Thanh Hóa có nguy cơ xảy ra lũ quyét trong cơn bão số 1
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:19, 27/07/2016
Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 19 giờ ngày 27.7, tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông; ngay trên vùng biển các tỉnh Thái Bình-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 10-11.
Dự báo của trung tâm cho biết,trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào các tỉnh Thái Bình-Nam Định và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.
Theo cơ quan này, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 1 tại Thanh Hóa sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Cơ quan này cũng cảnh báo: Trong 12-24 giờ tới, trên các sông ở Thanh Hóa sẽ xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-5m, ở hạ lưu từ 1-3m.Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp địa phận tỉnh Thanh Hóa.Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1
Dự báo trong 3-12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 28/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.
Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ngày hôm nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát – Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục chủ trì cuộc họp bàn về các phương án ứng phó với những diễn biến mới của cơn bão số 1.
Bộ trưởng Phát cho hay, tình hình diễn biến của con bão có nhiều thay đổi so với dự báo hôm qua, đặc biệt là tâm bão dịch xuống nam, cường độ mạnh lên và tốc độ di chuyển nhanh hơn hướng vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định.
Theo ông Phát, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi và có phương án đối phó với các diễn biến của bão nhằm hạn chế tối thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Thông tin từ Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa đến ngày 27.7, các lực lượng chức năng đã liên lạc được với toàn bộ 7.049 phương tiện nghề cá với 24.973 lao động của tỉnh thường xuyên khai thác trên biển.
Đến 15 giờ cùng ngày, còn 45 phương tiện với 255 lao động vẫn đang nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của cơn bão, nhưng cũng đang trên đường vào tránh trú tại các nơi an toàn của các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo đó, các huyện, thị xã ven biển phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy - hải sản; nghiêm cấm người ở lại trên các chòi canh thủy - hải sản, lồng bè, tàu thuyền; trực canh ở các vùng cửa biển để cấm tàu thuyền ra khơi.
Lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn của các địa phương ven biển cũng được triển khai, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các lực lượng chức năng cũng đang rà soát phương án sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, xuất hiện lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi như Mường Lát, Quang Hóa, Bá Thước... để chủ động triển khai phương án ứng phó.
Tại Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 1 tại TP Cẩm Phả, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà và TP Móng Cái.
Nhấn mạnh dự báo mưa lớn, có khả năng xảy ra lũ quét, ông Hậu chỉ đạo TP Móng Cái chú trọng công tác phòng, chống sạt lở; có phương án di dời khẩn cấp các hộ dân tại các địa bàn xung yếu; chủ động khơi thông dòng chảy; có phương án đảm bảo an toàn cho hàng hóa trên tuyến sông Ka Long như neo đậu tàu thuyền an toàn, chằng chống hàng hóa...
Tại Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 1 tại Tiền Hải. Theo đó, ông Diên yêu cầu huyện cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng, công an và các xã vùng ven biển thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Trường hợp nào cố tình chống đối phải tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định.
Đồng thời chỉ đạo chủ động sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm và cử lực lượng canh gác bảo đảm an ninh, trật tự ở những khu vực phải di dời dân. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra.
Tại Hải Phòng,bão số 1 đã bắt đầu ảnh hưởng gây mưa to, gió lớn, sóng biển cao 2-3 mét. Theoông Đào Trọng Tuệ, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bạch Long Vỹ cho biết, bão số 1 đổ bộ vào đảo lúc 12 giờ 45 với sức gió cấp 9, cấp 10, đến 13 giờ 30 bão giật cấp 12. Bước đầu chưa ghi nhận thiệt hại nào trên địa bàn huyện đảo.
Huyện Bạch Long Vỹ cũngtổ chức di chuyển, đưa lên bờ 35 tàu, thuyền trong tổng số 54 tàu, sà lan, thuyền nan; còn 19 chiếc tàu của địa phương khác và sà lan đậu trong âu được chằng buộc, gia cố trước khi bão đổ bộ vào. Huyện triển khai sơ tán 10 hộ dân, 16 nhân khẩu ở 10 ki ốt; và 38 nhân khẩu ở khu 32 gian về nơi trú ẩn an toàn trong các trụ sở cơ quan trên địa bàn huyện đảo.
Trí Lâm