Những con số khủng khiếp từ vụ siêu tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:00, 29/03/2021
Vô số doanh nghiệp có hàng hóa trên Ever Given và các tàu khác bị kẹt hai đầu kênh Suez đang trong tình trạng khó khăn.
Cùng điểm qua những con số khủng khiếp liên quan đến sự cố này.
Những con số khủng
Do công ty vận tải Evergreen Marine (Đài Loan) vận hành, Ever Given là một trong những tàu container lớn nhất thế giới.
Ever Given dài 400 m, trọng tải gần 224.000 tấn, với sức chứa tối đa 20.000 container. Ever Given mắc cạn đang chở 18.300 container.
Lúc đầu, một cơn gió mạnh được cho khiến Ever Given mắc cạn kể từ hôm 23.3 và nằm chắn ngang kênh đào Suez. Tốc độ gió vào thời điểm đó được ghi nhận là 40 hải lý/giờ. Thế nhưng, Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) nói với các phóng viên rằng đây không phải là lý do duy nhất khiến Ever Given mắc cạn.
Cơ quan chức năng nói cần có một cuộc điều tra để xác định xem có lỗi kỹ thuật hay do con người không.
Tính đến ngày 28.3, đã có 369 con tàu chờ đi qua con kênh Suez dài 193 km ở hai bên của khu vực bị tắc nghẽn.
Đã có hơn 145.200 tương tác xã hội trên Twitter sử dụng hashtag #SuezBLOCKED và ít nhất 133.000 lượt chia sẻ, theo phân tích thời gian thực của nền tảng giám sát thương hiệu BrandMentions.
Những nỗ lực giải phóng Ever Given đang diễn ra như thế nào?
Vào ngày 27.3, 14 tàu kéo đã kéo và đẩy Ever Given khi thủy triều lên để cố gắng giải cứu, có thể di chuyển con tàu.
SCA cho biết các tàu nạo vét cho đến nay đã chuyển 27.000 mét khối cát xuống độ sâu 18m.
"Bánh lái từng không di chuyển và giờ đang dịch chuyển, chân vịt đang hoạt động. Không có nước bên dưới mũi tàu và bây giờ đã có. Ngày hôm qua đã có một độ lệch 4m ở mũi tàu và đuôi tàu", Chủ tịch SCA, Tướng Osama Rabie, nói với kênh truyền hình nhà nước Ai Cập.
Song tình hình có thể phức tạp hơn khi nguồn tin SCA cho rằng một khối đá được phát hiện dưới mũi Ever Given.
Theo SCA, nỗ lực giải phóng Ever Given hôm 28.3 đã bị hoãn lại. Thời điểm thuận lợi tiếp theo để giải cứu con tàu sẽ là khi thủy triều lên, lúc 11 giờ 42 giờ địa phương (9 giờ 42 GMT) vào 29.3 và sáng sớm 30.3 lúc 0 giờ 8 giờ.
Sự tắc nghẽn kênh đào Suez gây thiệt hại khủng khiếp
Khoảng 12% thương mại toàn cầu, khoảng 1 triệu thùng dầu và khoảng 8% khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi qua kênh đào Suez mỗi ngày.
Tướng Osama Rabie nói với các phóng viên hôm 27.3 rằng Ai Cập thiệt hại 14 - 15 triệu USD (10,2 - 10,9 triệu bảng Anh) doanh thu cho mỗi ngày do kênh đào Suez phải tạm thời đóng cửa.
Trước đại dịch COVID-19, thương mại đi qua kênh đào Suez đã đóng góp tới 2% GDP của Ai Cập, theo Moody's.
Ngoài ra, dữ liệu từ tạp chí hàng hải Lloyd's List cho thấy Ever Given đang nắm giữ khoảng 9,6 tỉ USD giao dịch dọc theo đường thủy mỗi ngày. Điều đó tương đương với 400 triệu USD và 3,3 triệu tấn hàng hóa/giờ, hay 6,7 triệu USD/phút.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn, công ty bảo hiểm Đức Allianz chỉ ra rằng sự tắc nghẽn kênh Suez có thể gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu từ 6 tỉ USD đến 10 tỉ USD mỗi tuần, giảm tốc độ tăng trưởng thương mại hàng năm từ 0,2 đến 0,4 điểm %.
Nhà môi giới vận tải biển Braemar ACM nói với tờ Wall Street Journal rằng chi phí thuê một số tàu để vận chuyển hàng hóa đến và đi từ châu Á, Trung Đông đã tăng 47% trong tuần này lên 2,2 triệu USD.
Một số tàu đang được định tuyến lại để tránh kênh đào Suez, đồng nghĩa thêm khoảng 8 ngày vào hành trình của họ.
Vô số doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn không chỉ ảnh hưởng đến ngành vận tải biển toàn cầu hay nền kinh tế Ai Cập mà vô số doanh nghiệp, từ các nhà cung cấp vận tải trong nước đến các nhà bán lẻ, siêu thị và nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng.
Rất khó đánh giá thiệt hại và chi phí thực sự cho đến khi con tàu được giải phóng và hoạt động giao dịch trở lại, nhưng nhiều công ty sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng nếu tình trạng tắc nghẽn kênh Suez tiếp tục kéo dài thêm 1 tuần nữa.
Các công ty Anh nói với BBC News hôm 27.3 rằng vẫn đang chờ đợi để biết khi nào hàng hóa có thể đến nơi.
Nếu kênh đào Suez tiếp tục tắc nghẽn, một số công ty sẽ phải trả tiền để đặt thêm hàng và gửi hàng bằng đường hàng không, chi phí cao hơn ít nhất ba lần.
Dỡ bỏ 18.300 container trên tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez mất bao lâu? Xem chi tiết tại đây.
Kênh đào Suez nằm ở lãnh thổ Ai Cập, nối thành phố Port Said trên Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương qua thành phố Suez ở miền nam Ai Cập trên Biển Đỏ. Tuyến đường cung cấp lối tắt giữa châu Âu và châu Á, giúp tàu cắt ngắn hành trình vì không phải đi vòng qua châu Phi.
Ban đầu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Pháp, kênh Suez được hình thành khi Ai Cập nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman vào giữa thế kỷ 19. Công tác thi công bắt đầu ở Port Said vào đầu năm 1859, trong đó quá trình nạo vét kéo dài 10 năm với 1,5 triệu lao động. Trong quá trình thi công, nhiều người đã phải làm việc cực khổ, được trả công thấp, thậm chí chết vì bệnh tả và các bệnh khác.
Các động thái chính trị ở Ai Cập chống lại thực dân Anh và Pháp đã làm chậm tiến độ xây dựng kênh đào, chi phí cuối cùng cao gấp đôi so với dự kiến ban đầu là 50 triệu USD.