HS Hà Nội hỏi: Học ngành gì để em được bầu vào Quốc hội?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:45, 23/07/2016
Phụ huynh chất vấn “sát ván” ban tư vấn
Nhiều phụ huynh quan tâm nhiều tới các tổ hợp môn thi, số nguyện vọng xét tuyển, đặc biệt là nên chọn thế nào để cơ hội đỗ cao nhất.
Ông Nam Nhật Minh - phó trưởng phòng quản lý thi tuyển sinh & công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - khẳng định với phương thức xét tuyển năm nay, thí sinh có thể đăng kí thi nhiều môn, và đăng kí xét tuyển theo nhiều tổ hợp khác nhau theo thông tin tuyển sinh của các trường. Nhưng cần lưu ý, nên chọn tổ hợp môn nào có kết quả cao hơn thì cơ hội nhiều hơn.
Không khí tại khu vực tư vấn nhóm ngành trả lời trực tiếp từ đại diện các trường khá sôi nổi. Rất nhiều câu hỏi trực tiếp của các thí sinh đã được giải đáp, cung cấp cho các em và phụ huynh những thông tin xét tuyển chính xác, định hướng nghề nghiệp phù hợp cho các thí sinh - Clip: Dương Liễu
“Một thí sinh có thể đăng kí hai tổ hợp môn thi khác nhau vào cùng một trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được đăng kí tối đa vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng trong một đợt tuyển sinh”, ông Minh nói.
Chưa hài lòng với giải thích trên, một số phụ huynh đã chất vấn ngược lại đại diện của Bộ GD-ĐT khi cho rằng: “Bộ và các trường phải làm thế nào để tránh tình trạng “ảo”? Nếu thí sinh nộp quá nhiều nguyện vọng thì làm thế nào kiểm soát được, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh?”
Ông Minh cho biết nếu thí sinh đăng kí trực tuyến thì thông tin sẽ nhập vào hệ thống dữ liệu và hệ thống này sẽ không cho phép thí sinh đăng kí quá nhiều nguyện vọng.
Những hồ sơ của thí sinh gửi theo đường bưu điện sẽ được cán bộ tuyển sinh các trường nhập dữ liệu vào hệ thống. Nếu nguyện vọng nào tới trước được nhập trước, nếu thí sinh nộp quá nguyện vọng cho phép thì nguyện vọng gửi đến sau sẽ không hợp lệ, không được nhập vào hệ thống quản lý trung tâm.
Không nên coi xét tuyển là “chơi chứng khoán”
Theo TS Vũ Viết Bình, trung tâm khảo thí ĐHQG HN, một số phụ huynh chia sẻ họ tìm kiếm phương án xét tuyển như “chơi chứng khoán”, tức là phải chọn một trường an toàn để “chắc chắn đỗ” nhưng vẫn chọn một nguyện vọng vào một trường mà cả bố mẹ và con cùng yêu thích, nhưng không tự tin. Nếu được vào trường yêu thích thì rất vui nhưng lại không dám đặt đó là nguyện vọng số 1.
Nên dựa vào sở thích, hoài bão, năng lực và sở trường thực sự của học sinh để lựa chọn chứ không nên coi việc chọn phương án xét tuyển là việc “chơi chứng khoán”. Vì có thể may mắn con anh, chị đỗ vào một ngành nào đó, nhưng không phù hợp với năng lực và mong muốn thì đó không phải lựa chọn tốt.
Thầy Bình cho rằng việc định hướng nghề nghiệp đúng cho thí sinh là lý do ông và ban tư vấn ngồi tại ngày hội để tư vấn, chia sẻ, chứ không phải mục đích là tư vấn cho phụ huynh “chơi chứng khoán”.
Làm tròn điểm thi như thế nào?
Đây là nhiều câu hỏi được gửi tới TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT.
Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016 quy định điểm bài thi trắc nghiệm vẫn được tính trên thang điểm 10 nhưng được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Theo qui định này, hội đồng chấm thi sẽ phải lấy từ 0,01 đến 0,99 điểm đối với bài thi trắc nghiệm.
Nếu thí sinh được 4,99 điểm thi THPT Quốc gia 2016 cũng không được cộng tròn thành 5 mà sẽ giữ nguyên. Trong trường hợp đạt từ 4,991 đến 4,994 sẽ được làm tròn thành 4,99 điểm. Chỉ từ 4,995 đến 4,999 thì mới được cộng tròn thành 5 điểm.
Chính vì vậy, đối với những môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể thấy điểm thi của mình lẻ đến hai chữ số thập phân hoặc lẻ ở những mức như 7,3 hay 9,6 hoặc 9,8 (chứ không tròn 7,5 hay 9,5 hoặc 9,75 như năm trước).
Đối với những môn thi tự luận, có thể thí sinh cũng có điểm thi lẻ. Đó là những trường hợp bài thi có kết quả chấm của ba cán bộ chấm thi lệch nhau. Trong trường hợp đó, điểm của bài thi là tổng điểm ba lần chấm chia ba. Tuy nhiên, số trường hợp này không nhiều. Kết quả cuối cùng cũng chỉ làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Ví dụ như bài thi được 6,257 sẽ làm tròn lên thành 6,26 điểm, còn nếu là 6,254 điểm sẽ làm tròn xuống thành 6,25 điểm, thay vì làm tròn thành 6,3 như trước đây.
Với cách làm tròn điểm như năm nay, sẽ có những thí sinh có điểm rất lẻ.
Thí sinh sẽ không được làm tròn điểm từng môn thi mà khi xét tuyển, cộng tổng điểm ba môn mới được làm tròn đến 0,25 điểm. Ví dụ thí sinh được 23,35 điểm sẽ được làm tròn thành 23,25. Nếu thí sinh được 17,55 hay 17,60 sẽ được làm tròn thành 17,5 điểm
Học ngành gì thì em có cơ hội được bầu vào Quốc hội?
TS Phạm Mạnh Hà, phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên VN, tư vấn: Các em học ngành công tác thanh niên của Học viện Thanh thiếu niên để làm cán bộ Đoàn các cấp. Các cán bộ Đoàn có cơ hội cao tham gia vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống chính trị các cấp. Mỗi kì bầu Quốc hội, cơ hội cho các đại biểu trẻ là cán bộ Đoàn cũng luôn được quan tâm.
Tuy nhiên, TS Phạm Mạnh Hà cũng nhấn mạnh dù làm ở ngành nào, nếu các bạn trẻ có tâm huyết, có ý thức và luôn nỗ lực trong học tập, rèn luyện thì các em đều có thể đóng góp cho đất nước theo cách khác nhau.
Giữ micro không muốn dời
Tại khu tư vấn nhóm ngành Kinh tế, nhiều phụ huynh đã giữ chặt mic không muốn trao lại cho người khác để giành quyền được hỏi.
Nếu như các thí sinh chỉ đặt một câu hỏi và lắng nghe phần trả lời thì nhiều phụ huynh hỏi liền 2-3 câu hỏi và thường chưa thỏa mãn với giải thích của các thầy, cô trong ban tư vấn.
Một số phụ huynh ngay khi chương trình tư vấn còn đang diễn ra đã sốt ruột lao lên sân khấu để gặp bằng được thầy mà mình cần hỏi.
Thông cảm với nỗi sốt ruột, căng thẳng của các phụ huynh nên các thầy, cô cũng linh hoạt trả lời.
Những chất vấn của các bậc phụ huynh tập trung chủ yếu vào phương án xét tuyển của các trường, cách để xác nhận việc trúng tuyển nhanh nhất, không kéo dài như năm trước.
Có những câu hỏi, các thầy, cô trong ban tư vấn phải vất vả “chia sẻ” với nhau phần trả lời để thỏa mãn các chất vấn của phụ huynh.
Tuy vậy, không có tình trạng hỗn loạn, mà hầu hết các phụ huynh và thí sinh đều lắng nghe chăm chú các câu trả lời của ban tư vấn.
Nhóm GX đắt hàng câu hỏi
“Đăng kí xét tuyển vào GX có lợi thế nào so với đăng kí vào trường bên ngoài?”, “Nếu trượt nguyện vọng của ngành bên ngoài thì có thể được đăng kí tiếp vào GX không?”, “Thủ tục đăng kí vào GX như thế nào?”...
Tại khu vực tư vấn xét tuyển khối ngành Kinh tế, PGS Lê Thị Thu Thủy, phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, khẳng định do GX sử dụng hệ thống dữ liệu xét tuyển chung nên sẽ không có tình trạng “trúng tuyển ảo” như năm trước. Nên cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn, rút ngắn thời gian xét tuyển.
Các thầy, cô tư vấn là đại diện các trường trong nhóm GX cho biết GX có danh sách các nhóm ngành cụ thể mà các trường trong nhóm đều đào tạo, nhưng mỗi trường thì có đặc trưng khác nhau. Ví dụ cùng ngành công nghệ thông tin, các trường khối kinh tế và kỹ thuật trong nhóm cũng đào tạo, nhưng nội dụng đào tạo, yêu cầu đào tạo khác nhau. Thông tin này giúp thí sinh dễ dàng xác định hướng chọn ngành cho mình
Nhiều cơ hội đào tạo nước ngoài tại ngày hội tư vấn xét tuyển
Trong số 70 gian tư vấn tại ngày hội, các gian tư vấn đào tạo nước ngoài thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh. Các học sinh đến nghe tư vấn tại các gian hàng này đều muốn có cơ hội du học.
“Em thích nước Nhật, thích con người Nhật và cách đào tạo của họ. Em đến ngày hội để mong được tư vấn kỹ hơn, tìm hiểu cơ hội khi du học tại nước này”, em Phương Anh (Hà Nội) bày tỏ.
Tại gian hàng tư vấn của trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam, những giảng viên từ Nhật Bản đã đến Việt Nam tư vấn trực tiếp cho học sinh, phụ huynh.
Theo thông tin chia sẻ của bà Nguyễn Thị Yến, nhân viên tư vấn của trường, phương thức tuyển sinh của trường năm nay sẽ lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và phỏng vấn trực tiếp thí sinh.
“Năm nay sẽ ưu tiên các em thí sinh khối B, một số khối A. Khi học tại trường, sinh viên sẽ có cơ hội tham quan trường học tại Nhật Bản. Khi tham gia tư vấn trong ngày hội hôm nay, tôi mong muốn sẽ giới thiệu và tiếp xúc được với các học sinh, phụ huynh, mở ra cơ hội cho các bạn”, bà Yến cho hay.
Là người sẽ trực tiếp đào tạo, giảng dạy tại trường, ông Akihiko Kuriyama, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam, khẳng định: “Không một trường đại học nào sẽ chắc chắn đảm bảo được đầu ra cho sinh viên ngay sau khi mới ra trường, nhưng trường của tôi sẽ tạo được môi trường tốt nhất cho sinh viên, tạo cơ hội cho các bạn du học tại Nhật Bản. Nếu học tập tốt phía trường sẽ mở rộng cửa cho sinh viên làm việc tại Nhật”.
Cũng đến tham gia ngày hội tư vấn xét tuyển, trường quốc tế CHM dự định chỉ tiêu xét tuyển 420 học sinh và căn cứ vào chứng chỉ IELTS, đào tạo hệ cử nhân trong 3 năm.
“Nếu sinh viên nào còn kém tiếng Anh sẽ được trường đào tạo miễn phí, sau đó đi vào học chương trình chính. Ưu điểm của trường là có thời gian đào tạo rút ngắn, thí sinh có cơ hội vừa học, vừa làm, thực tập tại khách sạn 4 - 5 sao, đặc biệt sinh viên nào thực tập tốt tại các khách sạn sẽ được giữ lại trường học tập”, bà Đào Thị Thu Hà, nhân viên tại trường cho hay.
Bản thân có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy về nghệ thuật ẩm thực, ông Daniel Davyduke, giảng viên của trường chia sẻ: “Sau khi tham gia học tại trường, được học việc với các đầu bếp quốc tế về các kỹ năng cao cấp, sinh viên sẽ có nền móng vững chắc để làm việc tại bất kỳ đâu trên thế giới. Trong buổi học đầu tiên, tôi sẽ hỏi tất cả các học viên mong muốn điều gì, khi được biết mong muốn của từng người, tôi sẽ mang đến chính xác những điều họ mong muốn”.
Theo Thu Hằng - Tuổi Trẻ