Chuyển đổi số du lịch nghỉ dưỡng: Cần bước đột phá từ chính sách cấp visa

Du lịch - Ngày đăng : 20:04, 12/04/2022

Việc Bộ VHTT-DL đồng ý cho ngành du lịch mở cửa trong bối cảnh bình thường mới đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành này.

Trong bối cảnh ngành du lịch phải phát triển mà không phải tiếp xúc một cách trực tiếp với nhau thì việc sử dụng các hệ thống số hóa hay chuyển đổi số trở thành việc quen thuộc đối với các khách hàng. Đặc biệt xu hướng phát triển du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng trở thành xu hướng cũng như nhu cầu tăng cao của các gia đình phát triển.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già. Một trong những thách thức mà xu hướng già hóa dân số đặt ra là vấn đề an sinh cho người cao tuổi.

z3303991902803_e1930ed4c57336db4790dad333bab4ba.jpg
Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe là nhu cầu cần thiết của ngành du lịch 

Tại hội thảo trực tuyến "Mở cửa trở lại hoạt động du lịch tại Việt Nam" ngày 23.3, các chuyên gia đều nhấn mạnh chuyển đổi số trong du lịch là điều tất yếu, vì vai trò của dữ liệu trong ngành du lịch đang đặc biệt quan trọng. TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Du lịch nhấn mạnh việc cần phải đẩy mạnh tiến trình số hóa trong ngành du lịch Việt Nam, từ đó đẩy mạnh truyền thông và quảng bá du lịch, tận dụng cơ hội mở cửa du lịch. Đặc biệt là đối với du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe mà nhiều nước hiện nay vẫn đang áp dụng, có lượng khách không hề nhỏ.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia y tế cho biết việc người cao tuổi, người có bệnh hay cần phục hồi chức năng, việc du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe là rất tốt. Việc phát triển hình thức du lịch nghỉ dưỡng cho người cao tuổi không chỉ giúp du khách đỡ bệnh tật mà còn giúp giảm nguy cơ trầm cảm, cải thiện tâm trạng, làm quen được với môi trường an toàn, lành mạnh. Trên thực tế, ở các quốc gia người dân có tuổi thọ cao như Nhật Bản, Monaco, Pháp, Singapore, Thụy Sĩ…, ngoài việc được sinh hoạt trong môi trường tốt, có chế độ ăn uống hợp lý thì du lịch là một trong những nguyên nhân giúp họ sống thọ hơn. Bởi vậy có thể thấy rằng, người cao tuổi nên dành cho mình cơ hội để tận hưởng tuổi già bằng những chuyến đi giúp nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe.

Theo khảo sát của Tổng cục du lịch, hiện nay thị trường đến năm 2038, trên 1/5 dân số Việt Nam là người cao tuổi (từ 60 trở lên) với tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên đến năm 2018, nước ta mới chỉ có khoảng 102 cơ sở tổng hợp có phân khu chăm sóc người cao tuổi, trong đó có 32 cơ sở chuyên biệt chăm sóc người già trên cả nước. Đa số các cơ sở này chỉ đáp ứng tối thiểu dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi, chưa xứng tầm với yêu cầu ngày càng cao của người dân. Do vậy, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe ở các khu nghỉ dưỡng cấp thiết hơn bao giờ hết.

z3303991627855_91d447d3f7f37795bc543cf4de0ececa.jpg
Xu hướng lựa chọn khách sạn hạng sang để nghỉ dưỡng của du khách tăng cao

Cần sự thay đổi chính sách cấp visa đột phá cho dòng khách nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe

Hiện nay, khi ngành du lịch phát triển thì việc chẩn đoán về sức khỏe con người để tham gia vào du lịch càng được chú trọng. Trong đó đáng chú ý nhất là các du khách quốc tế. Bởi lẽ, với thời lượng visa ngắn ngủi mà khách hàng được cấp, nếu kết hợp với nghỉ dưỡng có thể sẽ vừa đủ nhưng kết hợp để chăm sóc sức khỏe thì lại khá ít về thời gian. 

Đưa ra ý kiến của mình, ông Phạm Hà - CEO của Lux Group cho biết Việt Nam cần thay đổi chính sách visa một cách đột phá nhất. "Việt Nam cần chính sách visa du lịch 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm để thu hút du khách hưu trí muốn an nhàn nghỉ ngơi tại Việt Nam. Tương lai, có thể miễn đơn phương tất cả những ai muốn đến thăm Việt Nam. Chính sách visa cho khách du lịch thể hiện sự coi trọng kinh tế du lịch và du khách. Chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón và muốn đến quốc gia đó. Tôi mong muốn chính sách visa của Việt Nam thân thiện và thông thoáng hơn như miễn visa 30 ngày vào ra nhiều lần cho các nước Tây Âu, mở rộng các nước được miễn visa tới các thị trường mục tiêu như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand…, đơn phương miễn cho khách lưu trú 6 tháng đến 1 năm để họ chi tiêu nhiều hơn, ở dài hơn”, ông Hà chia sẻ.

pham-ha.jpg
Ông Phạm Hà cho biết Việt Nam cần có những chính sách visa đột phá

Sau hơn 2 năm gần như “đóng băng”, du lịch Việt Nam được kỳ vọng bước vào giai đoạn phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu thì hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. Ngoài việc áp dụng các chuyển đổi số cho ngành du lịch thì các đơn vị chức năng cũng cần phải đẩy mạnh những chính sách khác biệt để thuận tiện nhiều hơn cho các tệp khách hàng khác nhau.

Với ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch và quản lý điểm đến để phát triển du lịch một cách thông minh, Bộ VHTT-DL đã yêu cầu Tổng cục Du lịch phải đặt mình ở vị trí là một du khách, cung cấp cho họ thông qua hệ thống số và ứng dụng cho được. Điểm đến phải là sự lựa chọn của du khách trên cơ sở có sự tương tác với cơ quan quản lý và chính quyền, tạo thuận lợi nhất cho khách từ visa cho tới việc đặt phòng, đặt máy bay hay bất cứ dịch vụ thuận lợi khác.

Ngoài ra, hệ thống thông tin về du lịch - hệ thống cơ sở dữ liệu đầu vào của ngành du lịch phải được tổng hợp, xây dựng để tạo sự tương tác và tương thích với các tổ chức khác. Big data phải lớn để mọi người đưa vào sử dụng chung. Bộ còn giao Tổng cục Du lịch kêu gọi các doanh nghiệp cùng phát động, hưởng ứng, tạo ra một sự sáng tạo lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa trong du lịch, đây cũng là động lực thúc đẩy tiến trình số hóa về sức khỏe của du khách. Các nước trong khu vực và quốc tế cũng đang thu hút khách du lịch quốc tế, khách du lịch trong khu vực, vì vậy việc tăng visa, công nhận visa hay hộ chiếu vắc xin ở các nước lẫn nhau là việc cần thiết.

Chuyển đổi số du lịch: Cần đào tạo nhân sự chất lượng cao

Chuyển đổi số hòa nhịp cùng du lịch phát triển, hút khách hạng sang

Chuyển đổi số trong du lịch: Bước chạy đà quan trọng để tăng trưởng trở lại

Quảng bá du lịch Việt Nam gắn với di sản, văn hóa và chuyển đổi số

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung