Kết thúc thử nghiệm, vắc xin COVID-19 của Pfizer đạt hiệu quả 95%: 'Lần đầu trong lịch sử'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:30, 18/11/2020
Tỷ lệ hiệu quả của vắc xin, cao nhất so với bất kỳ ứng cử viên nào trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho đến nay, làm hài lòng các chuyên gia từng nói rằng kết quả tạm thời cho thấy mũi tiêm của Pfizer có hiệu quả trên 90% là rất đáng khích lệ.
Theo đó, vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer đã phá vỡ mọi kỷ lục tốc độ trong phát triển vắc xin, quá trình thường mất nhiều năm.
Pfizer cho biết đã có 170 trường hợp mắc COVID-19 trong cuộc thử nghiệm với hơn 43.000 người tình nguyện và chỉ 8 người mắc bệnh được tiêm chủng thay vì dùng giả dược, đồng nghĩa vắc xin này có tỷ lệ hiệu quả 95%. Trong số 10 người bị COVID-19 nặng, 1 người đã được chủng ngừa.
Enrico Bucci, nhà sinh vật học tại Đại học Temple ở Philadelphia (Mỹ), nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: Chưa đầy 1 năm kể từ khi phát hiện ra coronavirus cho đến thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn của một loại vắc xin, hơn nữa là dựa trên một kỹ thuật hoàn toàn mới. Hôm nay là một ngày đặc biệt".
Pfizer hy vọng ủy ban cố vấn vắc xin của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ xem xét và thảo luận về dữ liệu trong cuộc họp công khai có thể sẽ được tổ chức vào tháng 12.
Phân tích cuối cùng được đưa ra chỉ một tuần sau khi kết quả ban đầu từ cuộc thử nghiệm cho thấy vắc xin COVID-19 Pfizer có hiệu quả hơn 90%. Hôm 16.11, Moderna đã công bố dữ liệu sơ bộ về vắc xin của mình, cho thấy hiệu quả 94,5%.
Kết quả tốt hơn mong đợi từ hai loại vắc xin, đều được phát triển bằng công nghệ RNA thông tin (mRNA), làm dấy lên hy vọng chấm dứt đại dịch giết chết hơn 1,346 triệu người, tàn phá nền kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, trong khi một số nhóm như nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin ở Mỹ trong năm nay, thì phải vài tháng nữa mới bắt đầu triển khai quy mô lớn.
David Spiegelhalter, giáo sư và chuyên gia về truyền thông tại Đại học Cambridge, cho biết: “Đây là những kết quả phi thường và dữ liệu an toàn có vẻ tốt. Sẽ rất thú vị khi nhóm sử dụng giả dược đã báo cáo những phản ứng bất lợi nào, vì điều đó cho ta biết bao nhiêu tác dụng phụ do quá trình tiêm chủng và bao nhiêu là vì chính vắc xin”.
Pfizer nói hiệu quả của vắc xin được phát triển cùng đối tác BioNTech SE (Đức) là nhất quán ở các độ tuổi và nhóm chủng tộc khác nhau, một dấu hiệu cho thấy việc chủng ngừa có thể được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Hiệu quả ở người lớn trên 65 tuổi, đối tượng có nguy cơ đặc biệt với coronavirus, hơn 94%.
“Bảo vệ 94% cho người lớn tuổi là chìa khóa. Đây là bằng chứng mà chúng tôi cần để đảm bảo rằng những người dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ”, Andrew Hill, thành viên nghiên cứu cấp cao đang thỉnh giảng tại khoa dược của Đại học Liverpool nhận định.
Cổ phiếu Pfizer tăng 3% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, trong khi cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của BioNTech tăng 8%.
Pfizer cho biết vắc xin của họ được dung nạp tốt, các tác dụng phụ chủ yếu từ nhẹ đến trung bình và hết nhanh chóng. Tác dụng phụ nghiêm trọng duy nhất ảnh hưởng đến hơn 2% số người được tiêm vắc xin là mệt mỏi, ảnh hưởng đến 3,7% số người nhận sau liều thứ hai. Người lớn tuổi có xu hướng báo cáo các tác dụng phụ ít hơn và nhẹ hơn.
Moderna đã nêu tên 5 loại tác dụng phụ nghiêm trọng mà ít nhất 2% những người đã tiêm vắc xin của họ gặp phải. Moderna liệt kê tần suất mệt mỏi là 9,7%, đau cơ là 8,9%, đau khớp là 5,2%, đau đầu là 4,5%, đau là 4,1% và đỏ xung quanh chỗ tiêm là 2%.
Kết quả cuối cùng của Pfizer được đưa ra khi coronavirus đang hoành hành trên khắp thế giới, gây ra sự căng thẳng lớn cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe với số ca mắc mới và số ca nhập viện kỷ lục.
Việc gần đến mùa đông ở Bắc Bán cầu song song với kỳ nghỉ lễ dự kiến sẽ làm tăng ca mắc COVID-19 khi mọi người dành nhiều thời gian hơn trong nhà và họp mặt gia đình.
“Với hàng trăm ngàn người trên toàn cầu bị nhiễm bệnh mỗi ngày, chúng tôi cần phải cung cấp gấp một loại vắc xin an toàn và hiệu quả cho thế giới”, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla tuyên bố.
Pfizer và BioNTech cũng cho biết có kế hoạch gửi dữ liệu đến các cơ quan quản lý khác trên thế giới, đưa dữ liệu từ nghiên cứu lên một tạp chí khoa học để được bình duyệt.
Pfizer dự kiến sẽ sản xuất khoảng 50 triệu liều vắc xin trong năm nay, đủ để bảo vệ 25 triệu người và sau đó sản xuất lên tới 1,3 tỉ liều vào 2021.
Trong số hàng chục hãng dược và nhóm nghiên cứu đang chạy đua để phát triển vắc xin COVID-19, dữ liệu tiếp theo có thể là của AstraZeneca với Đại học Oxford (Anh) vào tháng 11 hoặc tháng 12. Johnson & Johnson tiết lộ đang đi đúng hướng để cung cấp dữ liệu trong năm nay.