Trượt Giải thưởng Nhà nước: 'Nỗi buồn chiến tranh' vẫn có thể 'kháng án'

Văn hóa - Ngày đăng : 21:01, 21/07/2016

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh đã bị “trượt” ở lần xét duyệt thứ 3, cấp Nhà nước.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh đã bị “trượt” ở lần xét duyệt thứ 3, cấp Nhà nước. Thông tin trên đã làm giới văn chương choáng váng. Rất nhiều người cho rằng, đây không chỉ là một điều đáng tiếc.

Thiếu 7 phiếu bầu

Trong hai ngày 12, 13.7 vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh,Giải thưởng Nhà nướcvề văn học nghệ thuật họp, thảo luận, bỏ phiếu cho các tác giả, tác phẩm.

Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng do Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL làm Chủ tịch Hội đồng. 4 Phó chủ tịch Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Khánh Hải (Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng), Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Thế Đức, Phó trưởng ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư Vương Văn Đỉnh, Nhà thơ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Hữu Thỉnh. Ngoài ra, hội đồng còn có 23 ủy viên.

Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những tác phẩm, cụm tác phẩm có đủ điều kiện và tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016.

Các tác phẩm, cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng giải thưởng phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng.

Nhà văn Bảo Ninh

Căn cứ kết luận, kiến nghị của các Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và điều kiện, tiêu chuẩn đối với giải thưởng, Hội đồng thảo luận, bỏ phiếu kín đối với từng tác phẩm, cụm tác phẩm được đề nghị; lập danh sách các tác phẩm, cụm tác phẩm được đề nghị tặngGiải thưởng Hồ Chí Minh,Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016 theo từng lĩnh vực và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 20 ngày, kể từ khi có kết quả xét tặng của hội đồng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, trong lần xét duyệt này, tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh, cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam và cha đẻ của nó - nhà văn Bảo Ninh đã “trượt” đề cử Giải thưởng Nhà nước vì không đủ tỉ lệ phiếu bầu.

Giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cấp Quốc gia quan trọng, do Chủ tịch nước ký quyết định, tặng thưởng cho những tác giả có một hoặc nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ở cấp cơ sở, Nỗi buồn chiến tranh đạt tỉ lệ 100% phiếu bầu; Tại Ủy ban chuyên ngành cấp bộ, đạt 90% phiếu bầu. Tuy nhiên, ở cấp Nhà nước, cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh bất ngờ thiếu 7 phiếu bầu.

Được biết, ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong lần xét duyệt này, 4 tác giả xét Giải thưởng Hồ Chí Minh vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, 29 tác giả xét Giải thưởng Nhà nước thì bị loại 7 người, trong đó có Bảo Ninh và 6 tác giả khác: Nguyễn Phan Hách, Hoàng Trần Cương, Lâm Xuân Vy, Xuân Thiêm, Hồ Anh Thái, Nguyễn Xuân Thâm.

Chờ “kháng án”?
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng bày tỏ: “Khi biết tin Hội Nhà văn nhất trí 100% đề cử Nỗi buồn chiến tranh ở vòng cơ sở, tôi thấy vui. Bởi cuối cùng sau nhiều năm, những thế hệ nhà văn sau năm 1975, đặc biệt có nhà văn Bảo Ninh cũng được xét duyệt. Nhưng đến cấp Nhà nước thì bị loại khiến tôi thất vọng nặng nề. Không trao cho Bảo Ninh không chỉ là một điều đáng tiếc mà còn là một sai lầm”.Ngay sau thông tin Nỗi buồn chiến tranh bị loại khỏi Giải thưởng Nhà nước, văn đàn đã dậy sóng. Không ít người tỏ ra sốc và thất vọng trước việc này. Nhà văn Chu Lai, một trong những thành viên hội đồng xét duyệt cho biết: “Không chỉ mọi người sốc mà tôi cũng sốc, tôi đã bỏ 30 phút thuyết trình bản chất văn chương, nghệ thuật của Nỗi buồn chiến tranh mà không được”.

Nói về giá trị của cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Những tác phẩm của Bảo Ninh khẳng định giá trịvăn chươngđích thực. Đặc biệt, Nỗi buồn chiến tranh là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc viết về cuộc chiến tranh của chúng ta ở tầm nhân loại được dịch ra nhiều ngôn ngữ và gây tiếng vang trên thế giới. Rất nhiều người không chỉ giới văn chương mà các bạn đọc nước ngoài đến với Việt Nam đều muốn tìm gặp nhà văn Bảo Ninh. Một cuốn sách có thể làm vinh dự cho nền văn học Việt Nam. Năm 1991, cuốn sách đã được Giải thưởngHội Nhà văn Việt Nam”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng rất buồn khi Nỗi buồn chiến tranh không được tôn vinh. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn còn những ngày “kháng án”, tạo cơ hội cho những người trong nghề, những người yêu văn học nói lên tiếng nói bảo vệ Nỗi buồn chiến tranh.

Nhà văn Bảo Ninh, tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952 tại Nghệ An. Ông từng tham gia quân ngũ, làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam, Báo Văn nghệ Trẻ. Ngoài Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh có tập truyện dài Trại bảy chú lùn và một số truyện ngắn đề tài chiến tranh. Một số truyện ngắn của ông được ưa thích như: Khắc dấu mạn thuyền, Bội phản…Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh xuất bản lần đầu năm 1987 với tên Thân phận tình yêu.

Tác phẩm được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Đây được xem là tiểu thuyết nổi bật của Việt Nam, tới năm 2012 đã được giới thiệu tại 18 quốc gia trên thế giới với các bản tiếng Anh, tiếng Ba Tư. Tác phẩm đang được dịch sang tiếng Đức. Giới văn chương cho rằng, Nỗi buồn chiến tranh là thành tựu rực rỡ nhất của văn học thời kỳ đổi mới.

Theo Phạm Lý/Giao Thông

motthegioi