Điều phương Tây lo sợ đã tới: Nước EU đầu tiên tuyên bố muốn “quay xe” mua khí đốt Nga
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:32, 23/08/2022
Bộ trưởng Năng lượng tạm thời của Bulgaria Rossen Hristov cho biết "không thể tránh khỏi" việc quốc gia Balkan sẽ thảo luận về việc nối lại việc cung cấp khí đốt với Gazprom của Nga sau khi chính phủ hứa đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho mùa đông.
Hristov không cho biết khi nào các cuộc đàm phán với công ty Nga sẽ bắt đầu, nhưng nói rằng chúng sẽ cần thiết để đảm bảo lượng khí đốt rẻ hơn cho đất nước.
Hristov nói với các phóng viên: “Trên thực tế, với nhu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức công đoàn, các cuộc đàm phán với Gazprom để đổi mới nguồn cung cấp là điều không thể tránh khỏi".
Hristov nói rằng mình không mong đợi những cuộc nói chuyện dễ dàng và nhanh chóng. Bộ trưởng Năng lượng tạm thời của Bulgaria nói với các phóng viên: "Tình hình (đàm phán) với Gazprom không khả quan chút nào... Chúng tôi rõ ràng sẽ phải quay đầu với họ. Các cuộc đàm phán sẽ khó khăn và rất khó khăn".
Quốc gia thuộc Liên minh châu Âu vốn được Nga đáp ứng 90% nhu cầu khí đốt với giá rẻ. Nhưng đến tháng 4, khi Gazprom cắt nguồn cung cấp cho Bulgaria do chính phủ thân phương Tây trước đó từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Đến tháng 6, chính quyền của Thủ tướng Kiril Petkov cũng sụp đổ nhưng chính quyền lâm thời lên thay vào 2.8 vẫn chưa giải quyết được hậu quả từ chính quyền trước.
Hàng trăm người Bulgaria đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chính phủ lâm thời do lo lắng rằng họ sẽ không tìm ra cách để nối lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga và một lần nữa gia tăng ảnh hưởng của Điện Kremlin đối với nền kinh tế Bulgaria.
Các tổ chức kinh doanh và công đoàn cho biết giá khí đốt cao đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và kêu gọi chính phủ tìm cách tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga, sẽ rẻ hơn so với mua trên thị trường. Giá khí đốt bán buôn đã tăng khoảng 60% lên khoảng 300 levs (153,44 USD) mỗi megawatt giờ vào tháng 8.
Sofia đang bắt đầu đàm phán với Azerbaijan trong tuần này để tăng cường nguồn cung cấp cho Azeri và cũng sẽ thảo luận về việc mua hàng với các thương nhân khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện quốc gia này cần khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, được Azerbaijan cam kết bán cho 1 tỉ mét khối mỗi năm và phải mua phần còn lại từ thị trường.
Như phân tích trước đó về việc Nga tung chiêu cấp nhiên liệu cho Hungary sẽ đẩyEU lục đục "theo domino" trong mùa đông, sau khi Hungary có khí đốt giá rẻ thì sẽ tác động đến sườn đông NATO rất mạnh.
Những khó khăn của người dân Bulgaria, Romania, Slovakia… sẽ dội ngược lên chính quyền. Bình thường, người dân có thể nghe lời chính quyền để cùng chịu rét với suy nghĩ rằng “tất cả là do Nga”. Nhưng với việc người dân Hungary lại được xả láng dùng khí đốt giá rẻ thì người dân các nước như Bulgaria sẽ phải tự vấn: “Tại sao mình lại phải chịu khổ như vậy” và không còn nhiều người tin “tất cả là do Nga” nữa. Khi các chính phủ ở Đông Âu lần lượt không chịu đựng nữa trước áp lực của người dân thì hãy xem điều gì sẽ xảy ra. Chỉ cần một hai nước bắt chước Hungary là hiệu ứng domino có thể xảy ra và Nga đạt mục đích. Thế cục mà Nga giăng ra tại châu Âu là chờ thi gan vào mùa đông và chờ hiệu ứng domino. Hungary là nút Start bắt đầu sớm cho một quá trình. Chỉ có điều chưa đến mùa đông mà quân domino đầu tiên đã rung lắc mạnh.