Hãy biết dè chừng với khởi nghiệp

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:08, 19/07/2016

Câu chuyện các cơ quan chức năng Việt Nam tuyên bố sẽ không bỏ điều 292 Bộ luật hình sự có thể dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) sẽ chuyển địa điểm sang một số quốc gia lân cận trong khu vực có môi trường kinh doanh tốt hơn, đang là câu chuyện thu hút sự chú ý trong xã hội những ngày gần đây.

Nhất là trong bối cảnh Nhà nước và chính phủ vừa phát đi tín hiệu về chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”, trong đó tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khởi nghiệp để đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, thì câu chuyện này lại càng đáng chú ý hơn bao giờ hết. Nó dường như đang cho thấy Việt Nam vẫn chưa có một thái độ thực sự nhất quán đối với vấn đề khởi nghiệp.

Xét vấn đề một cách khách quan, thì phát động chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” có thể xem như một nỗ lực rất cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc khuyến khích giải phóng tiềm lực của xã hội và người dân. Nhưng xét trên một khía cạnh khác, nhất là khi xem xét bài học từ trường hợp của các quốc gia trong khu vực, thì một bài học có thể rút ra là: đừng quá lạc quan, và hãy biết dè chừng với khởi nghiệp.

Bản thân “khởi nghiệp” trên thực tế cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, tùy từng bối cảnh và ở từng quốc gia khác nhau. Đó có thể là một làn sóng kinh tế đang rất thịnh hành ở các nền kinh tế phát triển, nơi các công ty khởi nghiệp chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực công nghệ (startup) với mục tiêu cốt lõi là hướng tới một nền kinh tế sáng tạo với việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo với nền tảng là công nghệ cao.

Đây có thể xem như một hình thức kinh tế mới bắt đầu được manh nha, và cũng hứa hẹn mang lại những hiệu quả kinh tế lớn, lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. Còn tại các quốc gia đang phát triển với nền kinh tế vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa được các doanh nghiệp trong nước khai thác một cách hữu hiệu như Việt Nam, thì khởi nghiệp không chỉ bao hàm các startup trong lĩnh vực công nghệ, mà đa phần hướng tới các công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế, với nền tảng là sản xuất các sản phẩm thông thường mà không quá chú trọng về yếu tố công nghệ hàm chứa trong đó.

Trong mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp theo đề án “Quốc gia khởi nghiệp”, thì phần lớn trong số gần 500.000 doanh nghiệp sẽ được tạo thêm trong vòng 5 năm tới sẽ là các công ty sản xuất, số ít còn lại sẽ là các startup công nghệ.

Tuy nhiên, một xu hướng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, là việc các nỗ lực thúc đẩy các startup công nghệ có xu hướng gia tăng. Không chỉ có riêng một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các startup của Bộ Tài chính vừa mới trình Chính phủ, mà đề xuất thiết lập một sàn chứng khoán cho riêng giới startup theo mô hình của Hàn Quốc cũng được phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra như một phép thử để lấy ý kiến.

Nó đang cho thấy Chính phủ Việt Nam đang ngày càng nhận ra được tiềm năng thực sự của các startup công nghệ trong tương lai với nền kinh tế, và bắt đầu có những động thái hỗ trợ để thúc đẩy phát triển.

Theo đánh giá của Reuters, thì khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam được xem là khu vực sở hữu tiềm năng lớn nhất cho sự phát triển của startup công nghệ cũng như sự hấp dẫn của thị trường.

Cụ thể, Đông Nam Á đang là thị trường trực tuyến phát triển nhanh nhất thế giới, với khoảng 70% dân số ở độ tuổi dưới 40 và tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cộng với doanh số điện thoại thông minh đang bùng nổ, đồng thời thương mại điện tử ở Đông Nam Á cũng được dự kiến sẽ tăng trưởng 32% mỗi năm trong vòng một thập kỷ tới.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang ngày càng đầu tư vào các startup ở khu vực Đông Nam Á nhiều hơn, với mức tăng trung bình lên tới 127% từ năm 2010, đạt khoảng 1,1 tỷ USD vào năm 2015.

Vì thế, dễ hiểu vì sao khi sự chú ý của Chính phủ Việt Nam với các startup công nghệ đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nếu quan sát và phân tích bài học từ trường hợp của các nước trong khu vực, thì rõ ràng startup không phải là một mỏ vàng để cứ càng đào sâu thì càng tốt.

Trên thực tế, nó là một biểu hiện của một nền kinh tế mới dựa trên sáng tạo và công nghệ vốn chưa thực sự quá phổ biến trên toàn cầu, vì thế luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Trung Quốc là một trong những quốc gia đang chịu nhiều hậu quả nhất do sự ngộ nhận này. Nền kinh tế số hai thế giới này là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập một chương trình hỗ trợ quy mô lớn với các startup với mục tiêu thúc đẩy mô hình kinh tế mới này phát triển.

Với những khẩu hiệu như “toàn dân khởi nghiệp”, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu xây dựng hàng loạt các trung tâm sáng tạo và các vườn ươm trên khắp cả nước, với hy vọng phong trào khởi nghiệp sẽ lan rộng ra khắp cả nước, kể cả các khu vực chậm phát triển.
Nhưng hệ quả mà Trung Quốc hiện đang phải đối mặt lại ngược lại với sự kỳ vọng đó. Đa phần trong số hàng ngàn trung tâm sáng tạo trên khắp cả nước đó bị bỏ hoàng, hầu hết có tỷ lệ sử dụng chưa đến 40%, và đang tạo ra một bong bóng kinh tế mới trong nền kinh tế nước này, đó là “bong bóng khởi nghiệp”.

Đa phần các trung tâm sáng tạo và vườn ươm trên khắp cả nước này đều được xây dựng từ ngân sách nhà nước, và hầu hết được xây dựng ở những địa điểm trung tâm ở các tỉnh thành trong cả nước nơi có giá cả đất đai rất lớn, vì thế nó đang làm tăng gánh nặng nợ nần và đang góp phần tạo ra bong bóng bất động sản.

Các chuyên gia đã chỉ ra sự ngộ nhận của Chính phủ Trung Quốc, trong đó khởi nghiệp rõ ràng không phải là một phong trào kinh tế có thể bén rễ ở bất cứ đâu, mà nó chỉ tập trung ở những nơi có điều kiện thuận lợi như các thành phố lớn vừa đóng vai trò trung tâm kinh tế vừa là nơi có sự kết hợp giữa thị trường địa phương, nhân tài, trình độ chuyên môn và cộng đồng doanh nhân phát triển.

Một trường hợp điển hình khác là Thái Lan, khi chính phủ nước này vừa tuyên bố một quỹ đầu tư trị giá 570 triệu USD với mục tiêu tạo ra được khoảng 10.000 startup ở nước này đến năm 2018. Con số này thực tế vẫn nhỏ hơn nhiều so với quỹ đầu tư trị giá 1,25 tỷ USD mà Chính phủ Ấn Độ công bố hồi đầu năm nay để hỗ trợ phong trào khởi nghiệp.

Lợi nhuận lên đến hàng tỷ USD của các startup công nghệ trong một vài năm trở lại đây là lý do để các chính phủ hào phóng trong việc công bố những gói hỗ trợ và các quỹ đầu tư, nhưng bài học của Trung Quốc đang chỉ ra một thực tế rằng: không thể đối xử với khởi nghiệp như một lĩnh vực kinh tế thông thường nơi chỉ cần đầu tư nhà nước là có thể tạo ra tăng trưởng.

Việc phong trào khởi nghiệp toàn cầu đang có xu hướng suy giảm, với việc rất nhiều startup lớn trên thế giới bị đánh giá lại về mặt giá trị có thể thấy cơn sốt với khởi nghiệp đang lắng xuống và có xu hướng trở về với đúng giá trị thực của mình sau một thời gian được đánh giá quá cao.

Một bài học đáng chú ý là, tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu nơi phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ nhất, lại có rất ít những sự hỗ trợ từ phía chính phủ các quốc gia này. Đó là vì các quốc gia này đều tuân theo một nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế: hãy để thị trường quyết định. Điều đó không loại trừ cả với khởi nghiệp.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/The Saigon Times)

Nhàn Đàm