Ngân hàng Nhà nước đang giám sát hoạt động M&A thế nào?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:45, 23/04/2022
Theo quy định hiện hành, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) là một trong những giải pháp tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích triển khai thực hiện. Vì vậy, những năm gần đây, hoạt động M&A diễn ra khá sôi động, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Như Một Thế Giới đã có bài viết Khối ngoại làm 'dậy sóng' các thương vụ M&A nghìn tỉ ngành ngân hàng, bức tranh M&A ngành ngân hàng Việt Nam đã được phác họa rất rõ nét qua các thương vụ nghìn tỉ.
Thị trường M&A Việt Nam đã chứng kiến những pha đổi chủ hay sang tay cổ phần, vốn cho nhà đầu tư ngoại. Điều này cho thấy, dư địa cho các hoạt động mua bán - sáp nhập ở nước ta còn rất lớn, các nhà đầu tư ngoại như: Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... vẫn đang rất quan tâm đến ngành tài chính ngân hàng của Việt Nam.
Tuy nhiên, để hoạt động này được diễn ra một cách bền vững, minh bạch và quy mô thì đòi hỏi sự dẫn dắt, điều hành một cách rõ ràng từ phía cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trên thực tế, việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại thông qua hình thức M&A có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác như: Tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực; số lượng ngân hàng yếu kém được giảm bớt...
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng cần phải xác định M&A chỉ là bước đầu của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng. Sau M&A, các ngân hàng thương mại cần phải triển khai một loạt các biện pháp thích hợp để tiếp tục cơ cấu toàn diện trên tất cả các mặt, bao gồm: tài chính, hoạt động, quản trị. Điều này có thể đảm bảo sau M&A, hoạt động của các ngân hàng được an toàn, ổn định, hiệu quả.
"Cho đến nay, tất cả các phương án M&A đều được Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ. Sau khi M&A, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm. Các ngân hàng yếu kém được tái cơ cấu theo các phương án M&A được phê duyệt đều có tình hình hoạt động khả quan hơn so với thời điểm trước M&A", vị này cho hay.
Về phương án quản lý các ngân hàng M&A thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất, trong đó tập trung vào các biện pháp củng cố, chấn chỉnh sau M&A như: nâng cao năng lực bộ máy quản trị, điều hành, đặc biệt là đội ngũ nhân sự cấp cao; cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ; xử lý nợ xấu và tăng vốn; cơ cấu lại hoạt động...
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định về đầu tư hoặc liên quan đến đầu tư như: Các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư ký kết với trên 50 nước; các hiệp định/chương đầu tư trong khuôn khổ FTA; các cam kết khác liên quan đến đầu tư như: Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định về dịch vụ trong WTO và các FTA, hiệp định thành lập tổ chức bảo đảm đầu tư đa phương, Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài...
Các hiệp định, cam kết của Việt Nam với các nước trên thế giới liên quan đến hoạt động M&A thể hiện dưới hình thức tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, hoặc được thể hiện dưới dạng cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài hiện diện thương mại, thâm nhập trong các ngành, lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, Việt Nam hiện chưa có văn bản hướng dẫn các quy trình M&A rõ ràng. Điều này gây khó khăn trong việc xác lập các giao dịch cũng như hậu quả pháp lý sau M&A. Ngoài ra, thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước với từng loại hình doanh nghiệp cũng khác nhau. Theo đó, cần có sự thống nhất từ cơ chế đến chính sách giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động M&A.