‘Không cần tiêm nhắc lại hằng năm vì bạn có kháng thể cực cao sau liều vắc xin COVID-19 thứ 4’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:48, 28/09/2021
Sanofi đang từ bỏ kế hoạch phát triển vắc xin COVID-19 dựa trên mRNA vì sự thống trị của Pfizer - BioNTech và Moderna trong việc sử dụng công nghệ này phòng chống COVID-19, công ty Pháp cho biết hôm 28.9.
Động thái này nhấn mạnh những thách thức trong việc cạnh tranh, đặc biệt là với BioNTech, công ty tiên phong đã vươn lên từ sự mờ mịt thông qua liên minh với hãng dược phẩm lớn Pfizer vào năm ngoái. Đến nay Pfizer đã phân phối gần 1,5 tỉ liều để trở thành nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn nhất thế giới phương Tây.
Thay vào đó, tập đoàn chăm sóc sức khỏe Sanofi (Pháp) sẽ tập trung vào nỗ lực cùng đối tác GlaxoSmithKline (Anh) để đưa một ứng cử viên vắc xin COVID-19 khác ra thị trường dựa trên protein thông thường hơn, nơi các thử nghiệm hàng loạt đang diễn ra.
Quyết định từ bỏ phát triển lâm sàng của vắc xin COVID-19 dựa trên mRNA (Sanofi hợp tác cùng Translate Bio) được đưa ra mặc dù kết quả tạm thời của nghiên cứu Giai đoạn I / II tích cực xuất hiện hôm 28.9, trong đó kết quả xét nghiệm máu của những người tham gia cho thấy đáp ứng miễn dịch.
Thế nhưng, Sanofi cho biết kết quả này chỉ khuyến khích họ theo đuổi công nghệ mRNA như một loại vắc xin tiềm năng ngừa cúm và các bệnh khác, từ bỏ lĩnh vực COVID-19 vì sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường của vắc xin mRNA Pfizer/Moderna đã được phê duyệt.
Thomas Triomphe, người đứng đầu bộ phận vắc xin Sanofi Pasteur, nói với các nhà báo: “Kết quả cực kỳ quan trọng vì cho chúng tôi thấy rằng nền tảng mà chúng tôi mua lại hoạt động hiệu quả”. Ông nói rằng việc khởi động các thử nghiệm cuối cùng của Giai đoạn III giờ không có ý nghĩa gì.
Thomas Triomphe cũng bác bỏ viễn cảnh tiêm vắc xin nhắc lại hằng năm, vốn được các nhà nghiên cứu và giám đốc điều hành hãng dược tranh luận gay gắt, với kết quả thử nghiệm rõ ràng về nhu cầu sử dụng liều tăng cường mỗi năm vẫn còn tiếp diễn.
Thomas Triomphe nói rằng với bằng chứng về các kháng thể chống lại vi rút tăng lên sau lần tiêm thứ ba thì việc tiêm vắc xin nhắc lại hàng năm không còn là câu hỏi.
“Với liều thứ tư, bạn sẽ có lượng kháng thể cực cao và hoàn toàn không cần tiêm vắc xin COVID-19 hàng năm”, ông cho biết thêm.
Hôm 26.9, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla nói với ABC News rằng ông tin dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ khiến con người phải tiêm vắc xin hằng năm để phòng ngừa các biến thể mới xuất hiện trên khắp thế giới.
“Vì vi rút lây lan khắp thế giới và sẽ xuất hiện nhiều biến thể mới nên tôi nghĩ kịch bản có thể xảy ra nhất là tiêm vắc xin hàng năm cho mọi người. Thế nhưng hiện nay, chúng tôi chưa chắc về điều này và cần phải xem xét thêm dữ liệu”, ông Bourla nói.
Thomas Triomphe dự đoán, vào tháng 5 hoặc tháng 6.2022, khoảng 24 tỉ liều vắc xin COVID-19 do các nhà sản xuất khác nhau tạo ra sẽ được giao.
Ion-Marc Valahu, nhà quản lý quỹ tại công ty đầu tư Clairinvest (trụ sở Geneva, Thụy Sĩ), cho biết: “Quyết định chấm dứt mRNA có vẻ được hiểu là tích cực vì họ sẽ tiết kiệm chi phí phát triển và tập trung vào các sản phẩm, dự án khác”.
Thế nhưng, tiến độ tương đối chậm chạp của Sanofi trong việc phát triển vắc xin COVID-19, dự án chung với GlaxoSmithKline đã bị trì hoãn vào cuối năm ngoái, là đòn giáng mạnh vào uy tín của hãng và bị một số chính trị gia Pháp chỉ trích.
Sanofi cho biết đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin mRNA ngừa bệnh cúm theo mùa ở người vào tháng 6 và sẽ khởi động các nghiên cứu lâm sàng tiếp theo vào năm tới.
Cạnh tranh vắc xin phòng cúm
Việc phát triển vắc xin ngừa cúm công nghệ mRNA là cuộc đua khắc nghiệt vì các nhà sản xuất thuốc có thể phải nhanh chóng điều chỉnh vắc xin phù hợp với các chủng luôn thay đổi đang lưu hành.
Tuần này, Pfizer cho biết đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin cúm dựa trên công nghệ mRNA. Moderna có một số ứng cử viên vắc xin cúm đang được phát triển, bao gồm cả kết hợp với liều chủng ngừa COVID-19 tăng cường.
Nhà cung cấp vắc xin cúm Seqirus (công ty con của CSL ở Úc) đang nghiên cứu các mũi tiêm phòng cúm RNA liều thấp thế hệ tiếp theo, được gọi là saRNA (RNA tự khuếch đại). Xem chi tiết tại đây.
Các công ty, bao gồm cả Novavax, cũng đang nghiên cứu các phương pháp tiêm phòng cúm khác sử dụng công nghệ mới ngoài mRNA.
Sanofi đã báo cáo doanh thu 2,5 tỉ euro (2,9 tỉ USD) từ vắc xin cúm vào năm 2020, là mảng kinh doanh vắc xin lớn nhất của hãng, đạt tổng doanh thu là 5,9 tỉ euro.
Vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA đánh lừa cơ thể người sản xuất các protein được gọi là kháng nguyên được tìm thấy trên bề mặt của coronavirus gây bệnh. Điều đó giúp hệ thống miễn dịch dập tắt các bệnh nhiễm trùng trong tương lai.
Theo cách tiếp cận vắc xin COVID-19 dựa trên protein truyền thống hơn mà Sanofi hiện sẽ tập trung vào, kháng nguyên được kỹ thuật sinh học trong phòng thí nghiệm và kết hợp với một thành phần tăng hiệu quả được gọi là chất bổ trợ, do GlaxoSmithKline cung cấp.
Triomphe cho biết Liên minh châu Âu và Anh đã đặt hàng 75 triệu liều vắc xin COVID-19 này, dựa trên sự chấp thuận của cơ quan quản lý trong tương lai.
Vào đầu tháng 9, công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức) thừa nhận sự thống trị của các đối thủ khi hủy bỏ một số hợp đồng sản xuất vắc xin COVID-19 mRNA thử nghiệm với hai đối tác tiềm năng.
Vắc xin COVID-19 của CureVac đang được cơ quan quản lý thuốc của Liên minh Châu Âu xem xét, với kết quả không chắc chắn sau kết quả thử nghiệm đáng thất vọng.