ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: ‘Phải có giải pháp để người dân yên tâm ăn cá trở lại’
Sự kiện - Ngày đăng : 13:03, 27/07/2016
Thông tin trên được ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới bên hành lang Quốc hội sáng 27.7.
Ngư dân gửi gắm chúng tôi rất nhiều!
Thưa ông, là ĐBQH của một địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong vụ cá chết vừa qua, trong quá trình tiếp xúc cử tri, ông nhận thấy cuộc sống của ngư dân địa phương hiện nay ra sao? Người dân và đặc biệt là ngư dân gửi gắm ở ông điều gì khi đến diễn đàn Quốc hội?
Đến với vùng biển nhiễm độc trong thảm họa môi trường vừa qua, chúng tôi rất xót xa. Ngư dân còn kéo từng đoàn đến gặp đại biểu quốc hội để kiến nghị rất nhiều vấn đề. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là những vấn đề như hỗ trợ cuộc sống, cải hoán thuyền đánh bắt xa bờ để mưu sinh; làm sạch môi trường biển để cứu lấy nghề nghiệp truyền thống của họ, thúc đẩy kinh tế; giúp đỡ họ trong việc khám chữa bệnh xem có bịnhiễm độc vì ăn cá hay không.
Với người dân, khi họ thất nghiệp, thất thu, mất đi niềm vui tinh thần thì việc họ sụp đổ hoàn toàn về kinh tế, về niềm tin với lãnh đạo địa phương cũng là điều dễ hiểu. Tất cả những trăn trở đó họ đều gửi đến chúng tôi để mong muốn các đại biểu truyền đến diễn đàn Quốc hội.
Hiện nay đã là cuối tháng 7 mà vẫn chưa có một thông tin chính thứcnào về việc biển miền Trung đã an toàn hay chưa? Ngư trường nào là an toàn?… Ông nghĩ sao về điều này? Việc chậm trễ công bố thông tin ảnh hưởngthế nào đến ngư dân, đến kinh tế - xã hội?
Có lẽ việc chậm trễ trong công bố thông tin về mức độ an toàn của biển do việc xác minh đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do đó, các cơ quan chức năng có trách nhiệm, các nhà khoahọc cần phải nhanh chóng tiến hành công tác này để công bố rộng rãi cho người dân được biết. Vì nếu chậm trễ trong công bố chất lượng biển thì sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại về mọi mặt của đời sống, ngư dân vì thế mà hoang mang thêm. Bên cạnh đó, hàng loạt dịch vụ kéo theo như du lịch, công nghiệp chế biến, khai thác hải sản… đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo tính toán sơ bộ của Chính phủ, sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc; thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.
Thưa ông, hải sản đã vắng bóngkhá lâu trong bữa ăn của nhiều người dân. Vậy đâu là giải pháp để người dân ăn cá trở lại? Đây là điều cực kỳ quan trọngvì người dân tin tưởng ăn cá biển sẽ kéo theo sự hồi sinh của rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.
Việc làm thế nào để người dân yên tâm ăn cá trở lại là vấn đề rất quan trọng. Qua đó, nhiệm vụ cần thiết là phải kiểm tra xem môi trường còn nhiễm độc hay không? Hàm lượng độc tố thế nào? Khu vực nào bị ảnh hưởng? Những con cá sống trong vùng biển này có còn chất độc hay không? Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ, giải thích cặn kẽ cho người dân biết và tin tưởng.
Để người dân tin tưởng cũng không phải dễ, phải làm tốt công tác truyền thông, tư tưởng để họ yên tâm. Chứ chỉ mình cơ quan chức năng bảo cá ăn được thì chưa chắc người dân đã ăn, phải chứng minh rõ ràng điều đó một cách thuyết phục nhất.
Công tác hỗ trợ ngư dân còn chậm
Một vấn đề quan trọng khác là hỗ trợ đời sống và giải quyết việc làm cho các đối tượng bị tác động do biển ô nhiễm. Quá trình này hiện nay đã thực hiện thế nào và phản ứng của người dân ra sao? Những khó khăn gặp phải khi chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân là gì, thưa ông?
Đối với sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn khắc phục, hỗ trợ phục hồi sản xuấtnuôi trồng và môi trường đánh bắt hải sản của người dân;tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân ở các vùng bị ảnh hưởng.Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì công tác cứu trợ, hỗ trợ cho người dân còn đang chậm, chỉ có một số cứu trợ ở tỉnh thì kịp thời hơn.
Chuyển đổi sinh kế là cách nói để an lòng dân thôi chứ thực tế là rất khó. Bản thân họ là ngư dân, bao đời chỉ biết bám biển chứ ruộng đất đâu mà bám. Giờ biển bị nhiễm độc, chưa được công bố mức độ an toàn, nhiều ngư dân rơi vào cảnh thất nghiệp.Đồng thời, với nhiều người dân, vì các lý do khác nhau như sức khỏe, điều kiện kinh tế… mà họ chỉ có điều kiện để đánh bắt gần bờ chứ không thể đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ.
Ngư dân nếu đã phải từ giã nghề đánh bắt thì buộc phải ly hương, đây cũng là vấn đề rất khó giải quyết. Việc xuất khẩu lao động cũng không phải dễ dàng bởi chỉ những người trẻ mới có thế xuất khẩu được chứ những người đã có tuổi thì không thể đi được. Chuyển đổi sinh kế, nếu được cũng chỉ được một số ít, còn lại vẫn rất khó khăn.
Cho nên vấn đề cốt yếu nhất là phải làm sao dọn cho sạch môi trường biển, trả lại điều kiện sống, mưu sinh cho người dân biển. Đây cũng là mong mỏi rất lớn của ngư dân địa phương.
Cần làm rõ trách nhiệm
Qua thảm họa môi trường lần này, nhiều người cho rằng việc giám sát môi trường của chúng ta không có hiệu quả cao. Ông nghĩ sao về điều này? Bộ Tài nguyên và Môi trường và bản thân ông Võ Kim Cự -nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm gì trong việc này?
Về vấn đề giám sát môi trường thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưatriển khai liên tục, mỗi năm chỉ 1-2 lần, chỉ có Ủy ban Khoa học Công nghệ đã tiến hành liên tục trong thời gian qua. Còn trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường đến đâu trong vụ việc này thì Chính phủ phải chỉ đạo cơ quan thanh tra vào cuộc điều tra làm rõ.
Tôi cho rằng cần phải làm rõ từngtổ chức, làm rõ từng cá nhân chứ không phải chung chung, không riêng gì Bộ Tài nguyên Môi trường.
Hiện nay, ông Võ Kim Cự đã có phát biểu và ông Cự cũng thừa nhận có trách nhiệm cá nhân trong việc này vì không lường hết được hậu quả.
Lãnh đạo địa phương nào cũng mong muốn cải thiện được môi trường đầu tư, thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Đây là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, một số tỉnh và đặc biệt là Hà Tĩnh, trong quá trình phát triển kinh tế đã không chú ý đến môi trường, không lường được hậu quả nặng nề gây ra cho đất nước. Đây là bài học cay đắng và cần rút kinh nghiệm.
Do đó, cần đánh giá tác động môi trường kỹlưỡng, không đánh đổi môi trường để phát triển. Chúng ta cũng cần xử lý kiên quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tập trung rà soát và tổ chức kiểm tra thực tế tại các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để có các giải pháp kiểm soát ô nhiễm phù hợp.Đồng thời cầnthực hiện tốt công tác quản lý chất thải và cải thiện môi trường, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các địa điểm có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
Trí Lâm