Mỹ ngừng mọi hoạt động giao thương với Myanmar, Singapore mong Thống tướng Aung Hlaing nghe theo các lãnh đạo ASEAN

Quốc tế - Ngày đăng : 21:12, 29/03/2021

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Vivian Balakrishnan gọi tình hình ở Myanmar là “thảm kịch sắp xảy ra” sẽ cần thời gian để vượt qua và nói rằng điều cần thiết với các nước Đông Nam Á là phải có quan điểm về cách ứng phó.

Sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết. Tôi phải thú nhận với các bạn rằng tôi rất bi quan”, ông Vivian Balakrishnan nói với truyền thông địa phương hôm 29.3.

Ông Vivian Balakrishnan đã lên tiếng mạnh mẽ về cuộc đảo chính ngày 1.2 của quân đội Myanmar và chuyện đàn áp khiến nhiều người biểu tình thiệt mạng, đồng thời đang thúc đẩy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò trong việc tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Hôm 26.3, ông Vivian Balakrishnan đã nói chuyện với truyền thông địa phương sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Indonesia tại Thủ đô Jakarta. Ông cũng đã đến thăm Malaysia và Brunei (Chủ tịch ASEAN) vào đầu tuần.

my-dinh-chi-tat-ca-hoat-dong-thuong-mai-voi-myanmar.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Vivian Balakrishnan gọi tình hình ở Myanmar là “thảm kịch sắp xảy ra”

ASEAN hoạt động theo sự đồng thuận nhưng quan điểm khác nhau của 10 thành viên về cách ứng phó với việc quân đội sử dụng vũ lực sát thương với dân thường và chính sách không can thiệp vào công việc của nhau đã hạn chế khả năng hành động của khối.

Theo các nhà hoạt động, Malaysia, Indonesia và Philippines đã thúc đẩy cuộc họp cấp cao khẩn cấp về Myanmar và lên án cuộc đàn áp khiến 462 người thiệt mạng. Singapore cho biết ủng hộ một cuộc họp như vậy.

Ông Vivian Balakrishnan nói: “Điều cần thiết cho sự tín nhiệm, trung tâm và phù hợp của ASEAN là có quan điểm, lập trường và có thể cung cấp một số hỗ trợ mang tính xây dựng cho Myanmar. Nhưng đừng mong đợi các giải pháp nhanh chóng".

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore cũng cho biết điều cần thiết là ASEAN phải xem xét, cân nhắc, ủng hộ và trở thành sự hiện diện mang tính xây dựng ở Myanmar. Ông hy vọng Myanmar, cụ thể hơn là Thống tướng Min Aung Hlaing nắm chính quyền, sẽ xem xét quan điểm của các nhà lãnh đạo ASEAN.

Mỹ đình chỉ mọi hoạt động giao thương với Myanmar đến khi chính phủ được bầu trở lại

Hôm 29.3, Đại diện Thương mại Mỹ - Katherine Tai (luật sư gốc Hoa) cho biết Mỹ sẽ ngay lập tức đình chỉ mọi hoạt động giao thương với Myanmar theo một thỏa thuận thương mại và đầu tư năm 2013 cho đến khi có sự trở lại của chính phủ được bầu cử dân chủ.

Hôm 27.3 là ngày biểu tình đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự với 114 người thiệt mạng. 5 người khác đã chết hôm 29.3 khi hàng nghìn người xuống đường một lần nữa để phản đối việc quân đội Myanmar trở lại nắm quyền sau 1 thập kỷ.

my-dinh-chi-moi-hoat-dong-thuong-mai-voi-myanmar.jpg
Bà Katherine Tai nhậm chức Đại diện Thương mại Mỹ hôm 18.3

Bà Katherine Tai tuyên bố rằng việc lực lượng an ninh Myanmar giết những người biểu tình ôn hòa, sinh viên, công nhân, các nhà lãnh đạo lao động và trẻ em “đã gây chấn động lương tâm của cộng đồng quốc tế”.

"Những hành động này là cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ của đất nước và những nỗ lực của người dân Myanmar để đạt được một tương lai hòa bình và thịnh vượng", bà Katherine Tai nói.

Ngoài việc đình chỉ công việc với thỏa thuận khung năm 2013, bà Katherine Tai cho biết Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ sẽ xem xét tình hình của Myanmar khi làm việc với Quốc hội về việc ủy ​​quyền lại chương trình Hệ thống ưu đãi chung, nhằm giảm thuế quan của Mỹ và cung cấp quyền tiếp cận thương mại đặc biệt khác cho một số nước đang phát triển.

Việc tham gia đòi hỏi các quốc gia phải duy trì một số biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động và bà Katherine Tai nói các báo cáo rằng các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar đã nhắm mục tiêu vào các tổ chức công đoàn và người lao động vì vai trò của họ trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng.

Có bố mẹ sinh ra ở Trung Quốc đại lục, luật sư Katherine Tai sẽ trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên và người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Đại diện Thương mại Mỹ kể từ khi vị trí này được thành lập cách đây gần 60 năm.

Katherine Tai đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu theo thủ tục để xác nhận chức vụ này cho bà.

Katherine Tai đã chỉ trích một số chính sách của Trung Quốc. Trong một số trường hợp từ năm 2007 đến 2014, bà đã lập luận thành công trường hợp của Mỹ chống lại các hoạt động thương mại của Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới.

Cha mẹ Katherine Tai sinh ra ở Trung Quốc đại lục nhưng lớn lên tại Đài Loan trước khi chuyển đến Mỹ để học cao học.

Cha Katherine Tai trở thành một nhà nghiên cứu y tế tại Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed ở Washington, Mỹ. Mẹ Katherine Tai chuyên phát triển các phương pháp điều trị nghiện opioid tại Viện Y tế Quốc gia.

Nhân Hoàng