Chính quyền Biden canh cánh nỗi lo 'Trung Quốc thống nhất với Đài Loan'
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:59, 29/03/2021
Chính quyền Mỹ ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẵn sàng “chấp nhận nhiều rủi ro hơn” trong mối quan hệ với Đài Loan, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình đang củng cố quyền lực để có thể tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa, tờ Financial Times đưa tin.
“Trung Quốc dường như đang chuyển từ giai đoạn bằng lòng với hiện trạng của Đài Loan sang giai đoạn mà họ thiếu kiên nhẫn hơn, chuẩn bị nhiều hơn để kiểm tra các giới hạn và tán thành ý tưởng thống nhất”, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói với Financial Times.
Theo quan chức này, Mỹ đã theo dõi hành vi của Trung Quốc trong hai tháng trước khi đưa ra kết luận.
Quan chức này nói rằng chính quyền Biden lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc “có vẻ đã chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận nhiều rủi ro hơn”.
Quan chức hàng đầu khu vực châu Á của Nhà Trắng - Kurt Campbell cũng nói với Financial Times rằng so với các lĩnh vực chính sách khác, Trung Quốc là nước quyết đoán nhất trong cách tiếp cận với Đài Loan.
“Không nơi nào chúng tôi thấy các hoạt động kiên quyết và bền bỉ hơn các hoạt động quân sự, ngoại giao và các hoạt động khác nhắm vào Đài Loan”, ông Kurt Campbell nói.
Dù vậy, Đài Loan dường như không chia sẻ những lo ngại, vì một quan chức cấp cao của hòn đảo nói không có dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công từ Trung Quốc sắp xảy ra, theo Financial Times.
Hôm 25.3, Đài Loan và Mỹ đã ký thỏa thuận đầu tiên dưới thời chính quyền Biden, thành lập Nhóm Công tác Tuần duyên để điều phối chính sách vào thời điểm mà các hành động trên biển của Trung Quốc gây ra mối quan ngại ngày càng tăng trong khu vực.
Cụ thể hơn, vào tháng 1.2021, Trung Quốc đã thông qua luật lần đầu tiên cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài, điều này đã gây lo ngại ở khu vực và Mỹ. Trung Quốc bảo vệ lập trường, nói luật này là phù hợp với thông lệ quốc tế và cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh, các quyền hàng hải của đất nước.
Chính quyền Joe Biden đã lên tiếng trấn an Đài Loan rằng cam kết của họ với hòn đảo này là vững chắc. Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây áp lực với Đài Loan.
Đài Loan đang nâng cấp lực lượng bảo vệ bờ biển bằng các tàu mới, có thể được đưa vào biên chế hải quân trong trường hợp xảy ra chiến tranh, khi hòn đảo này đối phó với sự xâm phạm ngày càng tăng từ các tàu đánh cá và tàu hút cát của Trung Quốc trong vùng biển do Đài Loan kiểm soát.
Hôm 20.3, hãng Kyodo News dẫn nguồn tin tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí hợp tác chặt chẽ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Đài Loan với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin nêu vấn đề trên khi gặp gỡ người đồng cấp của Nhật - Nobuo Kishi tại Tokyo. Hai bên chưa có cuộc thảo luận nào về phương thức hợp tác phản ứng trước tình huống khẩn cấp như vậy.
Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Kishi bày tỏ quan ngại trước tình trạng máy bay Trung Quốc nhiều lần bay vượt qua đường trung tuyến chia đôi eo biển Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải nghiên cứu cách cho phép lực lượng phòng vệ Nhật phối hợp với lực lượng Mỹ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc thực sự phát động tấn công.
Mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung
Tin tức được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, sau cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa Ngoại trưởng Mỹ -Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với hai nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc là Dương Khiết Trì (Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc) và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị tại thành phố Anchorage, bang Alaska.
Ngoại trưởng Antony Blinken nói trước cuộc họp rằng Mỹ sẽ “thảo luận về mối quan ngại sâu sắc với các hành động của Trung Quốc, bao gồm ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Mỹ, cưỡng bức kinh tế của các đồng minh của chúng tôi”. Thư ký báo chí Nhà Trắng - Jen Psaki nói rằng chính quyền Biden sẽ tiếp cận các mối quan hệ với Trung Quốc một cách trận trọng cùng các đồng minh của mình.
Sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Mỹ nói hai bên đã có "các cuộc thảo luận nghiêm túc", trong khi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho rằng "nhiều khác biệt lớn" vẫn còn.
Trước đó, ông Antony Blinken đã sử dụng từ "đất nước" khi đề cập đến Đài Loan trong một cuộc điều trần trước Quốc hội, phá vỡ điều cấm kỵ trước đây của các quan chức Mỹ về việc sử dụng ngôn ngữ như vậy để chỉ hòn đảo tự quản nhằm tránh làm Trung Quốc khó chịu.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai nên được thống nhất với đại lục. Chính quyền ông Tập Cận Bình thường phản đối gay gắt nếu các quan chức chính phủ hoặc các công ty trên thế giới gọi Đài Loan là “một quốc gia”.
Theo tờ dữ kiện song phương của Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ và Đài Loan đang có mối quan hệ không chính thức.
Được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979, Đạo luật Quan hệ Đài Loan cho phép nước này hỗ trợ khả năng phòng thủ của hòn đảo.
Do kết quả của Nội chiến Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc khi thành lập năm 1945 và rút lui về Đài Loan, trong khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm đại lục.
Là một trong những đồng minh chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai (từ địa phương gọi là Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai), Trung Hoa Dân Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc khi thành lập vào năm 1945. Việc nối lại cuộc nội chiến Trung Quốc dẫn đến việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Gần như toàn bộ lục địa Trung Quốc đã sớm nằm dưới sự kiểm soát của quốc gia này và Trung Hoa Dân Quốc rút lui về đảo Đài Loan.
Chính sách Một Trung Quốc được cả hai chính phủ cùng tuyên truyền, nhưng trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ và các đồng minh phản đối việc thay thế Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hiệp Quốc dù họ đã bị thuyết phục để gây áp lực cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc nhằm chấp nhận sự công nhận quốc tế về sự độc lập của Mông Cổ vào năm 1961
Điều đó đã thay đổi dưới thời Tổng thống Richard Nixon khi Mỹ tham gia đàm phán với chính phủ CHND Trung Hoa vào năm 1971. Ngày 25.10.1971, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 2758, trong đó công nhận CHND Trung Hoa là "đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc".
Đài Loan triển khai tên lửa cảnh báo 20 máy bay Trung Quốc trong vụ xâm nhập lớn chưa từng thấyHôm 26.3, 20 máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong vụ xâm nhập lớn nhất được cơ quan phòng vệ của hòn đảo báo cáo và đánh dấu sự leo thang căng thẳng đáng kể trên khắp eo biển Đài Loan.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết lực lượng không quân đã triển khai tên lửa để giám sát 20 máy bay Trung Quốc bay vào phần phía tây nam của vùng nhận dạng phòng không hòn đảo. Máy bay Đài Loan cũng cảnh báo máy bay Trung Quốc, kể cả bằng radio.
Đây là cuộc xâm nhập lớn nhất cho đến nay của không quân Trung Quốc kể từ khi cơ quan phòng vệ Đài Loan bắt đầu tiết lộ các chuyến bay quân sự gần như hàng ngày của đối thủ trên vùng biển giữa phần phía nam Đài Loan và quần đảo Đông Sa ở Biển Đông vào năm ngoái. Hiện quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát.
Một số máy bay Trung Quốc đã bay trong không phận phía nam Đài Loan và đi qua kênh Bashi, nơi ngăn cách hòn đảo này với Philippines.
Một người quen thuộc về kế hoạch an ninh của Đài Loan nói với Reuters rằng, quân đội Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng hoạt động chống lại các tàu chiến của Mỹ đi qua kênh Bashi.
Tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần hòn đảo dân chủ những tháng gần đây. Đó là động thái mà Đài Loan cho rằng gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực.
Theo Đài Loan, nhiều máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất hiện trong nhiệm vụ hôm 26.3, như 4 máy bay ném bom H-6K có khả năng hạt nhân và 10 chiến đấu cơ J-16. Theo Đài Loan, đây là điều bất thường và diễn ra khi lực lượng không quân của hòn đảo đình chỉ mọi hoạt động huấn luyện nhiệm vụ sau vụ rơi 2 máy bay chiến đấu trong tuần này.
Hôm 23.3, phát biểu trong phiên điều trần phê chuẩn trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đô đốc John Aquilino, người được đề cử làm tân chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ, cho rằng khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan sớm hơn hầu hết mọi người nghĩ.
Theo đô đốc John Aquilino, việc giành quyền kiểm soát đối với Đài Loan là “ưu tiên số 1” của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Aquilino cho biết ông không đồng tình với những bình luận gần đây của đô đốc hải quân Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách tấn công và nắm quyền kiểm soát với Đài Loan trong vòng 6 năm tới.
" Theo ý kiến của tôi, vấn đề này sẽ sớm hơn nhiều so với hầu hết mọi người nghĩ và chúng ta phải sẵn sàng. Trung Quốc hiện đã phát triển một số năng lực trong khu vực vốn được tạo ra nhằm ngăn chặn chúng ta. Lo ngại lớn nhất là lực lượng quân sự chống lại Đài Loan”, ông Aquilino cảnh báo và đề nghị Mỹ nên áp dụng đề xuất chi 27 tỉ USD nhằm tăng cường phòng thủ của Mỹ trong khu vực "trong thời gian gần và gấp rút".
Thượng nghị sĩ Tom Cotton (đảng Dân chủ) hỏi John Aquilino rằng liệu giữa mùa xuân có phải là thời điểm tốt nhất trong năm để Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tấn công Đài Loan, xem xét vào điều kiện ánh sáng, thời tiết và biển cả. Đô đốc Mỹ từ chối khẳng định điều này.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton sau đó cảnh báo Aquilino rằng mùa xuân tới có thể là một khung thời gian nguy hiểm, nói rằng Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào ngày 27.2.2014, bốn ngày sau khi kết thúc Thế vận hội mùa đông Sochi.
" Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh kết thúc vào ngày 23.2 năm sau", ông Tom Cotton nói.