Campuchia: Người Việt chết do COVID-19, tiêm gần 3 triệu liều vắc xin Trung Quốc vẫn chưa giảm ca bệnh

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:40, 06/06/2021

Theo tờ Khmer Times, chính quyền Prey Veng (tỉnh giáp Việt Nam) cho biết nữ bệnh nhân người Việt tên Nguyen Thi Nguon (69 tuổi) tử vong vì COVID-19 lúc 14 giờ ngày 5.6.

Sau 4 ngày khó thở, sốt và ho, bà nhập viện vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 30.5. Kết quả xét nghiệm cho thấy nữ bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Đến chiều 5.6, bà tử vong.

Chính quyền Kratie cũng thông báo về ca tử vong đầu tiên do COVID-19 ở tỉnh này. Trường hợp đó được xác định là người phụ nữ 57 tuổi, cư dân ở làng Wat, xã Koh Chreng, huyện Chit Borei, tỉnh Kratie.

Theo Cơ quan quản lý tỉnh Kratie, ngày 4.6, bà được đưa vào Bệnh viện chuyển tuyến tỉnh Kratie do bị tức ngực dữ dội và khó thở.

Theo các bác sĩ, người phụ nữ tử vong do viêm đường hô hấp nghiêm trọng do COVID-19 gây ra.

Ông Vathorn - Thống đốc tỉnh Kratie cũng gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân COVID-19.

Cũng theo tờ  Khmer Times, COVID-19 đã cướp đi một mạng sống khác tại bệnh viện tuyến tỉnh Kampong Chhnang vào ngày 3.6. Thông tin chỉ được chính quyền tỉnh công khai vào cuối ngày hôm qua.

Người phụ nữ thiệt mạng được xác định là Ou Sat (62 tuổi), đến từ làng Spean Dek Thlok Vien, huyện Samki Meanchey, tỉnh Kampong Chhnang. Bà được đưa vào Bệnh viện tuyến tỉnh Kampong Chhnang vào ngày 28.5 nhưng tình trạng trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, ho và khó thở.

Nạn nhân được hỏa táng tại địa điểm hỏa táng mới KV-19 ở làng Damnak Key, xã Cheung Kreav, huyện Rolea Bier.

co-nen-mua-vac-xin-sinopharm-khi-nhieu-nguoi-viet-khong-man-ma.jpg
trung-quoc-tiem-bao-nhieu-lieu-vac-xin-truoc-khi-sinovac-duoc-phe-duyet-dung-khan-cap-tre-em3.jpg
Đa số người Campuchia được tiêm vắc xin COVID-19 do hãng dược Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc) sản xuất

Đến nay Campuchia ghi nhận tổng cộng 34.244 ca mắc COVID-19 với 263 người chết và 27.147 khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, Campuchia báo cáo có thêm 631 ca bệnh mới và 11 người chết.

Có thể thấy, dù đã tiêm gần 3 triệu liều vắc xin nhưng số ca mắc COVID-19 và tử vong ở Campuchia vẫn tăng cao.

Campuchia lên kế hoạch thiết lập tiêm chủng cho khoảng 10 triệu người hoặc 62% tổng dân số chống lại COVID-19 và đến nửa năm 2022, hơn 95% dự kiến ​​sẽ được tiêm. Dân số Campuchia hiện 16,927 triệu.

Trong 6 triệu liều vắc xin mà Campuchia đã nhận được chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc gồm: 1,7 triệu liều Sinopharm do Trung Quốc tài trợ, 4 triệu liều Sinovac mua từ Trung Quốc, 324.000 liều AstraZeneca / SII (COVISHIELD) thông qua chương trình COVAX. Nhiều vắc xin dự kiến ​​sẽ đến Campuchia vào tháng tới.

Xem thêm: Có nên mua vắc xin Sinopharm của Trung Quốc khi nhiều người Việt không mặn mà?

Trung Quốc thừa nhận vắc xin nội địa kém hiệu quả

Dữ liệu hiện có cho thấy vắc xin COVID-19 của Trung Quốc tụt hậu so với các vắc xin nước khác, gồm cả Pfizer và Moderna (Mỹ), về hiệu quả, nhưng yêu cầu kiểm soát nhiệt độ ít nghiêm ngặt hơn trong quá trình bảo quản.

Hôm 11.4, ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đã phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc rằng các loại vắc xin nội địa hiện có "không có tỷ lệ bảo vệ cao". 

Ông nói: “Việc tiêm chủng bằng cách sử dụng các loại vắc xin thuộc các dòng kỹ thuật khác nhau đang được xem xét".

Ông Cao Phúc nói rằng thực hiện các bước để “tối ưu hóa” quy trình vắc xin bao gồm thay đổi số liều và khoảng thời gian giữa các liều là một giải pháp xác định cho các vấn đề về hiệu quả.

nguoi-phu-nu-viet-thiet-mang-covid-19-tiem-vac-xin-trung-quoc-van-bung-dich2.jpg
Ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, thừa nhận vắc xin nội địa có hiệu quả không cao

Trung Quốc đã phát triển 4 loại vắc xin COVID-19 nội địa được chấp thuận cho sử dụng công khai và một quan chức cho biết rằng nước này có thể sẽ sản xuất 3 tỉ liều vào cuối năm nay.

Một loại vắc xin COVID-19 do Sinovac phát triển đã được phát hiện có tỷ lệ hiệu quả trên 50% một chút trong các thử nghiệm lâm sàng ở Brazil. Một nghiên cứu riêng biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nó có hiệu quả 83,5%.

Theo dữ liệu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, vắc xin Sinopharm cho hiệu quả bảo vệ 78,1% với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng COVID-19. Tỉ lệ này giảm xuống còn 73,5% với các trường hợp không biểu hiện triệu chứng.

Một loại vắc xin khác do công ty con của Sinopharm sản xuất cho hiệu quả thấp hơn, lần lượt là 72,8% và 64% cho các ca nhiễm có triệu chứng và không triệu chứng. Loại vắc xin này đang trong quá trình xin WHO cấp phép để sử dụng khẩn cấp.

Tính đến đầu tháng 5.2021, khoảng 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang sử dụng vắc xin COVID-19 của Sinopharm. Tổng số liều đã cung cấp là 200 triệu, đứng sau vắc xin của AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ).

Tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc Cục Nguy cơ dịch bệnh và đại dịch thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng vắc xin bất hoạt của Sinopharm được phát triển trên nền tảng cũ, khác với các loại vắc xin hiện có của Pfizer hay Moderna sử dụng công nghệ mRNA (RNA thông tin).

Các nghiên cứu trên hàng triệu người ở Israel được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech cho thấy liều mRNA đã ngăn ngừa hơn 90% trường hợp nhiễm coronavirus không có triệu chứng.

Một nghiên cứu của Public Health England (Tổ chức Y tế cộng đồng Anh) cho thấy vắc xin Pfizer - BioNTech có hiệu quả 88% với bệnh COVID-19 có triệu chứng từ biến thể B.1.617.2 (Ấn Độ) hai tuần sau tiêm liều thứ hai. Vắc xin này có hiệu quả đến 93% với chủng B.1.1.7 "Kent", biến thể thống trị của Anh.

Trong khi hai liều vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại bệnh COVID-19 từ biến thể Ấn Độ là 60%, so với 66% với biến thể B.1.1.7 "Kent", theo Public Health England.

Cũng nhờ tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech mà Israel, Qatar, Malta dần thoát COVID-19. Trong đó, Malta là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin COVID-19 cao hàng đầu thế giới.  Xem chi tiết tại đây.

Hiệu quả thực tế của vắc xin Sinopharm thấp?

Hôm 18.5, Sinopharm đề nghị tiêm bổ sung liều thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin của hãng này ở UAE và Bahrain.

Theo Sinopharm, bất kỳ ai đã tiêm liều thứ 2 trước đó 6 tháng đều có thể tiêm thêm 1 liều nữa để tăng mức độ bảo vệ trước các biến thể coronavirus mới.

Song theo tờ The National của UAE, quốc gia này đã bắt đầu tiêm bổ sung liều thứ 3 cho "một số lượng nhỏ" những người không phát triển kháng thể dù đã được tiêm đủ 2 liều. Việc này tiến hành từ tháng 3.2021 và loại vắc xin được sử dụng trong cả 3 lần tiêm đều của Sinopharm.

Giáo sư Nikolai Petrovsky thuộc Đại học Flinders (Úc) nhận định chỉ có việc hiệu quả vắc xin quá thấp mới dẫn tới việc phải tiêm bổ sung chỉ hơn 6 tháng sau khi tiêm đủ 2 liều.

UAE và Bahrain là những nước đầu tiên tiến hành tiêm bổ sung liều 3 và cũng nằm trong nhóm đầu tiên phê duyệt vắc xin Trung Quốc.

Là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương, Seychelles đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 65% dân số bằng các mũi AstraZeneca và Sinopharm, với 37% bệnh nhân đã được tiêm hai liều, tuy nhiên các ca bệnh mới hàng tuần đã tăng nhanh trong tháng 5.

Sự gia tăng ca bệnh khiến các nhà chức trách Seychelles phải đóng cửa các trường học, hủy bỏ các sự kiện thể thao và cấm tụ tập gia đình. Trong số những người được tiêm chủng đầy đủ, khoảng 60% đã nhận được vắc xin từ Sinopharm và những người còn lại được tiêm vắc xin AstraZeneca.

Theo Reuters, UAE và Bahrain phải tiếp tục tiêm vắc xin Pfizer - BioNTech để tăng cường miễn dịch cho những người đã tiêm đủ hai liều Sinopharm.

Hai quốc gia Vùng Vịnh này đã tiêm vắc xin COVID-19 cho phần lớn dân số, chủ yếu bằng loại vắc xin do Sinopharm sản xuất. UAE đã tiêm được hơn 13 triệu liều vắc xin cho dân số hơn 9,7 triệu người, còn Bahrain đã tiêm ít nhất 1,7 triệu liều, tương đương 54,1% dân số.

Tuy nhiên, Bahrain phải chống lại làn sóng lây nhiễm COVID-19 lớn nhất kể từ đầu đại dịch, còn UAE đang ghi nhận số ca bệnh cao gần gấp đôi so với cách đây 7 tháng.

Thực tế này buộc UAE và Bahrain phải quyết định tiêm vắc xin Pfizer - BioNTech như một "liều tăng cường" cho những người đã tiêm đầy đủ hai mũi Sinopharm.

UAE tiêm vắc xin Sinopharm cho người dân từ tháng 12.2020 và bắt đầu sử dụng vắc xin của Pfizer vào tháng 4. Họ bắt đầu triển khai tiêm liều vắc xin Sinopharm thứ ba từ tháng 5 sau khi nhận thấy một số người đã tiêm không sản sinh đủ kháng thể.

Đến trước ngày 20.2.2021, Campuchia chỉ ghi nhận 500 ca mắc COVID-19 và không có người tử vong. Thế nhưng, tình hình diễn biến xấu nhanh chóng từ ngày 20.2 khi xuất hiện ổ dịch bắt nguồn từ một nhóm cộng đồng người Trung Quốc ở đảo Koh Pich, Thủ đô Phnom Penh, trong đó có ca dương tính với SARS-CoV-2 trốn cách ly ra ngoài.

Hôm 20.2, Campuchia công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng sau khi phát hiện 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đợt bùng phát dịch COVID-19 này được cho là có liên quan tới nhóm du khách Trung Quốc trốn cách ly.

Sau khi truy vết, các nhà chức trách Campuchia phát hiện 4 người Trung Quốc đã hối lộ cho nhân viên bảo vệ khách sạn Sokha ở Phnom Penh để ra ngoài vài ngày trước.

Họ đã lưu trú ở một số khu vực xung quanh Thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong vài ngày. Hai người trong số đó mắc COVID -19.

Nhân Hoàng