Ở Sri Lanka không có ánh hoàng hôn nào là cũ…
Du lịch - Ngày đăng : 00:11, 27/07/2016
Châu Âu những ngày chuyển mùa, thời tiết trở nên đỏng đảnh, ngày nắng, ngày mưa. Khoảng thời gian này làm tôi lại càng nhớ những buổi hoàng hôn thong dong dọc các bờ biển miền Nam Sri Lanka, lồng ngực được căng đầy mùi biển cả vùng nhiệt đới Ấn Độ Dương.
Ánh tịch dương nhiều màu
Khi chúng tôi ở Beruwala, hoàng hôn có màu đỏ cam, rực rỡ và huy hoàng. Bãi biển ở đây trải dài nhưng phân chia thành nhiều đoạn. Phía trước khách sạn chúng tôi ở – Cinnamon Bey – là một bãi tắm khá thử thách, vì chỉ cần đi 10 bước chân là chạm ngay vào những bãi đá ẩn dưới nước. Nếu cố gắng đi thật cẩn thận và bình tĩnh, thì chỉ thêm 30 bước nữa sẽ đặt chân lên được một bờ đá trải dài tựa như một con đê tự nhiên nằm giữa biển.
Đi qua bãi tắm ấy chỉ khoảng 2 kilomet là một thế giới khác. Biển dịu hiền hơn, cát mềm mịn hơn, những bãi đá không ẩn nấp dưới làn nước mà sừng sững dựng lên giữa đại dương thành 2 hòn đảo. Hoàng hôn ở đây có màu vàng xanh. Bởi khi nhìn mặt trời dần dần hạ thấp giữa 2 hòn đảo lớn, ta sẽ thấy màu vàng của hoàng hôn, màu xanh của những lùm cây um tùm và màu trong vắt của biển hòa quyện với nhau tạo thành thứ màu dịu nhẹ.Chúng tôi đi bộ 3 kilomet dọc bãi biển để đến một bờ đá cao và lớn, ngồi trên đó hàng giờ đồng hồ để nhìn ra biển. Mặt trời tròn trịa, như một cái đĩa to màu vàng, thả mình xuống mặt nước lấp lánh bạc.
”Cả tiếng sóng và cả mặt biển, dù dữ dội đến mấy nhưng vẫn không chút ồn ào”… Cảm xúc đó của nữ văn sĩ Banana Yoshimoto trong “Vĩnh biệt Tugumi” đã theo tôi suốt hành trình 10 ngày tại Sri Lanka
Đẹp nhất phải kể đến hoàng hôn ở Tangalle – thành phố lớn ven biển cách thủ đô Colombo 4 giờ xe chạy. Ánh tịch dương ở đây có màu hồng tím mà tôi đã từng ao ước được một lần chiêm ngưỡng. Buổi hoàng hôn đó, tôi hạnh phúc ngồi nhìn đám trẻ xây lâu đài cát, ngắm đàn chó tung tăng nô đùa với nhau và dõi theo người đàn ông của mình đắm mình dưới làn nước biển trong xanh.
Tinh thần luôn lạc quan
Trái ngược với sự ưu đãi của tạo hóa khi thiên nhiên của Sri Lanka xứng đáng xếp vào hạng “đẹp tuyệt trần”, đây vẫn là một đất nước chậm phát triển. Thế nhưng suốt 10 ngày ở đây, tuyệt nhiên chưa một lần tôi thấy bóng dáng của trộm cắp. Người dân luôn nở nụ cười với người ngoại quốc. Họ nói: “Sri Lanka không nghèo. Sri Lanka có thức ăn”. Với họ, đủ ăn đã là một niềm hạnh phúc rồi! Tinh thần lạc quan, vui vẻ của người dân nơi đây có lẽ đến từ bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của họ. Anh tài xế của chúng tôi bảo: “Ở đây có Chúa, có Allah, có Phật Tổ… Chúng tôi sống hòa bình với nhau. Tôi là người vừa theo Chúa, vừa theo Phật”. Do vậy, đến Sri Lanka cũng là trải nghiệm cảm giác “đa tôn giáo” ôn hòa. Ở đây, tôn giáo không phải một thứ niềm tin hằn học, mù quáng mà là con đường để giải thoát khổ đau. Thế nên Sri Lanka dù vẫn là một nước nghèo nhưng lại hạnh phúc và bình yên như cách các tôn giáo cùng chung sống dưới “bầu trời hòa bình”.