Thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng ở Việt Nam "dậy sóng" với hàng loạt thương vụ nghìn tỉ.

Khối ngoại làm 'dậy sóng' các thương vụ M&A nghìn tỉ ngành ngân hàng

Tuyết Nhung | 23/04/2022, 19:06

Thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng ở Việt Nam "dậy sóng" với hàng loạt thương vụ nghìn tỉ.

Loạt thương vụ "ngầm" dậy sóng

Ngành ngân hàng đã chứng kiến những pha đổi chủ tại một số ngân hàng, cũng như các thương vụ M&A, bán vốn cho nước ngoài. Còn nhớ cuối năm 2021, VPBank chính thức hoàn tất thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho đối tác SMBC (Nhật Bản), thu về gần 1,4 tỉ USD. Đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và cũng là thương vụ M&A lớn nhất của Việt Nam năm 2021.

thuong-vu-m-a.jpeg
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang đón nhận làn sóng tích cực

Vào giữa năm 2021, đã có những đồn đoán cho rằng SMBC thoái vốn khỏi Eximbank để trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank, đặc biệt sau khi đối tác Nhật Bản đã mua lại 49% vốn FECredit. Hiện tại, phía VPBank đang thực hiện các bước ban đầu để phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Theo đó, ngân hàng đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Sau đó 1 tháng, Ngân hàng MSB cho biết đã ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCom cho đối tác nước ngoài. Thương vụ dự kiến được ký kết cuối năm 2022, sẽ mang về cho ngân hàng này số tiền khoảng 2.000 tỉ đồng đồng lợi nhuận.

Một thương vụ khác cũng được giới tài chính lưu tâm là ngân hàng SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản). Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Giá trị thương vụ không được SHB tiết lộ, song theo đại diện của Krungsri chia sẻ trên một tờ báo của Nhật Bản, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỉ baht (tương đương khoảng 3.600 tỉ đồng) để mua lại SHB Finance.

Một thương vụ nổi bật khác như giao dịch mua lại 7,5% cổ phần tại Momo với trị giá 150 triệu USD của Ngân hàng Mizuho.

Năm 2022, các thương vụ được kỳ vọng chính là việc mua lại hai công ty tài chính FCCOM (của MSB) và Công ty Cổ phần Tài chính Cổ phần Handico (HAFIC). Lãnh đạo MSB cho biết hiện ngân hàng đã ký thỏa thuận với các đối tác. Dự kiến trong năm 2022, ngân hàng sẽ hoàn tất thương vụ này.

Mặc dù HAFIC bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 nhưng công ty này vẫn được rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước quan tâm như: TPBank, AFS (Nhật Bản), hay KB Kookmin Card (Hàn Quốc).

Nếu các thương vụ này thành công, M&A ngân hàng Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ “dậy sóng” với những thương vụ khác. Điều này dựa trên cơ sở khi nhiều ngân hàng khác của Việt Nam cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài như: Vietcombank, OCB, LienVietPostBank, Nam A Bank... Mặt khác, hiệp định EVFTA cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy các thương vụ M&A ngành ngân hàng vì các ngân hàng thương mại cổ phần như: HDBank, Sacombank... có thể nới trần sở hữu tối đa lên 49% cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Sóng M&A ngân hàng sẽ bùng nổ thời gian tới

Giới chuyên gia dự báo năm 2022 sẽ có hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại. Các thương vụ liên quan đến công nghệ và sáng tạo được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường M&A. Hoạt động sáp nhập và thoái vốn sẽ được ưa chuộng hơn khi các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý tài sản tìm cách tối ưu hóa chi phí, tăng trưởng doanh thu và nâng cao hiệu quả và lợi nhuận.

Theo báo cáo của PwC, một số xu hướng chính có tác động trực tiếp đến hoạt động M&A của ngành ngân hàng trong năm 2022 bao gồm: Chuyển đổi số và công nghệ, môi trường, xã hội và quản trị.

Trao đổi với PV Một Thế Giới về làn sóng M&A ngành ngân hàng năm 2022, chuyên gia kinh tế tài chính - TS Cấn Văn Lực cho rằng, nhu cầu bán vốn cổ phần để tăng vốn của các ngân hàng dường như đang là xu thế hiện nay, Nhà nước giảm dần tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh, cộng với việc kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng của khu vực… là những yếu tố sẽ khiến sóng M&A ngân hàng tiếp diễn trong thời gian tới.

Để hoạt động M&A diễn ra sôi động thời gian tới, vị chuyên gia này cho rằng Chính phủ cần xây dựng những quy định hướng dẫn chi tiết như một bộ khung kết nối giữa các văn bản pháp quy để điều chỉnh các phương diện liên quan đến quy trình thực hiện M&A: Các thủ tục, nguyên tắc, phương pháp định giá, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia; các tình huống xử lý tài chính, nhân lực và các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện các thương vụ M&A ngân hàng.

Về lâu dài, cần xây dựng hệ văn bản quy phạm pháp luật, quy định riêng cho hoạt động M&A. Các quy định này cần xem xét đến các nhân tố ảnh hưởng của các quy ước quốc tế trong hoạt động M&A.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chế tài buộc các bên tham gia M&A phải công bố các nguồn thông tin minh bạch, chính xác cho khách hàng và đối tác; các hình thức M&A bị cấm. Qua đó, hỗ trợ các bên đánh giá, phân tích chính xác khả năng tài chính và cơ hội hợp tác trong việc ra quyết định M&A.

Ngoài ra, cần xây dựng thị trường M&A chuyên nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng được hệ thống dữ liệu và công bố thông tin của các đối tượng thực hiện M&A nói chung, đồng thời quy định rõ các loại thông tin và hình thức công bố mà các ngân hàng thương mại có nghĩa vụ thực hiện.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang còn rất nhiều dư địa để phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại vì thị trường tiêu dùng tiềm năng, nền kinh tế có triển vọng. Thời gian tới, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... sẽ rất quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam". Song để nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn, TS Hiếu cho rằng Chính phủ cần có biện pháp đột phá trong nới room vốn ngoại.

Bài liên quan
'Sóng ngầm' M&A bất động sản với các thương vụ triệu đô
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) sau thời gian bị kìm nén do dịch bệnh, đang trở lại bùng nổ mạnh mẽ ở cả bên bán lẫn bên mua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khối ngoại làm 'dậy sóng' các thương vụ M&A nghìn tỉ ngành ngân hàng