Còn cánh cửa pháp lý nào dành cho Việt Nam sau phán quyết trọng tài Biển Đông?

Chuyển động - Ngày đăng : 10:33, 22/07/2016

Tiến sĩ Trần Công Trục vừa có bài phân tích tiếp theo về những cánh cửa pháp lý dành cho Việt Nam có thể kiện Trung Quốc sau phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này.

Ngày 21.7 được mời tham dự Tọa đàm: "Những khía cạnh pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Luật Biển 1982 ngày 12.7.2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc" do Đại học Luật Hà Nội tổ chức, cá nhân tôi nhận được nhiều câu hỏi thú vị, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và hiểu biết sâu sắc vấn đề tranh chấp Biển Đông trên khía cạnh pháp lý từ thày và trò Đại học Luật Hà Nội.

Buổi tọa đàm này có thể coi như "phát súng đầu tiên" của những nhà nghiên cứu về luật pháp tại trung tâm nghiên cứu giảng dạy hàng đầu về luật ở phía Bắc mở màn cho những nghiên cứu sâu rộng về tác động, ảnh hưởng phán quyết trọng tài đối với khu vực, Biển Đông và đặc biệt là Việt Nam.

Cá nhân tôi nhận thấy qua những gì các thày cô và sinh viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, các bạn nắm rất chắc, hiểu rất sâu vấn đề.

Nên chăng nhà nước cần có diễn đàn, cơ chế để đội ngũ tinh hoa này phát huy khả năng nghiên cứu và đấu tranh trên mặt trận pháp lý, dư luận quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Bởi trình độ của nhiều người từ trung tâm đào tạo này không kém gì các nhà nghiên cứu quốc tế.

Sau bài viết "Không dễ trả lời câu hỏi Việt Nam có kiện Trung Quốc hay không, bao giờ kiện", chắc hẳn khiến dư luận vẫn còn những băn khoăn và chưa thỏa mãn với câu hỏi có kiện hay không kiện, bao giờ kiện.

Trong khuôn khổ bài viết này, cá nhân tôi xin phân tích thêm về những khía cạnh pháp lý, học thuật thì Việt Nam có thể kiện Trung Quốc những gì sau phán quyết trọng tài 12.7.

Những cánh cửa pháp lý cho Việt Nam sau phán quyết trọng tài Biển Đông

Đây cũng là những câu hỏi thày và trò Đại học Luật Hà Nội đặt ra cho tôi rằng: Philippines đã rất thông minh, rất giỏi trong nghiên cứu và tìm ra được "khe hẹp" pháp lý trên Biển Đông để có thể đơn phương kiện Trung Quốc mà vẫn tự tin cơ quan tài phán sẽ thụ lý, cho dù Trung Quốc đồng ý hay không, đó là kiện về áp dụng và giải thích Công ước theo quy định tại Phụ lục VII, UNCLOS 1982.

Có thể thấy phán quyết của Hội đồng Trọng tài không chỉ là thắng lợi của Philippines mà còn của các nước ven Biển Đông, bao gồm Việt Nam khi đã hủy đường lưỡi bò, làm rõ hiệu lực pháp lý các cấu trúc ở Trường Sa, chỉ rõ Trung Quốc vi phạm UNCLOS 1982 trong việc xây đảo nhân tạo, xâm hại quyền đánh cá của ngư dân, phá hủy môi trường...

Vậy nếu kiện Trung Quốc thì có cánh cửa pháp lý nào dành cho Việt Nam tương tự như Philippines hay không? Hay phán quyết trọng tài 12.7 đã đủ rồi?

Một số nhà nghiên cứu của chúng ta cũng đang tranh luận về việc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc hay không? Hay phải giải quyết thông qua đàm phán? Sắp tới Việt Nam cần làm gì?

Tôi xin trả lời rằng: Philippines đã tìm ra được "khe hẹp" để kiện Trung Quốc, nhưng ban đầu vẫn còn nhiều gập ghềnh với 8.15 nội dung được gác lại sau phán quyết về thẩm quyền ngày 29.10.2015 để xem xét trong giai đoạn 2 khiến dư luận giới nghiên cứu băn khoăn, lo lắng, chông chênh.

Nhưng phán quyết ngày 12.7 có thể nói là câu trả lời hoàn mỹ nhất.

Đối với Việt Nam, chúng ta vẫn còn cánh cửa pháp lý để có thể tự tin kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế về vấn đề Biển Đông trên cơ sở phát huy những gì Philippines đã làm mà không trùng lặp với nước bạn.

Thứ nhất, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNLOCS 1982 đối với quần đảo Hoàng Sa. Trường Sa và đường lưỡi bò thì Tòa Trọng tài đã có phản quyết hôm 12.7 rồi.

Năm 1996 Trung Quốc công bố cái gọi là đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải đối với quần đảo Hoàng Sa bằng cách áp dụng Điều 47, UNCLOS 1982. Đồng thời đưa ra yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đối với quần đảo này.

Thực tế vụ giàn khoan 981 và nhiều lần sau đó Trung Quốc thường kéo giàn khoan ra khiêu khích chúng ta, họ luôn chọn vị trí hoặc là ở cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng hai nước chưa đàm phán phân định, hoặc là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam tính từ đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải từ bờ biển lục địa Việt Nam.

Tất cả hoạt động này là có tính toán, nếu ta không cẩn thận là có thể mắc mưu thừa nhận 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế Hoàng Sa.

Thứ hai, chúng ta có thể kiện Trung Quốc vì những hành động vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982 với việc ngăn cản, bắt bớ, giam cầm đòi tiền chuộc, đâm chìm tàu cá, tịch thu tài sản hoặc phá hủy ngư cụ, và thậm chí là giết hại ngư dân Việt Nam khi đánh bắt ở Hoàng Sa mà không thông qua tòa án xét xử nếu cho rằng họ vi phạm.

Thứ ba, Trung Quốc có thể bị kiện về việc xây dựng bồi đắp đảo nhân tạo hòng cố biến các thực thể không có đời sống kinh tế riêng thành các thực thể có đời sống kinh tế riêng, thích hợp cho con người ở, kiện Trung Quốc vì các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.

Chúng ta cần phải phân tích rõ điều này để dư luận hiểu và chia sẻ, không phải chúng ta "hết đường kiện Trung Quốc" sau phán quyết trọng tài ngày 12.7, ngược lại chúng ta có thể kiện Trung Quốc một cách hoàn toàn hợp pháp và văn minh với mục đích xây dựng hòa bình, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực.

Những phân tích này không phải răn đe, đe dọa gì ai, mà là thực tế. Bởi liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì tranh chấp chủ quyền và phân định biển thì không cơ quan tài phán nào thụ lý nếu hai bên nguyên bị không đồng ý kí vào văn bản nhờ tòa xét xử.

Do đó thiết thực nhất đối với Hoàng Sa chính là kiện 3 nội dung này.

Còn lúc nào Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc thì cần tính toán kỹ, thích hợp với môi trường chính trị, điều kiện chính trị cho phép. Phải tính đến những ảnh hưởng của việc khởi kiện, nó có làm tăng thêm căng thẳng đối đầu hay không?

Về mặt pháp lý thì đương nhiên chúng ta vẫn luôn còn cửa khởi kiện Trung Quốc đàng hoàng và hợp pháp, nhất là 3 nội dung nêu trên.

Tất nhiên do bối cảnh chính trị, thế và lực của chúng ta ở thời điểm hiện tại, với mong muốn duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, chúng ta trước mắt cần tận dụng và khai thác phán quyết trọng tài hôm 12.7 để đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao để tránh đi những nguy cơ xung đột, đối đầu.

Nhưng việc chuẩn bị cho khả năng khởi kiện trên cơ sở thắng lợi Philippines đã tạo ra là việc cần phải làm ngay.

Không tòa án nào mạnh bằng tòa công luận

Nhiều người băn khoăn khi biết rằng theo quy định của UNCLOS 1982, phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII mang tính chung thẩm, tối hậu, nhưng Trung Quốc thì vẫn tuyên bố "3 Không" với phán quyết thì làm sao thực thi được nó?

Cá nhân tôi cho rằng, phán quyết trọng tài hôm 12.7 đã tạo ra mẫu số chung nhỏ nhất trong nhận thức của các bên liên quan ở Biển Đông, cũng như dư luận khu vực và quốc tế.

Tất nhiên phán quyết này không phải chìa khóa vạn năng cho mọi tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền, nhưng chí ít trong bối cảnh phức tạp hiện nay, đó chính là điểm hội tụ, cố kết các bên để đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Trong tuyên truyền, giải thích với các nước ASEAN còn chưa đồng thuận, những nội dung Tòa đã ra phán quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó là đòn bẩy để chúng ta tìm kiếm sự thống nhất trong nhận thức.

Còn đối với Trung Quốc, những gì họ thể hiện sau phán quyết chỉ là sự "thích nghi" của các nhà ngoại giao nước này, hay vẫn còn những toan tính bành trướng theo kiểu "thua keo này bày keo khác" thì cần có thêm thời gian theo dõi đánh giá.

Đồng thời chúng ta cũng cần có thêm những nỗ lực đấu tranh, tuyên truyền và giải thích, đoàn kết quốc tế bảo vệ hòa bình và công lý trên cơ sở phán quyết trọng tài này.

Tôi thấy rằng, phát biểu chính thức của Nga và Campuchia sau phán quyết cũng đã có những điều chỉnh khác với trước khi phán quyết trọng tài được đưa ra. Hai nước chỉ đưa ra tuyên bố chung về Biển Đông mà không đề cập trực tiếp đến phán quyết như Trung Quốc mong muốn và tuyên truyền.

Có thể thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với phiên tòa công luận còn căng thẳng hơn rất nhiều phiên tòa pháp lý mà nước này từ chối tham gia. Càng vùng vẫy chống đối thì càng cho thấy cách hành xử không giống ai và tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế.

Sức mạnh của công luận lớn hơn rất nhiều so với sức mạnh cường quyền và áp đặt.

Do đó những việc chúng ta nên làm và có thể làm trong lúc này, là tuyên truyền phổ biến, phân tích giải thích cặn kẽ phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc cho dư luận trong nước và bạn bè khu vực, quốc tế hiểu rõ bản chất vấn đề và xây dựng sự đồng thuận trong phản ứng.

Chưa kiện Trung Quốc không có nghĩa là không kiện Trung Quốc, kiện lúc nào, kiện nội dung gì, kiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả và khả năng thực thi mới là điều quan trọng.

Do đó thiết nghĩ đội ngũ nghiên cứu pháp lý nước nhà đã đến lúc cần vào cuộc và cần được tạo cơ hội thuận lợi cho việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi các kiến thức pháp lý mà phán quyết trọng tài đã nêu ra.

Các cơ quan chức năng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ phụ trách hoạch định, tham mưu cho lãnh đạo công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông cũng cần thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi, giải thích cho đồng bào trong và ngoài nước được rõ chủ trương nhất quán và giải pháp đấu tranh của chúng ta.

Chính đây mới là nền tảng đồng thuận quan trọng cho chúng ta khi tiến hành những bước tiếp theo để đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo luật pháp quốc tế.

Ts Trần Công Trục (theo Giáo dục Việt Nam)

1