Thủ tướng Israel tiêm liều thứ 3 vắc xin Pfizer cùng người trên 40 tuổi, Anh có thể hoãn tiêm tăng cường

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:01, 20/08/2021

Thủ tướng Naftali Bennett (49 tuổi) cho biết dự định tiêm liều vắc xin Pfizer thứ ba sớm nhất vào sáng 20.8.

Các nhà khoa học đặt câu hỏi về việc tiêm vắc xin tăng cường của Mỹ

Mỹ đã quyết định tiêm mũi vắc xin tăng cường cho toàn bộ người dân trong bối cảnh còn rất nhiều người trên thế giới chưa được tiêm chủng.

Các quan chức Mỹ trích dẫn dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin Pfizer và Moderna chống lại các ca mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình đang giảm dần sau 6 tháng khi được tiêm chủng. Do vậy, chiến dịch tiêm mũi vắc xin tăng cường sẽ được triển khai rộng rãi cho người dân Mỹ bắt đầu từ ngày 20.9.

Cụ thể hơn, những người đã hoàn thành việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin cách đây ít nhất 8 tháng sẽ được tiêm liều tăng cường.

“Dữ liệu gần đây cho thấy rõ ràng rằng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nhẹ và trung bình của vắc xin đã giảm dần theo thời gian. Điều này có thể do cả khả năng miễn dịch suy yếu và sức mạnh của biến thể Delta đã lan rộng. Chúng tôi lo ngại rằng sự suy giảm này sẽ tiếp tục giảm những tháng tới, có thể dẫn đến giảm khả năng chống lại các ca bệnh nặng phải nhập viện và các ca tử vong”, Tổng Y sĩ Mỹ - Tướng Vivek Murthy nói.

anh-chup-man-hinh-2021-08-20-luc-08.57.24.png
Một phụ nữ lớn tuổi được tiêm mũi vắc xin Pfizer tăng cường tại Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu về nhiễm COVID-19 đột phá ở những người được tiêm vắc xin, người Mỹ lớn tuổi cho đến nay là đối tượng dễ bị bệnh nặng nhất.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tính đến ngày 9.8, gần 74% trong số 8.054 người được tiêm chủng phải nhập viện vì COVID-19 nằm ở độ tuổi trên 65. Gần 20% trong những trường hợp đó đã tử vong.

Dữ liệu hiện có về khả năng bảo vệ của vắc xin không cho thấy nguy cơ mắc bệnh ở những người trẻ hơn, khỏe mạnh hơn như thế nào.

“Chúng tôi không biết liệu điều đó có trở thành vấn đề khi vắc xin đang thực hiện điều quan trọng nhất, đó là bảo vệ chống lại các ca bệnh nặng và tử vong hay không”, Tiến sĩ Jesse Goodman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Georgetown ở Washington và  từng làm tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho biết.

Một số quốc gia đã quyết định tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Các quan chức Liên minh châu Âu nói hôm 18.8 rằng họ chưa thấy cần thiết phải tiêm nhắc lại cho người dân nói chung.

Các chuyên gia khác nói kế hoạch của Mỹ đòi hỏi phải có sự kiểm tra kỹ lưỡng từ FDA và một nhóm cố vấn bên ngoài cho CDC. CDC cho biết hôm 19.8 rằng một cuộc họp của những cố vấn sẽ diễn ra để thảo luận về việc tiêm mũi vắc xin tăng cường dự kiến vào ngày 24.8 đang được lên lịch lại.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, cơ quan giám sát CDC và FDA, chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về việc này.

Một số chuyên gia đặt câu hỏi về việc triển khai mũi vắc xin tăng cường khi khoảng 30% người Mỹ đủ điều kiện vẫn chưa được tiêm mũi vắc xin nào trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 mới và tử vong đang gia tăng trên toàn nước Mỹ.

Tiến sĩ Dan McQuillen, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Burlington và là Chủ tịch sắp tới của Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho biết: “Tôi nghĩ điều quan trọng ở thời điểm này là phải đảm bảo được việc tất cả mọi người đều được tiêm vắc xin nhanh nhất có thể”.

Tất cả các chuyên gia được Reuters phỏng vấn cũng nhấn mạnh cần tiêm vắc xin cho những người chưa được tiêm chủng trên toàn thế giới.

“Bạn có thể rơi vào tình huống luẩn quẩn khi ngày càng có nhiều mũi vắc xin tăng cường được triển khai tại Mỹ và Tây Âu trong khi các biến chủng nguy hiểm đến từ những nơi khác trên thế giới. Trên thực tế, bạn nên tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới để tránh các biến chủng mới xuất hiện”, Tiến sĩ Issac Weisfuse, nhà dịch tễ học và trợ giảng tại Đại học Cornell (Mỹ), chia sẻ.

Thủ tướng Naftali Bennett tiêm vắc xin liều 3 cùng những người
Israel trên 40 tuổi

Bộ trưởng Y tế Israel cho biết người nước này trên 40 tuổi và giáo viên đủ điều kiện tiêm liều thứ ba của vắc xin Pfizer - BioNTech, hy vọng việc mở rộng chiến dịch tăng cường sẽ chống lại biến thể Delta.

Việc mở rộng khả năng đủ điều kiện tiêm vắc xin tăng cường, theo khuyến nghị của các chuyên gia Bộ Y tế Israel, diễn ra một ngày sau khi Mỹ công bố kế hoạch cung cấp liều tăng cường cho tất cả người Mỹ, trích dẫn dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ đang giảm dần.

Israel bắt đầu tiêm liều thứ ba cho những người trên 60 tuổi vào tháng 7, sau đó giảm độ tuổi tối thiểu đủ điều kiện xuống 50 và cung cấp thuốc tăng cường cho các nhân viên y tế cùng những người khác. Bộ Y tế Israel viện dẫn khả năng miễn dịch suy giảm cũng như khả năng lây nhiễm cao của biến thể Delta.

Hơn 1 triệu trong số 9,3 triệu dân Israel đã được tiêm mũi thứ ba, mà một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Israel cho biết có hiệu quả 86% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng cho người trên 60 tuổi. Xem chi tiết tại đây.

Bộ trưởng Y tế Israel - Nitzan Horowitz cho biết trên Twitter rằng "giờ đây, ngay cả những người từ 40 tuổi trở lên và các giáo viên đều có thể tiêm liều vắc xin thứ ba". Thủ tướng Naftali Bennett (49 tuổi) cho biết dự định tiêm liều thứ ba sớm nhất vào sáng 20.8.

thu-tuong-israel-tiem-lieu-vac-xin-thu-3.jpg
Thủ tướng Naftali Bennett 

Ban cố vấn chuyên môn của Bộ Y tế Israel nói liều thứ ba sẽ chỉ được tiêm cho những người đã tiêm mũi thứ hai cách đây ít nhất 5 tháng. Họ cũng khuyến cáo sử dụng liều thứ ba cho phụ nữ mang thai.

Các ca mắc COVID-19 mới ở Israel đã tăng lên kể từ khi xuất hiện biến thể Delta. Thủ tướng Naftali Bennett đã tìm cách tránh tình trạng phong tỏa quốc gia gây thiệt hại về kinh tế bằng cách tiêm liều thứ ba.

Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức lo ngại rằng các ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục gia tăng do khoảng 1 triệu người Israel đủ điều kiện chưa tiêm dù chỉ một liều vắc xin.

Các ca bệnh nặng cũng tiếp tục gia tăng, chủ yếu là ở những người chưa được tiêm chủng và người cao tuổi, với tỷ lệ thấp hơn nhiều ở những người 40 - 50 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ (vốn bắt đầu tiêm mũi đầu tiên vào tháng 1).

Pfizer cho biết hiệu quả của vắc xin của họ giảm theo thời gian và liều thứ ba cho thấy kháng thể trung hòa cao hơn đáng kể chống lại vi rút SARS-CoV-2 ban đầu cũng như biến thể Beta và Delta.

Các nghiên cứu ở Mỹ và Israel đã chỉ ra rằng mặc dù vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng, nhưng hiệu quả chống lại nhiễm trùng sẽ giảm khi biến thể Delta lây lan.

Thế nhưng không có sự đồng thuận giữa các nhà khoa học và các cơ quan rằng liều thứ ba là cần thiết.

Tổ chức Y tế Thế giới nói dữ liệu hiện tại không cho thấy nhu cầu về vắc xin tăng cường, lập luận rằng những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới nên được tiêm chủng 2 liều trước khi các nước giàu triển khai tiêm liều ba.

Việc tiêm vắc xin tăng cường cho tất cả người trên 50 tuổi ở Anh có thể bị hoãn lại

Việc triển khai mũi vắc xin thứ ba ở Anh cho người dân trên 50 tuổi vào mùa thu năm nay có thể bị hoãn lại khi các nhà khoa học của chính phủ xem xét rằng mũi này chỉ dành cho những người dễ bị tổn thương nhất, Telegraph đưa tin hôm 19.8.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã lên kế hoạch triển khai một chương trình tiêm vắc xin tăng cường từ tháng 9 tới, dựa trên lời khuyên tạm thời từ Uỷ ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI). Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận đã nói với The Telegraph rằng có rất ít bằng chứng để triển khai tiêm vắc xin tăng cường cho nhóm người trên 50 tuổi và chỉ nên tập trung vào người dễ bị tổn thương.

“Bất kỳ chương trình tiêm vắc xin tăng cường nào sẽ phải dựa trên lời khuyên cuối cùng của JCVI. Cho đến khi chúng tôi nhận được lời khuyên độc lập của JCVI, không có quyết định nào có thể được đưa ra về các yêu cầu mở rộng hơn với những người tiêm vắc xin tăng cường”, một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói.

anh-chup-man-hinh-2021-08-20-luc-09.22.49.png
Nhân  viên  y  tế đang chuẩn bị tiêm vắc xin cho người dân tại Anh - Ảnh: Reuters

Hồi đầu tháng này, ông Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm vắc xin Oxford thuộc Đại học Oxford (Anh), cho biết nước Anh hiện không cần tiêm vắc xin tăng cường và nhấn mạnh nên đẩy mạnh việc tiêm chủng ở những nước khác.

Anh đã lên kế hoạch cho một chương trình tăng cường vắc xin COVID-19 và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết ông dự kiến ​​chương trình sẽ bắt đầu vào đầu tháng 9, trong khi chờ các quan chức đưa ra lời khuyên cuối cùng.

Tổng cộng 47,41 triệu người trong cả nước Anh đã nhận được liều đầu tiên của vắc xin cho đến ngày 17.8 và 40,99 triệu người đã được tiêm liều thứ hai.

Đan Thuỳ