Nhân viên y tế cầm xà beng cạy cửa, giết chó của cô gái cách ly khiến mạng xã hội Trung Quốc sôi sục

Thế giới gia đình - Ngày đăng : 20:55, 15/11/2021

Các nhà chức trách cho biết nhân viên y tế giết chó đã bị sa thải vì phản ứng thái quá, khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược Zero COVID-19.

Việc giết chết một chó cưng có chủ đang bị cách ly gây nên làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc và đặt ra câu hỏi về các biện pháp mà các cơ quan y tế đang áp dụng để đối phó với đợt bùng phát dịch Delta.

Hôm 12.11, người dân ở thị trấn Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đăng lên Weibo cáo buộc nhân viên y tế đánh chết chó cưng trong căn hộ của cô. Thời điểm đó, cô đang cách ly trong một khách sạn không cho động vật vào.

Theo nội dung video trích từ camera an ninh căn hộ của cô được đăng trực tuyến, một trong hai người mặc đồ bảo hộ cá nhân đang đánh con chó bằng thứ trông giống như cây xà beng.

Các nhà chức trách Thượng Nhiêu đưa ra xin lỗi vào tối 13.11 vì không liên lạc với chủ nhân của con chó và cho biết nhân viên y tế được đề cập đã bị sa thải.

Thông báo cho biết những người trong khu vực cách ly được yêu cầu mở cửa căn hộ để kiểm dịch nhưng cửa cô ấy bị khóa. Với sự hỗ trợ của cảnh sát, các nhân viên y tế đã tiếp cận căn hộ của cô và phát hiện ra con chó.

Hashtag liên quan đến bài đăng về con chó bị giết của cô gái được xem khoảng 210 triệu lần. Nhiều người bày tỏ bức xúc trước hành động của nhân viên y tế, thắc mắc họ có làm theo lệnh từ cấp trên không và cũng chỉ trích việc kiểm duyệt các bài đăng trực tuyến về vụ việc.

Nếu không có chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, ai dám cạy cửa, giết chó?”, một người thắc mắc.

nhan-vien-y-te-trung-quoc-cam-xa-beng-cay-cua-giet-cho-cua-co-gai-cach-ly.jpg
Nhân viên y tế gây phẫn nộ vì cầm xà beng cạy cửa, giết chó của cô gái cách ly

Sự việc này xảy ra sau một trường hợp tương tự vào đầu tháng 11.2021 ở thành phố Thành Đô khi những con mèo của cư dân phải đi cách ly bị giết. Các con mèo này không được xét nghiệm COVID-19.

Sau đó, An Xiang, Giám đốc một công ty luật ở Bắc Kinh, viết trên Weibo rằng khoa học xung quanh việc vật nuôi lây nhiễm COVID-19 vẫn chưa được kết luận rõ ràng. “Không nên thực hiện các biện pháp khẩn cấp như săn bắt và giết hại vật nuôi… Đơn vị liên quan không có bằng chứng để chứng minh rằng những vật nuôi này đã bị nhiễm vi rút”, ông viết.

Vào tháng 9, các quan chức thành phố Cáp Nhĩ Tân bị cáo buộc phản ứng thái quá khi giết ba con mèo có kết quả dương tính với COVID-19 trong khi chủ của chúng đang nằm viện.

Tờ South China Morning Post đưa tin, các vụ việc đã gây ra làn sóng lo sợ cho những người nuôi thú cưng và sự bối rối với chính quyền địa phương về luật pháp cùng các quy trình chính thức.

Các phương tiện truyền thông địa phương trước đó đã ghi nhận các biện pháp để chăm sóc những con vật trong khi chủ sở hữu cách ly. Khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược Zero COVID-19 và chiến đấu với sự bùng phát biến thể Delta, tiêu chí để người dân bị cách ly đã được mở rộng.

Chưa có nghiên cứu nào kết luận về nguy cơ lây truyền COVID-19 từ vật nuôi sang chủ của chúng. Lời khuyên từ các trung tâm kiểm soát dịch bệnh từ quốc gia khác nhau với bệnh nhân COVID-19 là nên cách ly động vật với người.

Vào tháng 7.2021, BBC đưa tin một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Utrecht (Hà Lan) cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 lên tới 18% ở động vật thuộc về F0, nhưng con đường lây truyền nhiều khả năng là từ người sang động vật. Chưa có trường hợp vật nuôi nào lây nhiễm COVID-19 cho chủ nhân được ghi nhận.

Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất do biến thể Delta có khả năng lây truyền cao gây ra, với một số khu vực hạn chế người dân từ thành phố Đại Liên nhập cảnh.
Đại Liên là thành phố có các ca lây nhiễm COVID-19 tăng nhanh hơn các nơi khác trong cả nước tuần qua.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức, tổng cộng 1.308 ca COVID-19 có triệu chứng trong cộng đồng ở Trung Quốc được xác nhận từ ngày 17.10 đến ngày 14.11, vượt qua 1.280 trường hợp từ đợt bùng phát dịch Delta vào mùa hè.

Điều này đánh dấu đợt bùng phát dịch Delta lớn nhất ở Trung Quốc đến nay, đã ảnh hưởng đến 21 tỉnh, khu vực và thành phố trực thuộc trung ương. Dù nhỏ hơn nhiều đợt bùng phát dịch ở các nước khác nhưng các nhà chức trách Trung Quốc đang hoang mang và cố ngăn chặn sự lây truyền vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn không khoan nhượng của chính phủ. Xem chi tiết tại đây.

Sơn Vân