UBND tỉnh Hậu Giang nên đứng ra cung cấp thông tin về nhà máy giấy
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:06, 25/07/2016
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, xác nhận thông tin này sáng 25.7. “Quan điểm của VCCI luôn đặt vấn đề môi trường là ưu tiên, cần có giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, minh bạch về thông tin, đồng thời cũng tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư nếu như thoả mãn các điều kiện của Chính phủ và pháp luật quy định”, ông nói.
VCCI Cần Thơ đã nắm thông tin, dư luận đang lo ngại đến khả năng xả thải ra sông Hậu của dự án sản xuất bột giấy từ Nhà máy giấy Lee & Man (Trung Quốc) tại Hậu Giang cũng như 29 nhà máy khác thuộc về ngành thuỷ sản, sản xuất bia, dược phẩm, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mía đường…
Ông Lam cho biết, sự kiện xả chất thải độc hại từ nhà máy Formosa hay Vedan trước đó đang đặt ra yêu cầu giám sát và thẩm định của các cơ quan chức năng trong quá trình kêu gọi và thẩm định dự án đầu tư, nhất là những dự án có nguy cơ xả thải cao, đáng nghi như nhà máy giấy Hậu Giang.
Có lý do để dư luận nghi ngờ về dự án này. Hồi năm 2007, sau khi báo chí và dư luận lên tiếng về dự án nhà máy giấy và bột giấy của Công ty Giấy Lee & Man, phía công ty này mới vội vã gửi UBND tỉnh Hậu Giang công văn… cam kết sẽ thực hiện xử lý môi trường tốt nhất theo Luật Môi trường của Việt Nam. Lúc đó, nhà máy đã khởi công gần 1 tháng. Và cũng lúc đó, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang mới yêu cầu nhà đầu tư thuê tư vấn lập báo cáo tác động môi trường.
Trong công văn 1878/UBND- NCTH ngày 14.9.2007, UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng đã tuân thủ đúng quy trình và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án trên theo đúng quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ- CP của Chính phủ ngày 22.9.2006 (hướng dẫn quy định chi tiết và một số điều của Luật Đầu tư). Căn cứ điều 45 Luật Đầu tư,việc đòi hỏi nhà đầu tư phải báo cáo tác động môi trường trước khi cấp chứng nhận đầu tư là không đúng.
Nhưng thực tế, cũng chính ở điều 45 của Nghị định 108, về Thẩm tra dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỉđồng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện lại nêu rõ, trong nội dung thẩm tra: “…Phải làm rõ giải pháp về môi trường, tức đánh giá các yếu tố tác động đến môi trường và giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về môi trường”.
Công văn số 1506/BTNMT- TĐ của Bộ Tài nguyên vàMôi trường ngày 23.4.2006, phúc đáp UBND tỉnh Hậu Giang về dự án nhà máy giấy cũng lưu ý, dự án trên đang được đề nghị chuyển thành đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể hơn, công văn số 1786/BCN- TDTP cùng ngày của Bộ Công nghiệp (cũ) nêu rõ, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt.
Nhưng chỉ đúng 2 ngày sau,ngày 25.4.2006, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này. Trong khi đến ngày 8.5.2016, Bộ Kế hoạch Đầu tưmới có công văn phúc đáp, đồng ý về chủ trương kèm một số lưu ý về giải pháp xử lý môi trường.Vậy là việcxin ý kiến các Bộ chỉ để cho đúng… thủ tục?
Từ câu chuyện về “quy trình ngược” như vậy, càng thấy rõ việc công khai, minh bạch những dự án đầu tư lớn, có phạm vi ảnh hưởng đến nhiều địa phương… là điều hết sức cần thiết. Nhất là dự án nhà máy giấy, vốn có “truyền thống” không mấy thânthiện với môi trường. Một “chuyện” lớn như vậy mà không có phản biện xã hội, khiến dư luận thắc mắc cũng là điều hợp lý.
Tiếc thay, trong quy trình cấp phép đầu tư hiện nay không có những yêu cầu về công khai minh bạch, lấy ý kiến phản biện xã hội, để thỉnh thoảng lại phát sinh nhiều “chuyện” đã rồi, chỉ còn biết tìm cách khắc phục.Và khi dư luận lên tiếng, nhiều cơ quan ban ngành như VCCI mới đề nghị minh bạch dự án.
Mới đây, Bộ Công thương cũng đã có đề xuất với Chính phủ không cho phép tiếp tục triển khai dự án Nhà máy sản xuất bột giấy (công suất 330.000 tấn/năm) của Công ty TNHH Lee &Man do không đáp ứng được các điều kiện về môi trường. Riêng nhà máy còn lại,sản xuất giấy với công suất 420.000 tấn/năm, do cho rằng sẽ không sử dụng nhiều hóa chất… nên Bộ Công thương không đề xuất ngừng triển khai.
Nguyễn Hồ