Tân Bộ trưởng Nông nghiệp: ‘Phải giải quyết cho được vấn đề an toàn thực phẩm’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:21, 28/07/2016
Nhân sự Chính phủ nhiệm kỳ mới có sự thay đổi duy nhất là ông Nguyễn Xuân Cường giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thay người tiền nhiệm Cao Đức Phát với 86,64% tổng số đại biểu Quốc hộiđồng ý.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội ngay sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng cho biết, nền nông nghiệp Việt Nam về tổng thể vẫn là nền nông nghiệp phát triển dựa vào các hộ nhỏ lẻ và đangcó rất nhiều thách thức lớn lao.
“Bản thân nông nghiệp là một khu vực mà hiện nay vừa chiếm diện tích rất rộng, 70% về diện tích, gần 70% dân số, 46% lao động; nhưng thu nhập ở khu vực này của bà con nông dân lại đang ở mức thấp và còn nhiều vấn đề nan giải cần giải quyết”, ông Cường nói.
Tiếp quản một khu vực còn tương đối khó khăn như vậy, tân Bộ trưởng cho hay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một chủ đề nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước vì khu vực này chiếm đến 70% dân số. Nếu làm tốt thì có nghĩa là các mục tiêu cơ bản của chúng ta đã đạt được.
Do đó, theo Bộ trưởng, nền nông nghiệp Việt Nam nổi lên với 3 thách thức lớn.
Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền nông nghiệp dựa trên các hộ nhỏ lẻ. Cả nước có 12 triệu hộ nông dân sản xuất trên một diện tích canh tác bình quân rất thấp là0,3ha/hộ. Đây là một trong những rào cản lớn nhất để có thể hình thành một nền nông nghiệp tập trung hiệu quả, bền vững.
Thứ hai, đó là biến đổi khí hậu ở nước ta đang diễn ra nhanh hơn cả kịch bản dự báo, trong khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất bởi hiện tượng này. Diễn biến sáu tháng đầu năm 2016 đã biểu hiện rất rõ điều này, hầu như toàn bộ các vùng lãnh thổ Việt Nam chịu biến đổi khí hậu trong đó đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, cũng như miền núi phía Bắc.Theo Bộ trưởng, thách thức này sẽ làm đảo lộn toàn bộ cơ cấu sản xuất cũng như đời sống của người dân, nhất là vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, hiện sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã đi 180 nước. Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường thì áp lực chất lượng, tham gia vào chuỗi giá trị và an toàn thực phẩm đều là thách thức lớn.
Trả lời về phương hướng giải quyết những thách thức này, ông Cường cho rằng vấn đề đầu tiên cần phải tập trung là xử lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi đây là vấn đề nóng hổi và là đòi hỏi, là sự bức xúc của toàn bộ nhân dân.“Bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, chúng ta sẽ phải giải quyết cho được vấn đề an toàn thực phẩm”,Bộ trưởng nói.
Thứ hai là cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục ba thách thức mà tôi vừa trình bày, một là hộ nhỏ lẻ manh mún, hai là biến đổi khí hậu.
Thứ ba, theo Bộ trưởng, một vấn đề tương đối lớn nữa là vấn đề hội nhập.
Đồng thời, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được tân Bộ trưởng khá quan tâm. Ông cho rằng, trong 5 năm qua chúng ta đã có được một kết quả rất tốt, 22% số xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
“Nhưng tôi cho rằng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu vì trong 22% đạt bộ 19 tiêu chí thì vẫn còn có những tiêu chí rất bản chất như thúc đẩy sản xuất, vấn đề môi trường, an sinh...”,ông Cường cho hay.
Đồng thời, theo ông Cường,khu vực chưa hoàn thành nông thôn mới còn lại là 78% số xã, hơn nữa đây lại là khu vực hết sức khó khăn, đa phần là ở vùng sâu vùng xa miền núi. Do đó, ông Cường cho rằng cần phải tập trung vào đó để làm sao nông nghiệp, nông dân ta phát triển, để cho vùng sâu vùng xa ngày càng không có khoảng cáchso với đồng bằng.
Trí Lâm