Từ cách Yên Bái chống dịch, nghĩ về bài học cho TP.HCM

Góc bình luận - Ngày đăng : 09:31, 25/07/2021

Điều ấn tượng mà tôi cho rằng giúp Yên Bái giữ được sự bình yên là cảnh giác cao độ và tuyên truyền thông tin rất nhanh chóng dễ dàng cho người dân.

Trong một bài viết gần đây về "5 tỉnh sạch bóng COVID-19 ở nước ta", tôi có nhắc đến Yên Bái như điển hình về việc phòng chống dịch.

Yên Bái từng là điểm nóng lo ngại lây lan COVID-19 với sự xuất hiện của chuyên gia Ấn Độ trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Cụ thể, từ ngày 18.4, địa phương ghi nhận ca mắc đầu tiên là chuyên gia Ấn Độ, được cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, ngay sau khi nhập cảnh (BN2786). Đến ngày 21.4, tiếp tục ghi nhận 2 ca mắc mới (BN2811, BN2812) là chuyên gia Ấn Độ cùng đoàn với bệnh nhân trên. Ngày 23.4, ghi nhận thêm 1 ca mắc mới (BN2831) trong đoàn chuyên gia Ấn Độ. Đến ngày 26.4, ghi nhận 1 ca là nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2, lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại khu cách ly khách sạn (BN2857). Tuy nhiên, cụm lây nhiễm ở khách sạn Như Nguyệt không lan ra ở Yên Bái. 5 trường hợp trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh và giờ đã khỏi. Đến lúc này, không còn bệnh nhân nào nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Khi đợt dịch thứ 4 sớm xuất hiện, Bắc Giang, Bắc Ninh lao đao vì số ca nhiễm, các địa phương xung quanh bị ảnh hưởng thì Yên Bái vẫn không ghi nhận thêm ca mắc nào. Là một tỉnh nghèo nhưng Yên Bái có thể giữ được thành tích này xứng đáng là điều cần tán thưởng.

Điều ấn tượng mà tôi cho rằng giúp Yên Bái giữ được sự bình yên là cảnh giác cao độ và tuyên truyền thông tin rất nhanh chóng dễ dàng cho người dân. Hằng ngày cứ khoảng 7 giờ sáng và 8 giờ tối thì báo Yên Bái sẽ cập nhật bản tin về Danh sách ổ dịch COVID-19 tại các tỉnh có ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa qua 14 ngày.

Chẳng hạn như sáng nay là Danh sách cập nhật ổ dịch COVID-19 tại các tỉnh có ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa qua 14 ngày theo thông báo của Sở Y tế Yên Bái, áp dụng từ ngày 25.7.2021 với đầy đủ 49 tỉnh trong đó TP.HCM được đưa lên đầu.

Bản tin đó cũng bôi đỏ lưu ý: Đối với xe con, xe cá nhân ngoại tỉnh đi từ các địa điểm có dịch khi vào tỉnh Yên Bái: Theo danh sách ổ dịch hàng ngày của Sở Y tế: Nếu đi từ vùng màu đỏ thì đưa đi cách ly tập trung; Nếu đi từ vùng màu vàng thì toàn bộ người trên xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (Nếu chưa có kết quả xét nghiệm thì phải thực hiện test nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm dịch và được lưu trú trong vòng 24h; nếu có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính thì được lưu trú trong vòng 72h. Cam kết thực hiện 5K và thực hiện ra khỏi địa bàn tỉnh Yên Bái đúng thời gian trong giấy cam kết).

Áp dụng các biện pháp cách ly y tế đối với những người đến và trở về Yên Bái, từ các vùng có ca bệnh tại cộng đồng theo Bảng màu (như hình dưới).

bang.jpg

MÀU ĐỎ: Cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định;

MÀU VÀNG: Cách ly tại nhà, lấy mẫu theo quy định;

MÀU XANH: Theo dõi sức khỏe, khai báo y tế

MÀU TRẮNG:Tự theo dõi sức khỏe.

Nhưng ấn tượng hơn là dưới thông báo có phụ lục danh sách ổ dịch đi kèm với chi tiết màu sắc cụ thể đến cấp độ từng... phường (xem tại đây).

Bản thống kê này là của Tổ thông tin – Sở Y tế Yên Bái. Có thể họ dựa theo nguồn từ Bộ Y tế kết hợp với những thống kê tính toán để cho ra bản danh sách vô cùng chi tiết. Công việc này không quá phức tạp nhưng lại rất hiệu quả. Nhìn vào danh sách này thì một vị trưởng thôn, một anh dân phòng cũng có thể quy chiếu và ứng xử với những người mới tới địa phương. Đồng thời, người từ địa phương khác có thể xem để quyết định có tới Yên Bái hay không. Thông tin minh bạch, tiện đủ đường.

Nguồn lực của TP.HCM không thiếu để thu thập, tổng kết và tuyên truyền thông tin về số ca trên địa bàn. Sẽ rất thuận tiện cho người dân nếu có thể dễ dàng tìm kiếm được thông tin về tình hình lây nhiễm ở không chỉ cấp quận huyện mà ở cả cấp phường xã.

Nếu biết tận dụng các nguồn lực, cộng với các ứng dụng thông tin khoa học, TP.HCM hoàn toàn có thể báo cáo nhanh rõ ràng về các vùng ổ dịch trong địa bàn theo kiểu Yên Bái đang cập nhật. Khi đó, sẽ rất hữu ích cho người dân để họ hạn chế qua lại giữa các vùng nhiều ca nhiễm. Điều đó sẽ góp phần thêm trong hiệu quả phòng chống dịch.

Xét rộng ra thì các tỉnh thành nên ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin sẵn có để minh bạch và cụ thể thông tin hướng dẫn như cách Yên Bái đang làm. Điều đó không chỉ giúp hiệu quả trong phòng chống dịch mà còn thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa những vùng xanh, đảm bảo cho hoạt động kinh tế như tinh thần “thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Anh Tú