Nhập siêu từ Trung Quốc bất ngờ giảm 11,5%
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 04:58, 28/07/2016
Đây là số liệu nằm trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2016 do Tổng cục Thống kê vừa công bố.
Theo đó, về xuất khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu thực hiện tháng 7.2016 ước tính đạt 14,7 tỉ USD, giảm 0,2% so với tháng 6.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4,27 tỉ USD, giảm 0,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tương đương với tháng trước, ở mức 10,43 tỉ USD.
So với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7.2016 tăng 2,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,1%.
Như vậy, tính chung 7 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 96,83 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,93 tỉ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 68,90 tỉ USD, tăng 6,5%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước là: Điện thoại và linh kiện đạt 19,4 tỉ USD, tăng 13,4%; hàng dệt may đạt 13,2 tỉ USD, tăng 5,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,4 tỉ USD, tăng 9,5%; giày dép đạt 7,5 tỉ USD, tăng 8,1%...
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là: Dầu thô đạt 1,4 tỉ USD, giảm 44,5% (lượng giảm 21,8%); sắt thép đạt 988 triệu USD, giảm 3% (lượng tăng 25,5%); cao su đạt 679 triệu USD, giảm 10,4% (lượng tăng 4,9%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 614 triệu USD, giảm 28,5% (lượng giảm 17,7%).
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2016, với 21,3 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 19,1 tỉ USD, tăng 9,2%; Trung Quốc đạt 10,7 tỉ USD, tăng 13,7%; Hàn Quốc đạt 6 tỉ USD, tăng 37%.
Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 9,5 tỉ USD, giảm 12,6%; Nhật Bản đạt 7,9 tỉ USD, giảm 0,9%.
Về nhập khẩu, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch nhập khẩu thực hiện tháng 7.2016 ước tính đạt 14,6 tỉ USD, giảm 1% so với tháng trước.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,3 tỉ USD, giảm 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỉ USD, giảm 0,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7.2016 giảm 1,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,5%.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 95,03 tỉ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,63 tỉ USD, tăng 1,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,40 tỉ USD, giảm 2,4%.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất giảm, còn một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước như: Điện tử, máy tính và linh kiện, sắt thép, sản phẩm hóa chất, tân dược...
Về thị trường nhập khẩu, trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu từ một số thị trường chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 3,1%, đạt 27,4 tỉ USD.
Như vậy, nhập siêu từ Trung Quốc 7 tháng năm 2016 ước tính 16,7 tỉ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngoài Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN cũng chỉ đạt 13,4 tỉ USD, giảm 4,1%; Nhật Bản đạt 8,2 tỉ USD, giảm 4,1%; EU đạt 5,9 tỉ USD, giảm 1,3%.
Riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc 7 tháng đạt 17,4 tỉ USD, tăng 6,5%; Hoa Kỳ đạt 4,5 tỉ USD, tăng 0,2%.
Mặt khác, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 7.2016 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, xuất siêu 1,8 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,5 tỉ USD.
Duyên Duyên