Bệnh nhân COVID-19 thứ hai ở Campuchia tử vong vì lý do bất ngờ, thêm 4 người Việt nhiễm coronavirus

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:30, 14/03/2021

Theo Bộ Y tế Campuchia, bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh Prey Veng chết vì đau tim.

Theo trang Khmer Times, Bộ Y tế Campuchia thông báo người đàn ông Campuchia 69 tuổi đang được điều trị COVID-19 ở tỉnh Prey Veng đã chết vì đau tim.

Trong tuyên bố được Bộ công bố hôm nay, bệnh nhân sống ở Prek Khsay Khor, huyện Peam Ro đã qua đời lúc 9 giờ 40 sáng cùng ngày tại Bệnh viện tỉnh Prey Veng vì đau tim.

Ông nhập viện để điều trị hôm 13.3, một ngày sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Campuchia cho biết: “Theo kết luận của các bác sĩ, người đàn ông 69 tuổi chết do nhồi máu cơ tim, không phải do COVID-19”.

Người ta cho biết, khi đến bệnh viện tỉnh, ông được chăm sóc, không ho, không kiệt sức, không sốt nhưng bị cao huyết áp.

Vào khoảng 6 giờ sáng 14.3, bệnh nhân tập thể dục rất lâu rồi trở vào phòng. Bộ cho biết thêm rằng một trong những bệnh nhân COVID-19 ở gần đó đã đánh thức ông dậy để ăn sáng nhưng ông đã qua đời.

Đây là trường hợp tử vong thứ hai liên quan đến bệnh nhân COVID-19 ở Campuchia trong tuần qua.

benh-nhan-covid-19-thu-2-o-campuchia-tu-vong.jpg
Các bác sĩ Campuchia lấy mẫu từ một người để xét nghiệm COVID-19

Campuchia đã báo cáo chính thức cái chết đầu tiên do COVID-19 hôm 11.3, hơn 1 năm kể từ khi đại dịch bắt đầu và ngay khi cơ quan lập pháp của nước này thông qua các hình phạt mới nghiêm khắc với những ai vi phạm vi tắc.

Trong một thông báo, Bộ Y tế nước này cho biết một người đàn ông Campuchia 50 tuổi đã chết vì coronavirus tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer - Xô Viết ở Thủ đô ​​Phnom Penh lúc 10 giờ 40 sáng.

Được chẩn đoán nhiễm COVID-19 vào ngày 27.2, người chết là tài xế (ở thành phố biển Sihanoukville) cho một công dân Trung Quốc cũng bị nhiễm bệnh. Cả hai trường hợp đều liên quan đến một đợt bùng phát ở Campuchia được gọi là "sự kiện ngày 20.2" khi nó được phát hiện lần đầu tiên.

Đợt bùng phát COVID-19 gây nên tình trạng tồi tệ nhất ở Campuchia cho đến nay, chiếm hơn một nửa trong tổng số 1.163 trường hợp mắc bệnh của cả nước, đã lan rộng đến 7 trong số 25 tỉnh và đe dọa câu chuyện thành công cho đến nay của Campuchia trong việc dập dịch.

Để hạn chế tình trạng lây nhiễm coronavirus, chính quyền Campuchia đã ra lệnh đóng cửa các trường học, địa điểm vui chơi giải trí và một số cơ sở kinh doanh. Hơn 10.000 người đang bị phong tỏa tại địa điểm liên quan đến các cụm này.

campuchia-co-nguoi-chet0-dau-tien-do-covid-19.jpg
Một lô hàng 600.000 liều vắc xin do Trung Quốc sản xuất đến Phnom Penh vào tháng 2.2021. Cái chết đầu tiên ở Campuchia do COVID-19 diễn ra sau khi nước này bắt đầu tiêm chủng

Thượng viện Campuchia hôm 11.3 đã thông qua luật trừng phạt hành vi không tuân thủ các biện pháp y tế công cộng. Sẽ được ban hành ngay sau khi nhận được chữ ký của nhà vua, đạo luật gồm các án tù từ 6 tháng đến 20 năm và phạt tiền lên đến 5.000 USD với những người hoặc nhóm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng bằng cách bất chấp lệnh kiểm soát COVID-19.

Các ca nhiễm bệnh ban đầu gây ra "sự kiện ngày 20.2" có liên quan đến 4 công dân Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly khách sạn sau khi bị cáo buộc hối lộ nhân viên bảo vệ.

Đầu tuần này, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng chuẩn bị các lò hỏa táng mới, nói rằng trong trường hợp có các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, các thi thể sẽ được hỏa táng.

Ông Hun Sen cũng kêu gọi các công chức và nhân viên tư nhân làm việc tại nhà, thừa nhận COVID-19 đã lây lan giữa các quan chức.

Thủ tướng Campuchia nói: “Bằng cách ở nhà, chúng ta có thể tránh được những rủi ro mà chúng ta không thể nhìn thấy và tránh được những người đã bị nhiễm bệnh”.

Tài xế ở thành phố biển Sihanoukville là trường hợp tử vong chính thức đầu tiên do COVID-19, sau cái chết của một nam công dân Trung Quốc dương tính với COVID-19 vào tuần trước tại trung tâm kiểm dịch. Các nhà chức trách đổ lỗi cho cái chết của công dân Trung Quốc này do sử dụng ma túy quá liều.

Cái chết đó đã thu hút sự quan tâm của mọi người và chứng kiến ​​trung tâm cách ly bị đóng cửa. Thủ tướng Hun Sen nói rằng ông bị "sốc" trước điều kiện bên trong tòa nhà cách ly kiểu nhà kho. Bệnh nhân đã được chuyển đến khách sạn.

Campuchia bùng phát dịch bệnh COVID-19 khi các cơ quan y tế của nước này tiến hành triển khai tiêm vắc xin.

Những mũi tiêm đầu tiên bắt đầu vào tháng 2.2021 với một lô liều vắc xin Sinopharm do Trung Quốc tài trợ. Vào tháng 3.2021, Thủ tướng Hun Sen là một trong những người đầu tiên tiêm vắc xin AstraZeneca (Anh), được cung cấp thông qua chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

Campuchia đã nhận lô hàng vắc xin Sinopharm đầu tiên với 600.000 liều vào ngày 7.2.2021. Campuchia bắt đầu tiêm chủng đại trà vào ngày 10.2.

Con trai của ông Hun Sen là người đầu tiên tiêm vắc xin Sinopharm, tiếp đến là các bộ trưởng và quan chức chính phủ.

Hôm 5.2, ông Hun Sen đổi ý, quyết định không tiêm vắc xin Sinopharm vì lý do tuổi tác. Ông Hun Sen đã 68 tuổi trong khi vắc xin Sinopharm được cấp phép cho người từ 18 tới 59 tuổi, vì đây là nhóm dân số được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

Khi chưa có dữ liệu về hiệu quả của vắc xin Sinopharm với các nhóm tuổi khác, các quốc gia nhận vắc xin tự quyết định có sử dụng cho người lớn tuổi hơn hay không.

Đầu tháng 3, Thủ tướng cho biết Campuchia đang muốn dự trữ 20 triệu liều vắc xin để tiêm cho 10 triệu người, tương đương 2/3 dân số. Campuchia dự kiến nhận được 7 triệu liều vắc xin thông qua sáng kiến COVAX.

Hôm 14.3, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận nước này có thêm 41 ca mắc COVID-19, tất cả đều liên quan đến "sự kiện ngày 20.2", nâng tổng số ca trên toàn quốc lên 1.305 người. Trong số này có 23 người Trung Quốc, 4 người Việt Nam, 2 người Thái Lan và 12 người Campuchia. 28 trong số 41 ca là ở Kandal, nâng tổng số ca nhiễm của tỉnh này lên 97.

Nhân Hoàng