Con gái họa sĩ Tạ Tỵ: 'Tôi sẽ khởi kiện vì tên của bố tôi bị giả mạo'

Văn hóa - Ngày đăng : 06:03, 30/07/2016

Bà Tạ Thùy Châu, con gái của cố họa sĩ Tạ Tỵ tuyên bố sẽ kiện những người có liên quan ra trước pháp luật vì đã mạo danh và giả chữ ký của bố mình trên bức tranh có tên “Trừu tượng”.

Vụ 17 bức tranh được cho là giả trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung gây xôn xao dư luận vẫn chưa có hồi kết khi các bên liên quan chưa thỏa mãn với kết luận của Hội đồng thẩm định. Phía nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vẫn khư khư khẳng định tranh của mình là tranh thật. Trong khi đó, họa sĩ Thành Chương đã có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó cócơ quan điều tra của Bộ Công an.

Liên quan đến bức tranh có tên Trừu tượng mà họa sĩ Thành Chương phát hiện là tranh dochính ông vẽ đã bị giả chữ ký thành tranh của Tạ Tỵ vẽ vào năm 1952, đại diện gia đình của cố họa sĩ Tạ Tỵ tỏ ra khá bức xúc trước hành vi được cho là xúc phạm đến danh dự của họa sĩ Tạ Tỵ.

Bà Tạ Thùy Châu, con gái thứ tư của họa sĩ Tạ Tỵ đã dành riêng cho báo điện tử Một Thế Giới cuộc trao đổi về việc gia đình bà sẽ tiến hành khởi kiện những người có liên quan ra trước pháp luật vì đã mạo danh và giả chữ ký của bố mình trên bức tranh có tên Trừu tượng.

Bà Tạ Thùy Châu bên một bức tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ trong phòng làm việc

-Bà nhận được thông tin về việc tên của bố mình bị giả ký trên bức tranh có tên Trừu tượngtừ đâu?

- Bà Tạ Thùy Châu: Tuy là con của một họa sĩ, nhưng bản thân tôi không theo đuổi con đường nghệ thuật. Vợ chồng tôi hoạt động trong ngành kinh doanh và ngành luật, chính vì vậy tôi ít quan tâm đến các vấn đề có liên quan đến nghệ thuật. Cho đến một hôm tôi được một người hàng xóm báo tin là báo chí có phản ảnh về việc tên của bố tôi bị ký giả trên một bức tranh đang triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Thời điểm đó tôi vẫn chưa khẳng định được tên của bố tôi có thật bị giả danh hay không. Nhưng sau khi xem xét kỹ bức tranh và chữ ký trên đó, tôi đã khẳng định là tên tuổi của bố tôi chắc chắn bị giả danh.

- Sau đó Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCMcó liên hệ với gia đình bà để thông báo và kiểm chứng thông tin mà báo chí đã phản ảnh về việcchữ ký “Tạ Tỵ” có thể bị giả không, thưa bà?

- Bà Tạ Thùy Châu: Gia đình tôi không nhận được bất cứ thông báo nào từ phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, thông tin tôi có được chỉ nhờ qua báo chí. Có lẽ họ không biết được gia đình họa sĩ Tạ Tỵ vẫn còn có người ở Việt Nam. Vợ chồng tôi phải tự liên hệ với phía Bảo tàng để tìm hiểu sự thật. Hôm 19.7, được biết có một hội đồng gồm nhiều họa sĩ danh tiếng thẩm định lại toàn bộ 17 bức tranh, trong đó có tranh giả danh tên bố tôi, vợ chồng tôi đã chạy lên bảo tàng, không ai biết chúng tôi là ai. Tôi tự giới thiệu tôi là con họa sĩ Tạ Tỵ với ông Trịnh Xuân Yên Phó giám đốc bảo tàng và xin phép được dự cuộc họp thẩm định, họ đã đồng ý cho chúng tôi vào dự.

- Bà dựa vào đâu để nói rằng bức tranh có tênTrừu tượngvà chữ ký trên đó là giả danh của họa sĩ Tạ Tỵ?

- Bà Tạ Thùy Châu: Bố tôi là họa sĩ, hơn nữa ông là một người nghệ sĩ suốt đời dấn thân vào con đường nghệ thuật,điều đó ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến đời sống của anh em tôi về tư tưởng đó. Từ lúc bé cho đến khi trưởng thành, tôi đã sống trong thế giới hội họa của ông. Những nét vẽ của bố đã in sâu vào trong ký ức của tôi. Từng mảng màu, từng đường cọ của ông chỉ cần nhìn qua tôi cũng biết ngay là của bố. Bức tranh Trừu tượngmà tôi nhìn thấy, nó hoàn toàn xa lạ,không mang phong cách vẽ của bố tôi từ màu sắc cho đến bố cục và cách thể hiện. Chữ ký “Tạ Tỵ 52” trên đó là hoàn toàn giả mạo, bố tôi không bao giờ ký kiểu đó. Nếu đem so sánh với những bức tranh của bố mà tôi đang lưu giữ sẽ thấy có một sự khác biệt rất lớn. Chữ ký của bố tôi vuông vức, thẳng đứngđường nét dứt khoát và hơi nhỏ, dấu chấm được đặt đúng vị trícủa nó, năm vẽ cũng được viết rất rõ ràng ở một vị trí cố định. Chưa kể cónhững ký hiệu rất đặc biệt khácmà chỉ những người thân trong gia đình như anh em tôi mới có thể nhận ra được. Bên cạnh đó, bức tranh này cũng đãđược anh Thành Chương nhận là tranh của mình vẽ với đầy đủ chứng cứ thuyết phục. Vì vậy tôi khẳng định bức tranh Trừu tượngcủa ông Vũ Xuân Chung là giả mạo chữ ký của bố tôi.

- Bà có nhớ, hoặc còn lưu giữ bức tranh nào của họa sĩ Tạ Tỵ có cùng chủ đề hoặc có tên là Trừu tượngnào không?

- Bà Tạ Thùy Châu: Tôi còn lưu giữ một số cuốn sách về tranh của bố tôi, trong đó có in lại toàn bộ những bức tranh của ông tại cuộc triển lãm vào thời điểm đó. Bố tôi từng vẽ một bức tranh tên là Trừu tượng vào năm 1951, nhưng bức tranh này được thể hiện bằng một phong cách hoàn toàn khác biệt với bức tranh Trừu tượngdoông Vũ Xuân Chung đang sở hữu. Bức tranh Trừu tượngcủa bố tôi và bức Trừu tượngcủa ông Chungkhông có bất cứ sự liên quan nào. Để chắc chắn điều này, tôi đã liên lạc với những người anh tôi đang định cư ở Mỹ để hỏi lại kỹ là bố tôi có vẽ bức tranh có tên Trừu tượngnào nữa không. Các anh tôi đều khẳng định bức tranh mà tôi đang giữ là bức duy nhất mà bố tôi vẽ. Còn bức tranh Trừu tượngtrong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” rất xa lạ và không hề tồn tại trong kýức của các anh tôi.

Ấn phẩm in lại những tác phẩm của họa sĩ Tạ Tỵ trong giai đoạn 1950 - 1956
Bức vẽ có tên là Trừu tượng của họa sĩ Tạ Tỵ, thực hiện năm 1951

- Theo bà thì bức tranh Trừu tượngký tên Tạ Tỵ vẽ vào năm 1952 trong triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu"vừa qua tại sao lại trùng tên bức bức Trừu tượngdo chính họa sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1951? Sự trùng hợp này có ý nghĩa gì?

- Bà Tạ Thùy Châu: Tôi nghĩ việc này có mục đích, có thể những người làm tranh giả nghe loáng thoáng bố tôi có một bức tranh tên là Trừu tượngvẽ vào năm 1951 nhưng họ chưa từng thấy nó bao giờ. Việc đặt lại tên cho bức tranh của anh Thành Chương thành Trừu tượngcủa Tạ Tỵ vẽ vào năm 1952 là có ý đồ vàcó thể nhằm đánh lừa công chúng ngưỡng mộ tranh của bố tôi.

Chữ ký tranh của họa sĩ Tạ Tỵ qua một số giai đoạn sáng tác

- Bà có nghĩ rằng liệuông Vũ Xuân Chung là “nạn nhân” của việc giả mạo tranh này không?

- Bà Tạ Thùy Châu: Tôi rất thông cảm với ông Vũ Xuân Chung về sự cố này, có thể ông là nạn nhân của một phi vụ làm tranh giả do ông ấy quá tin vào chứng thực của ông Jean-François Hubert. Tôi lấy làm tiếc khi ông Chung cho đến thời điểm này sau khi mọi việc đã quárõ ràng, nhưng ông Chung vẫn không chịu đứng ra phối hợp với các bên liên quan để buộc ông Hubert, người chứng thực và bán những bức tranh giả ấy, trả lại những quyền lợi chính đáng cho mình. Nếu ông Chung đứng ra kiện về việc ông Jean-François Hubert, người đã ký tên đóng dấu chứng thực những bức tranh giả thành tranh thật, tôi sẽ sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng cho ông ấy.

- Cảm xúc của bà và người thân trong gia đình như thế nào trước việc tên của bố mình bị lợi dụngđể ghi vào một bức tranh do người khác vẽ?

- Bà Tạ Thùy Châu: Bản thân tôi nói riêng, gia đình tôi nói chung, rất bức xúc về việc này. Tôi cho rằng đây là một việc làm xúc phạm đến danh tiếng củabố tôi. Người ta cố tình đưa tên bố tôi vào một bức tranh không phải là do ông vẽ là đã xâm phạm đến quyền tác giả mà pháp luật đã quy định rồi. Chưa kể đến những hệ lụy xung quanh việc đó nữa, chẳng hạn sau này những thông tin đó dần dần sai lệch dẫn đến sự hiểu lầm bố tôi đi đạo tranh của họa sĩ Thành Chương thìsao? Đây là việc làm mà bản thân tôi cùng người thân trong gia đình không bao giờchấp nhận.

Bà Tạ Thùy Châu bên một tác phẩm của bố

- Vậy bà có yêu cầu gì với người chứng thực là ông Jean-François Hubert và nhà sưu tập Vũ Xuân Chung về việc bà cho là họ đã giả mạo tên tuổi của họa sĩ Tạ Tỵ?

- Bà Tạ Thùy Châu: Tôi yêu cầu người đang sở hữu bức tranh cũng như người đã chứng thực bức tranh đó là tranh của bố tôi phải xóa tên Tạ Tỵ ra khỏi bức tranh Trừu tượngsau đó công khai xin lỗi trước công chúng.

- Nếu những yêu cầu của bà và gia đình không được đáp ứng?

- Bà Tạ Thùy Châu: Tôi sẽ khởi kiện những người có liên quan ra tòa theo những điều khoản đã được quy định rõ ràng trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam với các tội danh giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh, hoặc chiếm đoạt quyền tác giả.

- Câu hỏi cuối, bàkhông bằng lòngđiều gì về cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” vừa qua?

- Bà Tạ Thùy Châu:Tôi thấy phía bảo tàng rất yếu kém về công tác thẩm định giá trị của tranh, lẽ ra một triển lãm toàn tranh của các danh họa thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương như thếthì việc kiểm định phải đặt lên hàng đầu. Để lọt một số lượng tranh giả lớn vào một bảo tàng cấp quốc gia như thế là trách nhiệm rất lớn của bảo tàng. Hơn nữa những giấy tờ thẩm định của ông Jean-François Hubert hoàn toàn không có tính pháp lý để chứng nhận đó là tranh thật mà cũng không ai phát hiện ra, quả là điều đáng tiếc cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Việc thẩm định tranh của các danh họa không phải hoàn toàn phụ thuộc vào khoa học kỹ thuật. Có một kênh tin cậy khác, đó là phía gia đình của các họa sĩ. Bảo tàng có thể liên hệ với họ để làm rõ thêm nguồn gốc của các bức tranh.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Tiểu Vũ (thực hiện)

Tiểu Vũ