Năm 2021, năm thứ 21 của thế kỷ 21, năm thứ 21 của thiên niên kỷ thứ 3, đang chỉ còn những giờ phút cuối cùng, trước khi nhân loại bước sang năm mới 2022!

Trước thềm năm mới, vài lời về năm 2021

TS Nguyễn Văn Lạng | 31/12/2021, 19:15

Năm 2021, năm thứ 21 của thế kỷ 21, năm thứ 21 của thiên niên kỷ thứ 3, đang chỉ còn những giờ phút cuối cùng, trước khi nhân loại bước sang năm mới 2022!

Nhân loại thời điểm này đang chăm chú vào hoạt động của những cây kim đồng hồ, nhất là đồng hồ số đếm ngược để chờ khoảnh khắc đón chào năm mới 2022. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa. Cầu cho mọi sự hanh thông! Đón năm mới nhưng xin có đôi lời về năm cũ, chuyện cũ.

Một năm qua đi để lại quá nhiều sự kiện trên hành tinh này, với loài người khắp năm châu, từ 234 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vui có, thành công, thành tựu, dấu ấn có, và quá nhiều đau thương… Quá nhiều biến động, đổi thay, mất mát, chia rẽ, hiểm họa.

Mọi người đã xem, đã theo dõi tình hình trong nước lẫn quốc tế về tất cả mọi lĩnh vực, đa chiều, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng công nghệ. Tôi cũng đã có không ít tóm tắt hằng tháng trước đó, vì thế không muốn mất thì giờ của bạn đọc.

Tôi chỉ muốn nói đôi điều về đất nước Việt của chúng ta năm 2021 qua.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại một cuộc họp báo đã nêu thông tin rất đáng chú ý. Đó là, về cơ bản, kinh tế - xã hội của chúng ta trong một năm đầy khó khăn vất vả nhưng vẫn tăng trưởng, nhờ công sức của toàn dân, các doanh nghiệp, các địa phương và trung ương. Trong đó GDP vẫn tăng trưởng dương 2,58%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 khoảng 668 tỉ USD đã đưa Việt Nam vượt Thụy Sĩ, và là nước đứng thứ 20 trên thế giới về thương mại quốc tế… Thu ngân sách cả nước cũng như các địa phương vẫn vượt chỉ tiêu mà Quốc hội, HĐND các tỉnh thành giao cho.

Đã có nhiều điểm sáng về kêu gọi đầu tư, về phát triển kinh tế trên khắp vùng miền đất nước. Các chỉ số khác về kinh tế - xã hội cũng khả quan so với tình hình chung của đất nước, khu vực và thế giới. Vai trò vị trí của đất nước trên trường quốc tế thật đáng tự hào. Nhiều hoạt động quốc tế cũng như khu vực được đẩy mạnh, không ít doanh nhân Việt Nam đã đầu tư vào những dự án lớn ở nước ngoài…

Tất cả đều đáng ghi nhận và trân trọng! Nói chung là mừng.

Nhưng có thể nói 2021 là năm thử thách lớn nhất từ khi có công cuộc đổi mới 1986 tới nay.

Trước hết đại dịch COVID-19, hay còn gọi là cúm Tàu do vi rút xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), qua 1 năm với bao nhiêu biến thể, dịch càng ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm, lan nhanh, nhờn vắc xin, gây bao nhiêu hậu quả nặng nề.

Đáng chú ý nhất là đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch mà tâm điểm là TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, rồi khu vực ĐBSCL, còn trước đó là ở những tỉnh tập trung khu công nghiệp lớn miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương; hiện tại là ở Hà Nội, Hải Phòng...

Dịch đã gây quá nhiều mất mát tổn thất về người về của và cả niềm tin. Hơn 32.000 người đã chết, khiến Việt Nam đứng thứ 26/234 nước và vùng lãnh thổ có lượng người tử vong cao.

Do chưa chủ động và đôi khi do chủ quan tự mãn, quá tự hào về thành tích ngăn 3 đợt đầu dịch nhỏ, nên khi bùng phát đại dịch thì sự điều hành chỉ đạo của các cấp lúng túng. Mỗi nơi mỗi cách. Các văn bản hành chính điều hành cứ phải liên tục, thường xuyên thay đổi, gây ra sự chồng chéo, áp đặt, không khả thi, thiếu thực tế, không thuyết phục. Sự chuẩn bị chưa chu đáo, chưa kịp thời, nhất là về vắc xin, khiến chậm trễ tạo miễn dịch cộng đồng. Điều may mắn là chính phủ mau chóng nhận ra thực trạng ấy, thi hành chiến dịch “ngoại giao vắc xin” hiệu quả nên chúng ta đã có được 150 triệu liều vắc xin, đáp ứng ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Tôi cũng muốn nói tới việc định nghĩa, hướng dẫn thế nào là F0. Dư luận từng đặt câu hỏi khi nào thì người nhiễm vi rút corona Vũ Hán bị xem là bệnh nhân để phải cách ly, điều trị? Suốt thời gian dài không có câu trả lời rõ ràng.

Mãi hôm qua 30.12, Bộ Y tế mới công bố định nghĩa. Chính vì kéo dài thế, nên chúng ta đã thực hiện cách ly, phong tỏa, xét nghiệm quá mức cần thiết, thậm chí gây hiệu ứng ngược, gây khó khăn cho nhà quản lý, khổ cho dân. Việc cách ly F1 tập trung hàng chục ngàn người; rồi nhiều quyết sách đã được ban bố, thực thi vội vã, như các tỉnh đóng cửa chặn người từ vùng dịch trở về quê, ngưng hoạt động tất cả chợ búa truyền thống, nơi buôn bán nhỏ lẻ; bung mở chiến dịch xây lắp đầu tư bệnh viện dã chiến… đều cần được bình tĩnh xem xét lại.

Gần một năm trời, chúng ta đã huy động tổng lực để nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan; phát huy toàn lực ngành y tế cả nước, từ nhân tài, vật lực, hạ tầng cơ sở; huy động hàng chục ngàn bộ đội, công an theo lệnh của chính phủ “chống dịch như chống giặc"; tổ chức cho hàng vạn tình nguyện viên y tế nhiều tỉnh thành, bệnh viện, nhà trường tới những vùng dịch nóng để cùng tham gia chống dịch…

boyte.jpeg
Vừa qua, Bộ Y tế đã điều chỉnh lại định nghĩa về F0 cho chính xác và phù hợp thực tiễn

Sáng kiến 5K là cách phòng chống dịch COVID-19 độc đáo của Việt Nam, đã phát huy hiệu quả cao, cần duy trì tiếp cho tới khi dịch được khống chế và trở thành căn bệnh thông thường như “cúm mùa”.

Vì quá tập trung vào chống COVID-19, cũng như do tiềm lực của ngành y tế đã cạn nên nhiều thứ bệnh khác, bệnh nhân ít được quan tâm tiếp nhận khám chữa trị. Một ví dụ, theo báo Thanh Niên, số bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chỉ còn 10%. Điều này không phải do số người bị ung thư giảm 90%, mà do bệnh viện không được tiếp nhận bệnh nhân, kéo theo doanh thu để trang trải chi phí của bệnh viện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chúng ta đã huy động, động viên y bác sĩ tham gia hết mình, cả tâm trí lực suốt năm trời nên anh chị em ngành y cũng mệt mỏi. Không ít người không chịu nổi phải thôi việc, trong khi ngành y ở nước ta, cơ sở hạ tầng, số lượng y bác sĩ… thấp hơn bình quân của khu vực và thế giới. Các bệnh viện tuyến trên luôn luôn quá tải.

Theo tuyên bố của chính phủ, cho tới nay, chúng ta cơ bản đã khống chế được dịch và kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên gần 1 tháng qua, số ca nhiễm, tử vong hằng ngày vẫn cao, số ca nhiễm vẫn trên dưới 15.000 ca/ngày (hôm qua 30.12 là 17.000 ca). Số người đang điều trị vẫn trên dưới 300 - 400 ngàn người, số ca nặng vẫn ở mức 5 - 7 ngàn người/ngày. Điều đó phần nào nói lên quan điểm "sống chung với dịch" đang có cơ sở, được áp dụng.

Chắc chắn sau đại dịch nhà nước cần tiến hành cải tổ ngành y tế, về mọi mặt, từ đầu tư, vốn tài chính, chế độ, quy chế chính sách, tiền lương, đào tạo, khám chữa bệnh ở các tuyến, bộ máy y tế cơ sở... tới đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

Chưa có năm nào có quá nhiều sai phạm và đại án ở ngành y tế như 2021! Khá nhiều giám đốc, lãnh đạo các bệnh viện, viện lớn, cán bộ quản lý từ cơ sở lên tới bộ trưởng, thứ trưởng bị kỷ luật, thậm chí bắt giam. Đó là điều đáng buồn.

Hiện tại đang quá nóng về vụ án Công ty Việt Á, có liên quan tới các bộ Khoa học - Công nghệ, Y tế, tới Học viện Quân y… Buồn thật sự!

Ngành GD-ĐT cũng gặp không ít chuyện. Khởi đầu bằng việc người đứng đầu ngành, GS-TS bộ trưởng không trúng ủy viên trung ương, bị thay thế, và Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa có thông báo kết luận trách nhiệm vi phạm của cựu bộ trưởng và Ban Cán sự đảng Bộ GD-ĐT.

Tòa án Hà Nội vừa tuyên phạt tù hàng loạt lãnh đạo Trường đại học Đông Đô về vụ bán bằng bất hợp pháp cho hơn 400 người, trong đó không ít người "đặc biệt”.

Nhiều sở GD-ĐT bị điều tra về gian lận thi cử, đấu thầu mua sắm… sách vở trang thiết bị trường học. Vấn đề sách giáo khoa có vết, có vấn đề trong cái gọi là “công nghệ giáo dục”. Rồi những vi phạm đạo đức của người thầy cũng khá nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều trường học. Có lẽ một phần do mặt trái của cơ chế thị trường trong GD-ĐT ở nước ta.

batthuong.png
Năm 2021, ngành GD-ĐT cũng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Miền Trung thường bị nhiều thiên tai, mưa gió bão lụt, mất mát quá lớn. Năm 2021 cũng là năm quá nhiều ồn ào, lùm xùm, tai tiếng về chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng làm từ thiện, huy động quyên góp tiền từ thiện, vướng vào sự không minh bạch.

Cả tháng nay, mỗi ngày có khoảng 5.000 - 6.000 xe container chở nông sản ùn tắc do xuất tiểu ngạch qua các cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… Đó là hệ quả của nhiều vấn đề, trong đó không thể không kể đến chính sách “zero COVID” và các thủ đoạn thường niên thường xuyên bắt bí doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam của phía “bạn láng giềng”. Các doanh nhân, hàng vạn lái phụ xe phải ăn bờ ngủ bụi, chờ cả tuần, cả nửa tháng, cả tháng trời nơi cửa khẩu, mà không có hy vọng giao được hàng. 

untac.jpg
Ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía bắc những tháng cuối năm 2021 rất trầm trọng - Ảnh: Internet

Ảnh hưởng trực tiếp của vụ này với nông dân không lớn bởi họ đã bán cho thương lái, nhưng gián tiếp sẽ rất tai hại cho các mùa vụ tiếp theo. Trách nhiệm và bài học về quản lý, phát triển nông sản xuất khẩu (chủ yếu bán cho Trung Quốc) thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, các hiệp hội nông lâm thủy sản. Vì vậy các đơn vị này cần sớm tìm lối thoát một cách căn cơ: xuất chính ngạch; thay đổi cơ cấu vận tải, giảm chở bằng xe ô tô, tăng dần bằng phương tiện tàu hỏa và tàu thủy.

Năm 2021 cũng xảy ra biết bao vụ việc liên quan tới sự xuống cấp đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa xã hội…

Điển hình là các vụ xâm hại tình dục vị thành niên, trẻ em bị bạo hành tới mức thành thương tật, sang chấn tâm lý, tử vong. Mới đây nhất là vụ "dì ghẻ" hành hạ cháu bé 8 tuổi tới chết gây chấn động và bất bình trong dư luận. Thật đáng suy ngẫm khi cái chết của cháu bé đáng thương do chính người thân ruột thịt và sự vô cảm của xã hội gây ra!

Không biết tới bao giờ những đức tính tốt đẹp, lòng nhân ái, sự cao thượng, các thuần phong mỹ tục, nét đẹp văn hóa lại được phổ biến như xưa, như người ta thầm ao ước “bao giờ cho đến ngày xưa"? Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý, các cơ quan có trách nhiệm trong hệ thống chính trị xã hội và toàn xã hội.

Hàng loạt các đại án xảy ra ở nhiều lĩnh vực, địa phương; nhiều quan chức cấp cao, tướng tá, doanh nhân đủ cỡ phải ra vành móng ngựa… Nhiều lãnh đạo tỉnh thành, bộ ngành trung ương bị kỷ luật và vướng vòng lao lý. Một năm chống tham nhũng, tiêu cực rất nóng và vất vả.

Trong lĩnh vực thể thao, biết bao kỳ vọng của chúng ta về giữ ngôi vương trong AFF Cup không thành. Đội tuyển bóng đá không vào được chung kết. Bài học cay đắng nhưng cần thiết cho những ngày sắp tới. Phải chấp nhận sự thật cay đắng để tìm giải pháp lâu dài!

Thôi, tôi xin lỗi bạn đọc khi toàn nói điều không vui.  Nhưng đó là sự thật, theo thiển nghĩ cá nhân, cần phải nói ra. Có gì chưa đúng, mong được sự lượng thứ, chỉ dẫn. Tất cả chỉ vì mong mỏi sự tốt đẹp cho xã hội, đất nước và chính mỗi người chúng ta.

Từ biệt năm 2021! Chúng ta cùng vui đón năm mới 2022 và tết cổ truyền dân tộc, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Chiều 31.12.2021

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước thềm năm mới, vài lời về năm 2021