Giả sử một cặp vợ chồng cơ bản ở TP.HCM có ý định sinh thêm một đứa con vào năm tới thì họ phải rụt rè khi biết: Giá bất động sản vùng ven TP.HCM vượt mốc 50 triệu đồng/m2 đất nền.
Trong những ngày cuối năm Tân Sửu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 157/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Trưởng Ban Chỉ đạo.
Đây là động thái rất cấp thiết của chính phủ trước thềm năm Hổ vì Dân số chính là nguồn lực quan trọng, là trụ cột của nền kinh tế đất nước. Trong hai thâp kỷ qua, Việt Nam trở thành điểm hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài thì bên cạnh các chính sách ưu đãi của nhà nước thì phải kể đến lợi thế dân số vàng. Nhưng sau thời kỳ bùng nổ dân số vàng thì Việt Nam đang đối diện sớm trở thành nước có dân số già.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2017, dân số từ 65 tuổi của nước ta đã chiếm 7,15% tổng dân sốvà nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (2010) và Liên Hợp Quốc (2012), nước ta chỉ cần 20-21 năm để đưa tỷ lệ nói trên lên 14% và giai đoạn 2021-2037 được coi là thời gian quá độ để chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”.
Không những vậy, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh ở nước ta và nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng dân số mà nguyên nhân chính là mức sinh.
Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số của một quốc gia. Quá trình giảm sinh mạnh mẽ trong hơn 30 năm qua ở nước ta đã dẫn đến việc thay đổi rõ rệt cơ cấu các nhóm dân số theo độ tuổi. Trước hết, có thể thấy ngay là tỷ trọng số trẻ em trong dân số đã giảm nhanh. Tỷ trọng số trẻ em ở nước ta đã giảm từ 39,2% năm 1989, xuống 33,1% năm 1999; 24,5% năm 2009; và còn 24,3% năm 2019. Thước đo hiển thị trực quan nhất cho mức sinh là số con trung bình/phụ nữ (hay tỷ suất sinh) ở các năm đó lần lượt là 3,8; 2,3; 2,1; và 2,1 con.
Với tỷ suất sinh như nước ta hiện nay thì khá ổn nhưng trong tương lai để duy trì được điều này và cân bằng cơ cấu dân số là điều không dễ dàng. Chúng ta có thể thấy điều đó qua tấm gương từ các nước trong khu vực. Tỷ suất sinh của Nhật Bản trong 2020 là 1,3, Hàn Quốc 0,9, Trung Quốc và Thái Lan 1,5. Trung Quốc trước đây rất sợ bùng nổ dân số nên áp dụng chiến lược chỉ sinh 1 con và giờ bắt đầu “quay đầu xe” khi nhìn cơ cấu dân số.
Trung Quốc cũng đã để cho tỷ suất sinh ở mức thấp là 1,5 con/phụ nữ trong giai đoạn từ 2010 đến 2015. Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách cho phép các cặp vợ chồng được sinh 2 con, nhưng đến năm 2020, tỷ suất sinh vẫn dừng ở mức 1,5 con/phụ nữ. Tỷ trọng số người già ở Trung Quốc đã tăng từ 8 lên 13% trong giai đoạn từ 2010-2020. Chúng ta không thể để rơi vào tình cảnh dân số như Trung Quốc rồi mới bàn tính lại được.
Nhưng thực tế hiện nay thì người Việt Nam đang xuất hiện xu thế lười sinh con, đặc biệt ở thành phố. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Thống kê TP.HCM năm 2019, tổng tỉ suất sinh của TP.HCM là 1,39 con. Dự báo mức sinh của TP có thể tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới và tác động trực tiếp đến cơ cấu dân số của thành phố.
Một trong những vấn đề khiến người dân thành thị lười sinh là do giá đất đắt đỏ. Với tâm lý sinh con phải lo cho con một nơi an cư thì nhiều cặp vợ chồng sẽ thà chọn sinh 1 còn hơn sinh 2. Ngoài ra, các yếu tố tốn kém về tài chính và thời gian cũng là nguyên nhân khiến nhiều bậc cha mẹ lười sinh con mà muốn dành thời gian để hưởng thụ cuộc sống hơn.
Người giàu tích trữ được nhiều bất động sản nhưng không muốn sinh thêm để có thời gian hưởng thụ. Người nghèo khi nhận thức ra thế giới xung quanh cũng không muốn sinh nhiều mà thà dồn hết nguồn lực để đầu tư cho 1 đứa con mong nó thoát cảnh nghèo. Người nghèo sống trong các mái nhà chật chội cũng càng không thể sinh thêm vì sợ con mình tiếp tục cảnh nheo nhóc.
Giả sử một cặp vợ chồng cơ bản ở TP.HCM có ý định sinh thêm một đứa con vào năm tới mà không sợ đó là năm Dần nhưng có một thông tin khác khiến họ phải rụt rè không biết khi nào sinh nữa: Giá đất nền vùng ven TP.HCM vượt mốc 50 triệu đồng/m2. Nhẩm tính sau này muốn cho con một mái nhà vùng ven với 40 mét vuông thì phải chuẩn bị 2 tỉ tiền đất (không tính trượt giá). Thôi quay xe, bỏ ra 20.000 đi mua cái bao về đeo cho đỡ sợ.
Điều đáng sợ không chỉ có vậy. Tâm lý, trào lưu lối sống đô thị sẽ sớm tràn về các miền quê khi công nghệ thông tin phát triển khiến cho thế giới trở nên phẳng. Và trong lúc này, giá đất khắp nơi đều được thổi vù vù, từ vùng ven đến vùng núi, từ miền ngược đến miền xuôi. Giá đất lên cao thì người dân ngại sinh, lười đẻ là điều có thể nhìn thấy trước.
Trung Quốc như đề cập trên đang nỗ lực tăng tỷ suất sinh và họ nhận ra rằng chênh lệch giàu nghèo càng lớn, thị trường bất động sản càng bị lũng đoạn thì người dân càng lười sinh con. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc tin rằng có quá nhiều sự đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, mà theo họ đã đẩy giá nhà ở lên cao, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và kìm hãm nhu cầu của xã hội. "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ", ông Tập Cận Bình đã nói vào năm 2017, gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự bất bình của ông đối với lĩnh vực này. Có vẻ trong 2021, Trung Quốc đã mạnh tay để dẹp loạn trong đế chế bất động sản đầy nghịch lý. Đó cũng gần như con đường duy nhất để Trung Quốc thúc đẩy tỷ suất sinh thay vì những lời hô hào suông.