Xã hội mải mê trúng giá đất, ai còn chịu sản xuất làm giàu?
Góc bình luận - Ngày đăng : 09:24, 06/02/2022
Một Thế Giới đã có bài viết với tiêu đề “Không dẹp loạn giá bất động sản, người dân sao dám sinh con?” đăng ngày 31.1.2021. Đồng cảm với tác giả bài viết nhưng tôi cho rằng nếu không “dẹp loạn” thì không chỉ “không dám sinh con” mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy khác của xã hội.
Câu chuyện giá nhà đất ở Việt Nam là một câu chuyện dài và hầu như chưa có hồi kết, chỉ có cái kết duy nhất đã nhìn thấy là giấc mơ về một căn nhà giá rẻ để an cư, lạc nghiệp của người dân, nhất là những người lao động nghèo đã ngày càng xa vời và có thể không bao giờ với tới.
Giá nhà đất ở Việt Nam so với các nước trên thế giới thế nào thì xin thưa, chỉ cần gõ google đã rất đầy đủ và không cần nói thêm ở đây. Câu hỏi đặt ra là vì sao giá nhà đất ở Việt Nam vẫn tăng chóng mặt và chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại. Cứ mỗi chu kỳ giá nhà đất lại lập một đỉnh mới và nếu có đứng thì cũng chỉ đứng tạm thời để lấy đà phi lên tiếp.
Chẳng nói đâu xa, năm 2021 cả nước lao đao vì dịch bệnh, hầu như tất cả mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng, thậm chí ngừng trệ nhưng giá nhà, giá đất vẫn tăng vù vù. Bất cứ nơi đâu, chỉ cần nghe phong phanh có quy hoạch dự án là lập tức người đến mua đất, đầu cơ đất đông như trẩy hội, mặc dù dự án mới chỉ trên giấy và quy hoạch cho vài chục năm sau.
Có dịp đi một số tỉnh, thấy những khu đất màu mỡ thuộc dạng bờ xôi, ruộng mật bỏ hoang, tiếc vô cùng. Hỏi ra mới biết đó là đất của một nhà đầu tư nào đó đã mua và để đó. Trong khi đó, những người dân xung quanh không một tấc đất cắm dùi và lại phải tha phương cầu thực đổ về các thành phố để kiếm sống. Những người có tiền mua đất bỏ không ấy đa phần là tiền họ có, vì vậy họ cũng không cần phải vội vàng gì cả, cũng chả phải lo bán để trả nợ ngân hàng và đám đất bỏ không ấy dăm bảy năm sau lại tăng giá gấp hàng chục lần.
Đó là một nghịch lý lớn nhất làm lãng phí vô cùng lớn tài nguyên đất đai, làm cho cách biệt giàu nghèo ngày càng khủng khiếp. Giá đất liên tục tăng cao, thậm chí đất ruộng, đất rẫy vì vậy nhiều người dân thậm chí không muốn đầu tư làm gì trên mảnh đất mình có và cứ xà xẻo bán dần để tiêu pha.
Ở khắp mọi nơi, từ khách sạn năm sao đến quán cà phê vỉa hè ở nơi hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng chỉ bàn về giá đất, bàn về đầu cơ đất, nói về ông này mới trúng mấy tỉ, ông kia mới trúng mấy chục tỉ mà tịnh hề không thấy bàn về việc sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi thế nào. Giá nhà đất tăng cao kéo theo người người đổ xô đi làm môi giới, nhà nhà đi làm môi giới, nghề môi giới bất động sản ăn nên làm ra trông thấy. Có người chuyên chú làm chuyên môn, chuyên chú cho công việc để mỗi tháng lĩnh lương dăm bảy triệu đồng. Có người chăm chỉ thu thập thông tin, viết từng bài báo để nhận năm ba trăm tiền nhuận bút.
Thế nhưng, nếu tranh thủ và chịu khó, tất nhiên phải có “khiếu” đi làm môi giới đất đai, mỗi lô đất chỉ cần bán với giá năm trăm triệu đồng thì người môi giới cũng đã được hưởng phần trăm hoa hồng hàng chục triệu đồng (người viết hoan nghênh và tôn trọng nghề môi giới đất đai, nó cao quý như tất cả mọi nghề nghiệp khác). Vậy nên, giá đất tăng cao không chỉ làm “người dân sợ sinh con” mà còn làm cho những trí thức, lao động bình thường trong xã hội cảm thấy mắc cỡ, tự ti bởi đem hệ quy chiếu của xã hội hôm nay thì không làm ra tiền là yếu kém.
Đây là những cơn sóng ngầm nguy hiểm càng về lâu dài càng gây ra những mối “bất hòa” âm ỷ trong lòng xã hội và dễ dẫn tới những khủng hoảng về mặt xã hội sau này nếu không kịp thời ngăn chặn.
Mấy năm trước, chúng tôi có đợt đi bồi dưỡng ngắn ngày ở Thái Lan. Khi tới tham quan ở Bangkok, ông Phó thị trưởng ở đây cho biết công chức Thái Lan đều được cấp nhà, tất nhiên là nhà giá bình dân. Ở nhiều nước trên thế giới đều có chính sách đánh thuế lũy tiến nhà đất, đánh thuế sở hữu bất động sản thứ 2, thậm chí đánh thuế tài sản rất cao.
Hỏi rằng liệu các cơ quan Nhà nước có “dẹp loạn” được hay không chắc không khó để trả lời. Thế giới làm sao thì chúng ta làm vậy, tại sao nhiều nước trên thế giới làm được còn chúng ta thì không? Chúng ta đã tổ chức quá nhiều các đoàn tham quan học hỏi thế giới về mọi mặt thì tại sao việc này chúng ta không làm ngay và luôn đi?