Giáo hoàng Phanxicô đến Iraq trong chuyến thăm lịch sử đầy rủi ro với hàng ngàn người bảo vệ
Quốc tế - Ngày đăng : 20:00, 05/03/2021
Giáo hoàng Phanxicô (Francis) nói ông cảm thấy có trách nhiệm phải thực hiện chuyến thăm “mang tính biểu tượng” vì Iraq đã phải chịu đựng quá nhiều thương đau trong thời gian dài.
Điểm dừng đầu tiên của Giáo hoàng Phanxicô sau khi máy bay của ông hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Baghdad là gặp Tổng thống Iraq - Barham Salih tại phủ tổng thống, nơi có thảm đỏ, ban nhạc quân đội và đàn chim bồ câu chào đón ông.
Iraq đã triển khai thêm hàng ngàn nhân viên an ninh để bảo vệ vị giáo hoàng 84 tuổi trong chuyến thăm diễn ra sau khi hàng loạt vụ tấn công bằng rocket và đánh bom liều chết làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của ông.
Một đoàn gồm hàng chục xe tháp tùng Giáo hoàng Phanxicô ra khỏi khuôn viên Sân bay Quốc tế Baghdad, nơi gần đây đã bị bắn rocket từ các nhóm dân quân.
“Tôi rất vui khi được thực hiện các chuyến đi một lần nữa”, Giáo hoàng Phanxicô nói với các phóng viên khi xuống máy bay của mình.
Đại dịch COVID-19 đã ngăn Giáo hoàng Phanxicô đi du lịch và chuyến thăm Iraq là chuyến đi đầu tiên của ông bên ngoài nước Ý kể từ tháng 11.2019.
Các quan chức an ninh cho biết Giáo hoàng Phanxicô, người thường khẳng định sử dụng những ô tôđơn giản và nhỏ trong các chuyến đi của mình, đã được đưa đến cung điện bằng một chiếc sedan BMW chống đạn.
Hầu hết những người dọc các con đường và thậm chí một số người trong phủ tổng thống đều không đeo khẩu trang, bất chấp nguy cơ nhiễm coronavirus.
Khi sánh bước cùng Tổng thống Iraq - Barham Salih, Giáo hoàng Phanxicô đi khập khiễng, cho thấy rằng cơn đau thần kinh tọa của ông có thể đã bùng phát trở lại, điều buộc ông phải hủy bỏ một số sự kiện vào đầu năm nay.
Trong bài phát biểu tại cung điện, Đức Phanxicô đã chỉ trích các lợi ích bè phái và ngoại bang đã gây bất ổn cho Iraq cùng khu vực rộng lớn hơn và tác động nặng nề nhất đến người dân bình thường.
“Iraq đã phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc của chiến tranh, tai họa khủng bố và xung đột giáo phái thường xuất phát từ một chủ nghĩa cơ bản không có khả năng chấp nhận sự chung sống hòa bình của các nhóm dân tộc cùng tôn giáo khác nhau”, Giáo hoàng Phanxicô nói.
Chuyến du hành đầy rủi ro này sẽ đưa Giáo hoàng Phanxicô bằng máy bay, trực thăng và có thể là xe bọc thép đến 4 thành phố, bao gồm cả những khu vực mà hầu hết chức sắc nước ngoài không thể tới được, chưa nói gì đến trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Giáo hoàng Phanxicô sẽ nói với đám đông tại một nhà thờ ở Thủ đô Baghdad, gặp giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite hàng đầu Iraq ở thành phố Najaf, miền nam nước này và đi về phía bắc tới Mosul, nơi quân đội phải xuống đường vì lý do an ninh vào năm ngoái để bảo vệ Thủ tướng Iraq trong chuyến thăm của ông.
Mosul là thành trì trước đây của Nhà nước Hồi giáo và các nhà thờ cũng như các tòa nhà khác ở đó vẫn mang dấu vết của cuộc xung đột.
Bạo lực và hy vọng
Cuộc tấn công của Mỹ năm 2003, sau nhiều năm bị trừng phạt quốc tế và cuộc chiến tàn khốc với Iran do cựu lãnh đạo Saddam Hussein thúc đẩy vào những năm 1980, đã đẩy Iraq vào xung đột giáo phái và sự quản lý yếu kém kéo dài từ đó.
Nhiều thập kỷ xung đột và sự cai trị với tham nhũng đã khiến Iraq có một nền kinh tế dựa vào dầu mỏ dễ bị tổn thương và không có khả năng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho 40 triệu dân của mình. Các cuộc biểu tình quần chúng đã nổ ra chống lại giới tinh hoa cầm quyền của Iraq vào năm 2019 và màn đàn áp bạo lực của lực lượng an ninh cùng dân quân đã giết chết hơn 500 người.
Kể từ sau thất bại của các tay súng Nhà nước Hồi giáo vào năm 2017, Iraq đã được chứng kiến mức độ an ninh cao hơn, mặc dù bạo lực vẫn tồn tại, thường dưới hình thức các cuộc tấn công rocket của lực lượng liên kết với Iran vào các mục tiêu của Mỹ và hành động quân sự từ Mỹ để đáp trả.
Hôm 3.3.2021, 10 quả rocket đã bay vào một căn cứ không quân nơi có các lực lượng Mỹ, liên quân và Iraq. Vài giờ sau, Giáo hoàng Phanxicô tái khẳng định sẽ đến Iraq.
Nhà nước Hồi giáo vẫn là một mối đe dọa. Vào tháng 1.2021, một cuộc tấn công liều chết do nhóm chiến binh Sunni thực hiện đã khiến 32 người thiệt mạng. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất ở Baghdad trong nhiều năm qua.
Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp các giáo sĩ tại một nhà thờ ở Baghdad, nơi các tay súng Hồi giáo từng giết hơn 50 tín đồ vào năm 2010. Bạo lực với các nhóm tôn giáo thiểu số của Iraq, đặc biệt khi 1/3 đất nước do Nhà nước Hồi giáo điều hành, đã giảm cộng đồng Cơ đốc giáo cổ xưa của Iraq từ 1,5 triệu người xuống còn 1/5.
Giáo hoàng Phanxicô cũng sẽ đến thăm Ur, nơi sinh của nhà tiên tri Abraham, người được các tín đồ Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái tôn kính, rồi gặp gỡ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite hàng đầu được tôn kính ở Iraq là Grand Ayatollah Ali al-Sistani (90 tuổi).
Cuộc gặp Grand Ayatollah Ali al-Sistani, người có ảnh hưởng lớn với đa số người Shi’ite ở Iraq, sẽ là cuộc gặp đầu tiên của một giáo hoàng.
Một số nhóm chiến binh người Shi’ite đã phản đối chuyến thăm của Giáo hoàng Phanxicô, coi đó là sự can thiệp của phương Tây vào các vấn đề Iraq. Song, nhưng nhiều người Iraq hy vọng rằng điều đó có thể giúp nuôi dưỡng một cái nhìn mới mẻ về đất nước này.
Ali Hassan, cư dân Baghdad 30 tuổi, nói khi đón người thân tại Sân bay Quốc tế Baghdad: “Có thể không thay đổi nhiều trên mặt đất, nhưng ít nhất nếu Đức giáo hoàng đến thăm, mọi người sẽ nhìn thấy đất nước của chúng tôi trong một ánh sáng khác, không chỉ là bom đạn và chiến tranh”.
“Chuyến thăm này có một không hai. Chúng tôi rất vui mừng và tất cả chúng tôi cần chuyến thăm này, tất cả người Iraq đều vậy", Magin Derius, một Cơ đốc nhân ở Baghdad, chia sẻ.