Muốn có thêm những Lý Hoàng Nam khác, phải thay đổi nhân sự VTF!
Thể thao - Ngày đăng : 16:55, 09/03/2023
Cựu vô địch quần vợt Việt Nam Trần Đức Quỳnh đã có cuộc trao đổi với Một Thế Giới sau khi đọc loạt bài phản ánh thực trạng quần vợt Việt Nam, trong đó bài mới nhất là: “Dời ngày cưới, Lý Hoàng Nam thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32”.
Tháng 4.2014, VTF đã công bố quyết định kỷ luật HLV Trần Đức Quỳnh và Lý Hoàng Nam vì cả hai “tẩy chay” không tập trung đội tuyển quốc gia để thi đấu Davis Cup nhóm 2.
Theo đó, HLV Trần Đức Quỳnh bị VTF cấm tham gia các hoạt động của quần vợt Việt Nam trong vòng 2 năm (từ 1.5.2014 đến 1.5.2016). Trong khi đó, Lý Hoàng Nam nhận án cấm thi đấu các giải cấp quốc gia và không được tập trung đội tuyển quốc gia cho đến hết năm 2014.
Sau đó, HLV Đức Quỳnh định cư và sinh sống ở Mỹ. Dù xa quê hương nhưng cuộc đời của anh vẫn gắn bó với quần vợt trên xứ người. Anh không bỏ sót bất kỳ thông tin nào về quần vợt Việt Nam (QVVN), đặc biệt là những gì liên quan đến học trò cũ Lý Hoàng Nam.
P.V: Anh nghĩ gì khi đọc 2 bài Hải Đăng Group “tẩy chay” đội tuyển quần vợt Việt Nam vì thái độ vô trách nhiệm của Tổng thư ký VTF (MTG - 12.2.2023) và Tổng thư ký VTF Đoàn Thanh Tùng phát biểu không đúng sự thật trên VTV1? (MTG - 15.2.2023)?
- Trần Đức Quỳnh: Về bản chất, VTF 10 năm trước với hiện nay cũng không khác nhau về lãnh đạo cùng tầm nhìn. Khi trước là ông Nguyễn Quốc Kỳ vừa là TTK kiêm Phó chủ tịch VTF và nay là Chủ tịch VTF. Lý Hoàng Nam đã bị VTF 2013-2023 làm chậm bước phát triển. Gần 10 năm trước, trong khi các đồng nghiệp cùng trang lứa của Hoàng Nam tập trung luyện tập thi đấu thì Nam bị kỷ luật dù khi đó mới 16 tuổi. Nếu VTF có người giỏi và hiểu biết chuyên môn, ủng hộ, tạo điều kiện cho Nam phát triển trên con đường quần vợt chuyên nghiệp thì có lẽ vị trí của Nam trên bảng xếp hạng ATP nay đã cao hơn Top 250.
Những gì xảy ra ở đội tuyển QVVN tại trận play-off nhóm 2 Davis Cup 2023 đã đi theo vết xe đổ bao năm qua: tiền bạc không rõ ràng, đội tuyển không được chăm sóc đủ tốt… VTF cần kêu gọi, quy tụ những mạnh thường quân và hiểu biết chuyên môn như Becamex Bình Dương trước đây và nay là Hải Đăng Tây Ninh. VTF cần những con người mới, tham gia để cống hiến thay vì vào để thể hiện quyền lực, tranh thủ kêu gọi tài trợ nhưng lại không chăm lo cho các vận động viên như vừa rồi các tay vợt đội tuyển nam quốc gia đã phản ánh.
TTK VTF Đoàn Thanh Tùng đã không hoàn thành trách nhiệm lại còn phát biểu sai khi nói về nơi quản lý đội tuyển quốc gia. Vậy mà không thấy VTF nói gì về ông Tùng. Sự im lặng của VTF đã đủ nói lên phần nào vì sao QVVN chưa thể phát triển như mong đợi.
Tóm lại QVVN sẽ mạnh hơn, sẽ trong sáng hơn nếu có một VTF đủ mạnh về con người, năng lực, tầm nhìn. Nói thẳng ra là VTF cần thay đổi nhân sự, cần những người có tâm và tầm.
Từng là HLV của Hoàng Nam và luôn theo từng bước phát triển của Nam, Quỳnh thấy khát vọng phấn đấu vào Top 100 ATP trước năm 30 tuổi của Hoàng Nam như thế nào?
- Đầu tiên cho tôi gửi lời chúc hạnh phúc đến Hoàng Nam khi Nam chuẩn bị lập gia đình. Thời gian tới sẽ khó khăn cho Nam trước những mục tiêu phấn đấu đủ chuẩn tham dự 4 giải Grand Slam và xa hơn nữa là Top 100. Khi còn là độc thân, để đạt được mục tiêu này đã khó thì nay sẽ khó hơn khi lập gia đình.
Cần nhìn thấy sự khác biệt khi so với Federer hay Nadal. Họ lập gia đình vẫn thi đấu đỉnh cao, nhưng khi họ lập gia đình thì đã là tay vợt đỉnh cao thế giới. Những kỹ năng, chuyên môn quần vợt của họ đã phát triển quá hoàn hảo. Nam thì khác, ở tuổi 25 thì để thay đổi, chỉnh sửa kỹ thuật, chiến thuật sẽ khó hơn rất nhiều khi còn trẻ, còn là thiếu niên.
May cho Hoàng Nam đã có hai nhà tài trợ vô điều kiện là Becamex Bình Dương trước đây và Hải Đăng Tây Ninh hiện nay. Nam không phải lo tài chính và chỉ tập trung duy nhất chuyên môn. Nhưng không dễ cho Nam khi thay đổi để có được những cú giao bóng có tốc độ từ 150-200 km/giờ, có những cú đánh bóng xoáy, tốc độ từ 100-130 km/giờ của những tay vợt Top 100.
Như vậy anh có một lời khuyên khác cho Nam không?
Tôi không bàn ra, nhưng tôi nghĩ có lẽ Nam nên rút ngắn thời gian phấn đấu vào Top 100 ATP. Nếu không sớm đạt được, Nam nên qua ngã rẽ mới, trở thành HLV. Và ngay từ bây giờ, Nam nên lên kế hoạch cho tương lai của mình.
Với năng lực chuyên môn của một VĐV đỉnh cao cùng bản chất luôn chịu khó học hỏi, không bao giờ ngại khó, tôi tin chắc Nam sẽ là HLV giỏi và khi đó Nam sẽ giúp cho QVVN nhiều hơn, toàn diện hơn là với vị trí VĐV.
Trần Đức Quỳnh hiện sống tại thành phố Newport Beach, miền Nam California với gia đình cùng vợ, 4 đứa con nhỏ và mẹ. Hiện nay Quỳnh dạy quần vợt tại các CLB quần vợt gần nhà và tham dự các giải của Liên đoàn quần vợt Mỹ. Năm 2022, Quỳnh được USTA (LĐQV Mỹ) mời tham dự đội tuyển nam trên 45 tuổi thi đấu tại Cộng hòa Séc, nhưng anh không thu xếp được thời gian. Đức Quỳnh có chứng chỉ USTA hạng 3 quốc gia Mỹ đơn nam 45 tuổi, hiện hạng 2 trên bảng xếp hạng đơn nam 45 tuổi toàn nước Mỹ và hạng 1 Nam California đơn nam trên 45 tuổi.
Chúng ta không nói ra nhưng ai cũng thầm nghĩ không biết đến bao giờ QVVN mới có một Lý Hoàng Nam thứ hai. Nhưng tôi tin, QVVN sẽ có thêm nhiều Lý Hoàng Nam nếu như VTF hội đủ được những nhân sự uy tín, có chuyên môn, có tầm ảnh hưởng quy tụ được sự đóng góp của xã hội để cùng nhau đưa ra định hướng, chiến lược phát triển cho nền quần vợt nước nhà.
Thể hình, tố chất của các VĐV ngày nay tốt hơn nhiều so với thế hệ trước đây. Muốn có thứ hạng cao, bạn cần có chiền cao ít nhất 1m80. Thật tiếc cho Trịnh Linh Giang, tay vợt số 2 Việt Nam hiện nay khi Giang có thể hình, tố chất cùng năng khiếu rất tốt nhưng lại thiếu HLV giỏi cũng như sự phấn đấu của bản thân. Nếu không Linh Giang với Hoàng Nam sẽ là 2 đối thủ cạnh tranh cùng tiến.
Nhắc đến vai trò quan trọng của HLV, tôi tin chắc rằng nếu Lý Hoàng Nam trở thành HLV, Nam sẽ là ngọn cờ đầu của thế hệ HLV mới. Và nếu bộ máy VTF được tái cấu trúc, tôi tin QVVN sẽ sớm có thêm những Lý Hoàng Nam khác. Nếu không thay đổi, không có sự chuẩn bị đổi mới từ bây giờ, thực sự không biết đến khi nào QVVN mới có một Lý Hoàng Nam thứ hai.
Xin cảm ơn anh!