Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất do biến thể Delta có khả năng lây truyền cao gây ra, với một số khu vực hạn chế người dân từ thành phố Đại Liên nhập cảnh.

Hứng chịu đợt dịch Delta lớn chưa từng có, Trung Quốc báo cáo ca chết gần nhất do COVID-19 khi nào?

Sơn Vân | 15/11/2021, 13:10

Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất do biến thể Delta có khả năng lây truyền cao gây ra, với một số khu vực hạn chế người dân từ thành phố Đại Liên nhập cảnh.

Đại Liên là thành phố có các ca lây nhiễm COVID-19 tăng nhanh hơn các nơi khác trong cả nước tuần qua.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức, tổng cộng 1.308 ca COVID-19 có triệu chứng trong cộng đồng ở Trung Quốc được xác nhận từ ngày 17.10 đến ngày 14.11, vượt qua 1.280 trường hợp từ đợt bùng phát dịch Delta vào mùa hè.

Điều này đánh dấu đợt bùng phát dịch Delta lớn nhất ở Trung Quốc đến nay, đã ảnh hưởng đến 21 tỉnh, khu vực và thành phố trực thuộc trung ương. Dù nhỏ hơn nhiều đợt bùng phát dịch ở các nước khác nhưng các nhà chức trách Trung Quốc đang hoang mang và cố ngăn chặn sự lây truyền vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn không khoan nhượng của chính phủ.

Đến nay, Trung Quốc là nước hiếm hoi vẫn áp dụng chính sách Zero COVID-19 (đưa số ca COVID-19 về 0, quét sạch dịch bệnh trong cộng đồng).

Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn), chuyên gia về bệnh hô hấp giúp hình thành chiến lược COVID-19 của Trung Quốc vào đầu năm 2020, nói với truyền thông nhà nước rằng: “Chính sách này ở Trung Quốc sẽ duy trì trong một thời gian dài. Nó sẽ tồn tại bao lâu tùy thuộc vào tình hình kiểm soát vi rút SARS-COV-2 trên toàn thế giới”.

Ông Zhong Nanshan nói với hãng truyền thông nhà nước CGTN rằng tỷ lệ 2% tử vong do COVID-19 trên toàn cầu hiện nay, dù đã tiêm vắc xin, là không thể chấp nhận được ở Trung Quốc.

Zhong Nanshan nhấn mạnh: “Không khoan nhượng thực sự tốn rất nhiều chi phí, nhưng để vi rút lây lan thì chi phí cao hơn”.

Dù vậy, Guan Yi, nhà vi rút học hàng đầu Trung Quốc (tại Đại học Hồng Kông) vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ sụp đổ kinh tế nếu các quan chức địa phương tiếp tục tìm cách quét sạch cho bằng được mọi dấu vết COVID-19. Đây là sự chỉ trích mạnh mẽ nhất từ một trong các chuyên gia Trung Quốc với cách tiếp cận được gọi là Zero COVID-19. Xem chi tiết tại đây.

Hàng chục khu vực cấp tỉnh đã ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 trong vòng vài tuần qua, nhờ thực hiện nhanh chóng một loạt các biện pháp phức tạp, bao gồm truy vết liên lạc nghiêm ngặt, nhiều vòng xét nghiệm những người ở khu vực có nguy cơ, đóng cửa các địa điểm giải trí và văn hóa, hạn chế du lịch và giao thông công cộng.

Tuy nhiên, thành phố Đại Liên ở phía đông bắc Trung Quốc đang phải vật lộn với vi rút SARS-CoV-2, Wu Liangyou, một quan chức tại Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết trong cuộc họp báo hôm 13.11.

trung-quoc-hung-chiu-dot-bung-phat-dich-delta-lon-chua-tung-co.jpg
Nhiều người xếp hàng để được xét nghiệm axit nucleic tại một khu dân cư ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 10.11 - Ảnh: Reuters

Theo tính toán của Reuters, kể từ khi xuất hiện bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng tại địa phương đầu tiên từ đợt bùng phát dịch mới nhất vào ngày 4.11, thành phố Đại Liên với 7,5 triệu dân này đã phát hiện trung bình khoảng 24 ca bệnh mới trong cộng đồng mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác của Trung Quốc.

Một số thành phố gần Đại Liên, bao gồm Đan Đông, An Sơn và Thẩm Dương, cho biết những người đến từ Đại Liên phải bị cách ly tại các cơ sở tập trung trong 14 ngày trước khi có thể di chuyển tự do.

Tính đến ngày 14.11, Trung Quốc đã báo cáo 98.315 ca COVID-19 có triệu chứng, bao gồm lây truyền trong nước và nhập cảnh, với số người chết vẫn là 4.636.

Điểm đáng chú là lần cuối cùng Trung Quốc báo cáo có một người chết vì COVID-19 là ngày 15.1.2021, tức hơn 10 tháng trước.

Trước đó 2 ngày, tức ngày 13.1.2021, Trung Quốc cũng thông báo có 1 người chết do COVID-19.

Thông tin này khiến nhiều người trên thế giới nghi ngờ độ chân thật về báo cáo số ca COVID-19 lẫn người chết do căn bệnh này của Trung Quốc. Song song đó, một số người suy đoán Trung Quốc có bí quyết điều trị nào đó để ngăn bệnh nhân COVID-19 tử vong vì thành phố Vũ Hán từng là nơi bùng phát đại dịch đầu tiên hồi cuối năm 2019. Trong đó, Viện Vi rút học Vũ Hán bị nhiều chuyên gia trên thế giới nghi làm rò rỉ vi rút SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm. Thế nhưng, chính phủ Trung Quốc luôn bác bỏ giả thuyết này.

Bài liên quan
Jack Ma gặp ông Trump gây xôn xao chính phủ Trung Quốc và thư gửi ông Tập xin công hiến cho giáo dục nông thôn
Đây được cho là giờ phút tuyệt vời nhất của Jack Ma: Một năm trước, Tập đoàn Ant Group của ông chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong ánh hào quang trị giá 37 tỉ USD. Thế nhưng, Bắc Kinh đột ngột cắt đôi cánh của ngôi sao lớn nhất Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hứng chịu đợt dịch Delta lớn chưa từng có, Trung Quốc báo cáo ca chết gần nhất do COVID-19 khi nào?