriển lãm. Các doanh nghiệp tham gia vào các gian hàng chung của TP đều miễn phí, một số chương trình hỗ trợ 50% giá gian hàng.
“ITPC đang lên kế hoạch và tổ chức tuần lễ hàng hóa của TP.HCM. Bên cạnh đó còn phối hợp với Sở Xây dựng để đưa các hàng hóa của ngành xây dựng đến các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, tổ chức các hội thảo giới thiệu như TPP với ngành nông nghiệp, lao động, thương mại, đầu tư… Từ đầu năm nay, ITPC đều ngồi lại với doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp thu ý kiến và hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Vân nói.
Bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng trả lời vướng mắc liên quan đến đăng ký kinh doanh. Theo bà Minh, đăng ký kinh doanh tại Sở hiện chỉ còn từ 3- 5 ngày và Sở cũng tổ chức các bộ phận hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký, đồng thời có dịch vụ đăng ký ngay tại nhà.
Kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận đóng góp của đội ngũ doanh nghiệp trẻ. Theo Chủ tịch UBND TP, đội ngũ doanh nghiệp trẻ sáng tạo, đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế. Khi VN trở thành thành viên TPP, Cộng đồng chung ASEAN… đặt ra cho đội ngũ doanh nghiệp trẻ về hòa nhập toàn cầu.
Ông Phong cũng cho biết lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thành phố đang phấn đấu để đạt 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Ngoài ra, thành phố còn tập trung ưu tiên hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với 4 ngành kinh tế trọng điểm.Tuy nhiên, nền kinh tế của TP.HCM còn nặng về kinh tế gia công, chưa tạo ra giá trị gia tăng. Do đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, mang tính chất bền vững, ứng dụng khoa học – công nghệ.
Hoàn thiện mô hình một cửa liên thông tại các cơ quan nhà nước
UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính do bộ, ngành Trung ương và thành phố ban hành để kiến nghị bãi bỏ những thủ tục không cần thiết.
Bên cạnh việcbãi bỏ các thủ tục không cần thiết, TP.HCM cũng tiếp tục hoàn thiện mô hình một cửa liên thông tại sở - ngành, quận - huyện, phường - xã, thị trấn; đồng thời triển khai ngay việc liên thông điện tử và chuyển giao văn bản điện tử của cơ quan, đơn vị ít nhất đạt tỷ lệ 80% trong năm 2016.
Không những vậy, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu cần nhân rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các quận - huyện còn lại và lập danh mục những lĩnh vực, thủ tục hành chính liên thông một cửa điện tử.
Từ ngày 20.7.2016, các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã, thị trấn sẽ chấm dứt việc phát hành thư mời họp bằng giấy, trừ thư mời mật và tổ chức các sự kiện lễ hội.
Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2016.
PD