Dù là nước giàu hay nghèo, có một thực tế ngày càng (phải) được chấp nhận là không có giải pháp nào có thể chấm dứt hoàn toàn dịch COVID-19.

Tình người và niềm tin xã hội trong và sau đại dịch

21/08/2021, 16:27

Dù là nước giàu hay nghèo, có một thực tế ngày càng (phải) được chấp nhận là không có giải pháp nào có thể chấm dứt hoàn toàn dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19

Nhân loại đang khủng hoảng trầm trọng bởi đại dịch cúm xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc). Các biến thể của coronavirus này làm đảo lộn những hiểu biết trước đây của con người về dịch bệnh. Khái niệm miễn dịch cộng đồng không còn luôn đúng nữa khi người dân các nước mau chóng rơi vào tình trạng suy giảm kháng thể khiến các quốc gia xếp vào loại khá giả đã bắt đầu chương trình tiêm chủng ở mũi tiêm thứ 3 và dự tính sẽ còn tiếp tục. Tình trạng này khiến các nước nghèo mà số đông còn chưa được tiêm mũi thứ nhất càng thêm lo lắng, đặc biệt là các nước đang bị dịch bệnh hoành hành, trong đó có Việt Nam.

Dù là nước giàu hay nghèo, có một thực tế ngày càng (phải) được chấp nhận là không có giải pháp nào có thể chấm dứt hoàn toàn dịch COVID-19, chấm dứt tình trạng tử vong do coronavirus. Nhân loại phải chấp nhận tình thế: vừa sống chung với chúng, vừa hạn chế hậu quả do chúng gây ra.

Thực tế nhiều nước đã và đang diễn ra như vậy. Có thể nói dù mục đích ban đầu là nhằm triệt tiêu coronavirus, cách thức của nhân loại khi nhìn lại, thực ra chỉ là nhằm đối phó, từ các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly nghiêm ngặt, sử dụng vắc xin, cho đến điều trị bằng thuốc men. Để thực hiện các giải pháp này, các nước phải tiến hành vô số các biện pháp mang tính chính trị, kinh tế, và cả văn hóa xã hội. Từ sử dụng truyền thông để thay đổi hành vi con người (với vô vàn chiêu thức, thuyết phục, thậm chí tranh cãi, cưỡng chế lẫn nhau), đến áp dụng công nghệ hóa, số hóa, cho đến các giải pháp mang tính thể chế (sử dụng cả cảnh sát, quân đội cùng vào cuộc), thay đổi luật lệ, cải cách chính quyền theo hướng minh bạch, giải trình; trung thực hay che đậy thông tin để trấn an dân chúng; đến những câu hỏi lớn vẫn chưa có được lời giải đáp thỏa đáng, chẳng hạn dân chủ hay chuyên chế chống đại dịch tốt hơn...

Cuối cùng là chẳng nước nào giống nước nào. Do dân số khác nhau, mật độ dân cư khác nhau, hệ thống y tế, trình độ kinh tế, văn hóa ứng xử khác nhau khiến mọi thứ, mọi bài học thành công hay thất bại đều... khó học như nhau. Các chủng vi rút này rõ thật là quái ác. Việc chúng ngăn không cho con người học hỏi lẫn nhau để sống còn mới là một trong những điều kinh khủng nhất.

Vì khó học hỏi lẫn nhau như vậy, việc nhân loại vừa phải sống chung vừa phải giải quyết hậu quả của nó như thế nào trở thành vấn đề lớn phải giải quyết của từng quốc gia.

Cạnh tranh hậu dịch

Rõ ràng, khi các nước đều ít nhiều kiệt quệ thì sự giúp đỡ lẫn nhau cũng chỉ là giới hạn. Từng nước sẽ tự mình vừa tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh còn dai dẳng, vừa khắc phục những hậu quả của nó. Khả năng chống chọi, khắc phục và vươn lên của từng quốc gia sẽ xác lập lại vị trí của chính quốc gia đó trong một trật tự thế giới mới - thế giới hậu dịch.

Dù muốn hay không, từ “đống tro tàn” các quốc gia sẽ trở lại đường đua; sẽ lại lao vào những cuộc đua tăng trưởng kinh tế, quân sự và chính trị để chứng tỏ sức mạnh của mình. Những nước vốn đã có nền kinh tế mạnh hơn, nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn so với những nước khác sẽ chạy những bước dài và vững vàng hơn. Việt Nam không phải ngoại lệ, chỉ có điều trên thực tế chưa là quốc gia mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Vậy Việt Nam sẽ làm gì trong cuộc đua hậu dịch này?

Cần phải nhận thức sớm rằng cuộc sống cá nhân cũng như mỗi nước không chỉ có kinh tế, khoa học kỹ thuật mà còn cả đời sống văn hóa, nhân văn... Theo tôi, chính sức mạnh ở khía cạnh văn hóa và nhân văn sẽ tham gia quyết định uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế hậu COVID-19. Một khi huy động và phát huy được sức mạnh nhân văn này, sự phát triển kinh tế, chính trị và khoa học kỹ thuật sẽ chắc chắn và vững bền hơn. Nền tảng của sức mạnh văn hóa tinh thần và nhân văn của Việt Nam là gì? Quan sát và cảm nhận từ đại dịch, ta có thể thấy rằng đó là tình người và niềm tin xã hội, những yếu tố rất cần thiết và mang tính quyết định.

Tình người trong đại dịch

Thứ nhất, đại dịch đã và đang làm khốn đốn tất cả mọi thành phần trong xã hội, và có thể nói đã kích hoạt những xúc cảm con người theo hướng thiện lành hơn, vì hầu như ai cũng cảm nhận được những khó khăn của người khác và trở nên thông cảm cho nhau hơn.

Ai không nhói lòng khi nhìn thấy hình ảnh đồng bào mình khốn khổ khăn gói gồng gánh rời bỏ vùng dịch để trốn chạy và mưu tìm sự sống. Ai cũng ấm lòng khi chia sẻ hay được sẻ chia hình ảnh của những đội cứu trợ, giúp nhau từ thực phẩm, thuốc men, cấp cứu đến ma chay ngập tràn trong xã hội những ngày qua.

Chủ doanh nghiệp thấy công nhân viên mình khốn cùng và thương họ hơn, người làm công cảm nhận công ty xí nghiệp lao đao khốn khó mà cảm thông hơn với giới chủ. Quan trọng nhất là chính quyền thấy rõ nỗi thống khổ của dân chúng và hẳn đã-đang cảm nhận được trách nhiệm cũng như năng lực của mình rõ ràng hơn… Ngoài mong muốn tự giúp mình thì mong muốn có thể giúp được nhiều hơn cho những người khốn khó hơn mình là tình cảm phổ biến và vượt trội. Con người cảm thấy cần có nhau hơn. Tuy là giãn cách, là phong tỏa nhưng chúng ta lại đang gần nhau hơn bao giờ hết.

Thứ hai, đại dịch này khơi gợi cho chúng ta lòng trắc ẩn, khiến ta cảm nhận rõ sự vô thường của kiếp người, bớt suy nghĩ về vật chất mà nghĩ nhiều hơn về di sản tinh thần. Ta cảm nhận sâu sắc về bệnh tật, sự hấp hối và không có người thân bên cạnh khi lìa xa cõi đời. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của một người - sẽ ra đi hắt những hơi cuối cùng và thân xác sẽ được gói gọn trong bao, đặt vào hòm giấy, rồi hỏa táng thành tro bụi trong vài ba tiếng đồng hồ - sẽ cảm nhận rõ hơn về thân phận dù giàu hay nghèo. Hình ảnh những bao đựng xác trắng toát xếp chồng lên những đoàn xe tang không người tiễn nối đuôi xếp hàng chờ đưa vào lò hỏa thiêu; những câu chuyện về sự ra đi của bạn bè, người thân cũng như những người chưa hề quen biết…, câu chuyện nào cũng khiến ta cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa của hai chữ vô thường mà trước đây khi chưa có đại dịch đôi khi được dùng như sáo ngữ.

Những câu chuyện sinh tử đó của những bệnh nhân COVID-19 hay những bệnh nhân khác không được cứu chữa ở bệnh viện (vì bệnh viện đã quá tải do COVID-19) dù họ có là người thân với ta hay không cũng làm chúng ta nghĩ nhiều hơn về những gì đã làm và chưa làm được cho cuộc đời này, cho tha nhân. Người giàu không khỏi nghĩ đến sự chia sẻ nhiều hơn, không khỏi cảm nhận về tiền của và sức khỏe, không khỏi cảm nhận rằng khối tài sản của mình có thể không kịp có di chúc. Bất cứ ai, dù quan chức hay người giàu có nào, cũng không khỏi tự hỏi về di sản tinh thần của mình để lại cho đời, tự vấn nếu không may thì có mang được gì trong bình đựng tro cốt và có ai tiếc nhớ.

Tình thương dành cho nhau, lòng trắc ẩn, chiêm nghiệm về sự vô thường, về di sản càng làm gia tăng sự cảm thông lẫn nhau giữa mọi tầng lớp người dân, làm giảm lòng tham của tư duy thị trường, sự chuyên chế hay lạm quyền của chính quyền, kéo theo sự giảm mạnh tệ nạn tham nhũng trong khu vực nhà nước. Tất cả những điều này sẽ gia tăng niềm tin xã hội!

Niềm tin xã hội

Đại dịch đã khơi gợi trong chúng ta tình người. Đó chính là tình thương đồng loại đồng bào, cũng như đã khiến chúng ta cảm nhận rõ hơn về lẽ vô thường của cuộc sống. Từ đó ta mong muốn được sự chia sẻ gia tăng, lòng tham sẽ giảm bớt. Như vậy đại dịch cũng không chỉ toàn những tiêu cực điêu linh. Vì thế chúng ta càng cần duy trì và phát huy những tình cảm đó như một sức mạnh nhân văn cho công cuộc xây dựng Việt Nam hậu dịch.

Một dân tộc khi bất ngờ bị đẩy vào tình thế ngặt nghèo và tình người xuất hiện mạnh mẽ hơn hẳn mọi thứ; thì tại sao khi tình thế ngặt nghèo đi qua, lại không ý thức tiếp tục giữ gìn nó và phát triển? Tại sao lại không thể tranh thủ như cách chúng ta đã từng gạt bỏ tất cả bất đồng để cùng giúp nhau chống dịch lúc sinh tử cận kề? Đại dịch phải chăng là cơ hội để hòa giải bất đồng và gây dựng lại niềm tin xã hội dựa trên tình đồng bào vừa hiển hiện trong đại dịch.

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở khi nói rằng tình yêu thương đồng loại, đồng bào sẽ dẫn đến niềm tin xã hội mà ở đó người dân đối xử với nhau dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Sự tin cậy đó hiện diện trong mối quan hệ giữa chủ và thợ, giữa người doanh nghiệp và khách hàng, giữa chính quyền và doanh nghiệp, đặc biệt bao trùm là giữa chính quyền và người dân.

Khi tình thương tồn tại và dẫn dắt, doanh nghiệp sẽ không bằng mọi cách làm giàu chỉ cho mỗi chính mình mà bất chấp lợi ích của người làm công và lợi ích cộng đồng. Khi tình thương dành cho nhau tồn tại thì con người sẽ bớt tranh giành mà sẻ chia với nhau nhiều hơn. Khi tình thương người dân lẫn ý thức về cuộc sống vô thường là phổ biến thì quan chức chính quyền sẽ không muốn giàu sang bất chính trên sự bần cùng của người dân, trên sự chật vật đối phó của doanh nghiệp.

Khi tình thương và sự hiểu biết về tính hữu hạn của kiếp nhân sinh được chia sẻ rộng rãi, con người sẽ trung thực với nhau hơn. Sự trung thực sẽ làm nền tảng cho những sản phẩm có giá trị chuyên chở chính niềm tin này. Những sản phẩm đó có thể là vật chất như viên thuốc chữa bệnh, vắc xin phòng dịch, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, những sản phẩm đó có thể là sản phẩm trí tuệ tinh thần như sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh, sinh viên hay bài báo của các nhà khoa học Những sản phẩm đó có thể là những chính sách phát triển kinh tế an sinh giáo dục, hay có thể là những luật, điều luật và các quy định mà người dân sẽ tâm phục khẩu phục khi thực hiện và tự giác chấp hành.

Một khi niềm tin trong nước được tạo dựng, ví như sản phẩm thuốc chữa COVID-19 nếu có của một công ty dược phẩm nội địa sẽ không còn bị cho là sản phẩm làm dối làm nhanh, lợi dụng tâm lý hoảng loạn trong dân để làm giàu; ví như có thêm lời phát biểu ủng hộ của một nhà khoa học hay một quan chức quản lý y tế chắc hẳn sẽ không bị cho là tiếp tay hay là của công ty sân sau nhằm bán hàng, ví như có một bài viết khen ngợi đăng báo sẽ không bị cho là viết để ăn tiền, viết theo định hướng. Khi niềm tin là nền tảng của mối quan hệ xã hội, chính sách xét nghiệm đại trà của ngành y tế sẽ không bị cho là kết quả chi phối của những doanh nghiệp cung cấp kit xét nghiệm. Khi niềm tin giữa dân và chính quyền là phổ biến, chính sách quy hoạch, đền bù sẽ không còn bị nghi ngờ do sự chi phối bởi các nhóm lợi ích và xem thường lợi ích của dân cư...

Liệt kê ra thì khôn cùng, tựu trung khi chúng ta có niềm tin vào nhau, chúng ta sẽ có những sản phẩm thực sự có chất lượng, những sản phẩm đó là của mọi thành phần trong xã hội, dù tư nhân hay nhà nước… Và chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để tự cường.  

Tình thương và niềm tin xã hội sẽ là nền tảng cho sức mạnh nhân văn của quốc gia, thúc đẩy sự phát triển vững chắc kinh tế và khoa học kỹ thuật!

***

Đại dịch đã làm người Việt Nam gần nhau hơn và thương yêu nhau hơn, đại dịch cũng đã làm cho chúng ta hiểu rõ hơn cuộc sống là vô thường, ý thức rằng di sản để lại là gì mới là quan trọng và có ý nghĩa hơn rất nhiều so với tài sản vật chất. Đại dịch đã khơi gợi tình đồng loại, mà giữa người dân một nước là tình đồng bào. Từ tình thương, sự sẻ chia và bớt tham lam cho lợi ích bản thân, chúng ta hoàn toàn có thể cho rằng đại dịch đã mang đến một hy vọng tích cực cho chính người Việt Nam. Người Việt sẽ ý thức mang tình thương đồng bào và niềm tin xã hội như một nguồn sức mạnh văn hóa và nhân văn vào cuộc đua kinh tế và khoa học kỹ thuật thời hậu dịch cùng các nước. Với sức mạnh mang tính tinh thần này, chắc chắn Việt Nam sẽ dễ có được sự ủng hộ và tin cậy của thế giới. Hay nói cách khác, chính sức mạnh văn hóa và nhân văn sẽ làm nền tảng cho sự phát triển vững bền của đất nước.

Lê Vĩnh Triển (Đại học Kinh Tế TP.HCM)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình người và niềm tin xã hội trong và sau đại dịch