4/23 tuyển thủ U20 Nhật Bản là sinh viên: Bài học cho bóng đá Việt Nam!

Thể thao - Ngày đăng : 07:22, 12/03/2023

Tại giải U20 châu Á, đội tuyển trẻ Nhật thi đấu cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên, ít người biết rằng trong đội hình của họ có những sinh viên được “liên thông” lên đá tuyển U20 quốc gia.

Trong bài trước, tôi đã viết về chuyện các sinh viên Nhật Bản thi đấu tại Cúp Nhật hoàng. Việc tạo điều kiện cho các đội thuộc trường đại học thi đấu ở cúp quốc gia không phải để “làm màu” mà thực sự là chiến lược phát triển thể thao học đường. Chiến lược này vừa giúp nâng cao thể lực của thế hệ trẻ, vừa phát hiện bồi dưỡng nhân tài cho nền thể thao Nhật nói chung và bóng đá nói riêng.

nhat.jpg
Thủ môn số 1 của tuyển U20 Nhật là sinh viên trường Nihon University

Giải U20 châu Á đang diễn ra và chiều nay U20 Nhật Bản sẽ gặp Jordan. Tại giải này, Nhật không chỉ gọi những cầu thủ trẻ đang thi đấu cho các CLB ở J-League hay ở Học viện bóng đá Barcelona mà còn gọi cả các sinh viên.

Theo đó, thủ môn số 1 Ryoya Kimura tạm rời giảng đường trường Nihon University vài tuần để thi đấu giải U20 châu Á. Dự bị cho Kimura là thủ môn Yu Kanoshima - người đang là sinh viên trường Ryutsu Keizai University. Ngoài ra, hậu vệ Kosei Suwama cũng đang học trường University of Tsukuba hay tiền vệ Issei Kumatoriya đến từ trường Meiji University. Tất nhiên, năm học ở Nhật vẫn cứ tiến hành bình thường, J-League vẫn diễn ra chứ không cần phải dừng lại như V-League để cho tuyển U20 Việt Nam có đủ quân số mạnh nhất đi dự giải châu lục.

Chúng ta nên biết, hiểu và nhớ rằng, hai giải J-League 1 và 2 có đến 40 CLB nên việc 4 sinh viên được gọi lên tuyển U20 trong 23 người (tỷ lệ 17,4%) là con số rất ấn tượng và ý nghĩa. Điều đó cho thấy chất lượng các đội bóng đại học ở Nhật rất đáng nể. Họ trở thành nguồn lực dồi dào cho đội tuyển và cả các CLB chuyên nghiệp săn lùng tài năng. Dĩ nhiên, thể thao học đường của Nhật chỉ phát triển khi có sự “liên thông”, “kết nối” với thể thao đỉnh cao.

Nếu bóng đá Việt Nam có sự “liên thông” thể thao từ các trường đại học lên môi trường đỉnh cao thì sẽ có nhiều cánh cửa để phát hiện những nhân tố mới. Từ đó sẽ có những bệ phóng để các trường tiếp thêm động lực phát triển hoạt động thể thao trong nhà trường. Thế nhưng sự liên thông theo mô hình Nhật tưởng như dễ lại khó làm ở Việt Nam. Tại sao?

Đó là vì trong khi Nhật Bản có cúp quốc gia là giải đấu của toàn quốc gia, mở cơ hội cho các sinh viên, lan tỏa giá trị thể thao đến toàn bộ đất nước, thì ngược lại, Cúp Quốc gia của Việt Nam hoàn toàn khác. Cúp Quốc gia Việt Nam là một giải đấu đóng kín, khép chặt khi chỉ các đội tại V-League và hạng Nhất được tham dự. Các cầu thủ hạng Nhì cũng không có cơ hội tranh tài thì sao đến lượt các đội trường đại học. Chúng ta rất khó hy vọng sẽ có sự thay đổi từ Cúp Quốc gia trong những năm tới.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những giải đấu khác mà các cầu thủ sinh viên có thể tranh tài và thu hút được sự chú ý từ dư luận hơn. Nếu nói về cấp độ bóng đá trẻ, hiện nay giải U21 Thanh Niên (do Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và VFF phối hợp tổ chức) là giải đấu uy tín và có truyền thống bậc nhất tại Việt Nam. Về quy mô, giải U21 Thanh Niên được tổ chức thường niên với vòng loại trải khắp đất nước và số đội tham gia đông không kém giải V-League và hạng Nhất cộng lại (năm 2022 có 22 đội dự vòng loại).

u19.jpg
Quốc Việt (số 9) trưởng thành nhờ liên tục chơi tại các giải U19 và U21 các năm gần đây

Về chất lượng, hai giải U21 và U19 Thanh Niên là nơi trình làng nhiều cầu thủ trẻ tài năng. Những cầu thủ xuất sắc của U20 Việt Nam vừa chơi tại giải châu Á như Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Trường, Khuất Văn Khang, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Đức Phú, Lê Nguyên Hoàng, Nguyễn Đình Bắc... đều bắt đầu tỏa sáng từ những giải U19, U21 trước khi khoác áo đội tuyển U20, 22, 23 quốc gia.

Hiện vòng chung kết giải U21 Thanh Niên có quy mô 12 đội góp mặt sau khi vượt vòng loại. Nếu như có thể trao 1 hay 2 vé vào vòng chung kết giải U21 cho các đội có thành tích cao trong giải vô địch bóng đá sinh viên toàn quốc (đang diễn ra và kết thúc ngày 26.3 tới) thì đó sẽ là sự “liên thông” rất đáng xem xét. Chắc chắn đó sẽ là động lực rất cao cho các trận đấu tại giải sinh viên không chỉ lúc này mà còn cho cả tương lai của giải sinh viên Việt Nam và giải U21 Thanh Niên.

Đừng nghĩ rằng sinh viên không thể chơi bóng như những chàng trai ăn tập cùng bóng đá. Cùng đọc lại phần đầu bài viết kể về 4 chàng sinh viên đang khoác áo tuyển U20 Nhật dự giải vô địch châu Á, chúng ta sẽ thay đổi tư duy hạn hẹp và tiêu cực này. Có rất nhiều sinh viên đá bóng giỏi nhưng vì những lý do khác nhau nên họ chọn giảng đường thay vì sân cỏ. Nhưng nếu có cơ hội để họ thể hiện, biết đâu sẽ có một thủ môn - sinh viên trấn giữ khung thành cho các đội tuyển Việt Nam như tuyển U20 Nhật đang thi đấu ở giải châu Á!

Sự có mặt của các đội sinh viên tại những giải đấu có tính chuyên nghiệp như U21 Thanh Niên sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho giải. Các đội kể cả ăn tập bài bản từ các lò đào tạo trẻ như HAGL, Hà Nội, Viettel, SLNA... cũng chẳng thể chủ quan vì chắc chắn đội nào cũng “âu lo” nếu thua đội sinh viên. Các bạn có thể xem video bên dưới để thấy cách các cầu thủ đội xếp thứ 5 J-League Cerezo Osaka thi đấu nghiêm túc ra sao khi gặp đội trường Kansai University tại vòng 2 Cúp Nhật hoàng 2022.

Trận đấu Kansai University thua 1-3 trước đội xếp thứ 5 J-League Cerezo Osaka tại vòng 2 Cúp Nhật hoàng 2022

Quan trọng hơn từ sự liên thông này sẽ lan tỏa thông điệp: nhìn nhận lại vị trí của thể thao học đường. Đó không chỉ là rèn luyện sức khỏe, không chỉ là thể thao phong trào mà còn có thể là cánh cửa để mở ra con đường vươn tới đỉnh cao cho bất kỳ ai trong bất kỳ môi trường nào!

Đặng Hoàng