Hôm nay 11.3, vòng chung kết giải bóng đá Thanh Niên - Sinh viên Việt Nam sẽ khai mạc. Giải diễn ra trong nửa tháng, từ ngày 11 đến ngày 26.3. Đó sẽ là kỷ niệm đẹp cho các cầu thủ sinh viên được tham dự giải.

Sinh viên Nhật Bản được đá Cúp Quốc gia, còn Việt Nam thì không. Tại sao?

Đặng Hoàng | 11/03/2023, 11:35

Hôm nay 11.3, vòng chung kết giải bóng đá Thanh Niên - Sinh viên Việt Nam sẽ khai mạc. Giải diễn ra trong nửa tháng, từ ngày 11 đến ngày 26.3. Đó sẽ là kỷ niệm đẹp cho các cầu thủ sinh viên được tham dự giải.

sv.jpg

Trong thể thao, mục tiêu của tất cả đều nhanh hơn, cao hơn và xa hơn. Chúng ta có thể làm gì để chắp cánh cho giấc mơ của các cầu thủ sinh viên bay cao hơn, xa hơn, giúp họ có những kỷ niệm đẹp hơn, thậm chí là biến giấc mơ từ cầu thủ sinh viên thành cầu thủ chuyên nghiệp trở thành hiện thực?

Trong thể thao học đường, phong trào thể thao cho sinh viên luôn sôi nổi về mọi mặt. Tuy là nghiệp dư, là phong trào nhưng nó cũng có thể là bệ phóng của thể thao thành tích cao. Tại nhiều nước, việc xây dựng một nền thể thao không chỉ chú trọng thể thao thành tích cao mà còn phát triển thể thao phong trào, thể thao trong giới trẻ để xây dựng thế hệ khỏe mạnh. Từ xuất phát điểm đó, họ tạo điều kiện tối đa cho thể thao phong trào, đặc biệt thể thao học đường phát triển, có cơ hội vươn xa nhất có thể và cũng từ đó phát hiện ra nhiều tài năng.

Trong các nước có nền thể thao phát triển ở châu Á, phải kể đến Nhật Bản, quốc gia có phong trào thể thao học đường rất mạnh.

Có nhiều cơ hội để chơi các môn thể thao khác nhau cho mọi lứa tuổi và trường học đóng vai trò quan trọng xây dựng nền tảng thể thao đó. Học sinh ngay từ mẫu giáo và tiểu học đã có thể chơi trong một câu lạc bộ thể thao tư nhân, có thể tham gia với mức phí vừa phải. Hầu hết các môn võ thuật có thể được bắt đầu từ 5 đến 6 tuổi. Khi học sinh bắt đầu học lớp 5, trường cung cấp các hoạt động ngoại khóa sau giờ học miễn phí để học sinh tham gia. Các trường cấp 2 và cấp 3 cũng khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ thể thao của nhà trường.

Các trường học tại Nhật cũng có chính sách để ưu đãi cho những người có thành tích đặc biệt phù hợp với truyền thống thể thao của nhà trường. Các học sinh Nhật cũng thường lựa chọn trường có truyền thống mạnh về những môn thể thao mà họ ưa thích.

Các cuộc thi và giải đấu cấp tỉnh và cấp quốc gia được tổ chức hằng năm. Một số giải đấu, chẳng hạn như Giải vô địch bóng chày trung học quốc gia, có mức độ phổ biến rất cao đối với người hâm mộ, chất lượng có thể so sánh với các giải thể thao chuyên nghiệp. Tuy bóng đá ở Nhật chưa được phổ biến như bóng chày nhưng nhờ nuôi dưỡng các tài năng học đường mà trong hơn 20 năm qua, Nhật không bao giờ thiếu các tài năng.

Từ nhỏ, các cậu bé Nhật đã mơ ước mình có thể trở thành nhân vật Tsubasa để từ đội bóng trong nhà trường vươn lên đỉnh cao thế giới. Thực tế họ đều có cơ hội thi đấu giải bóng đá danh giá nhất của Nhật Bản là Cúp Nhật hoàng hay Cúp Quốc gia.

cup-nhat.jpg
Danh sách các đội dự Cúp Nhật hoàng 2022 có rất nhiều đội từ các trường đại học

Tại Cúp Quốc gia Nhật, ngoài các đội tại J-League và J-League 2 còn có chỗ cho 47 đội là vô địch của 47 tỉnh đi lên từ phong trào. Nhờ phong trào thể thao mạnh nên vô số các đội sinh viên đã vô địch tỉnh và được thi đấu tại Cúp Nhật hoàng. Vượt qua vòng 1 và vào vòng 2, họ sẽ không chỉ được gặp mà còn thi đấu sòng phẳng với các đội chuyên nghiệp. Thường khi gặp các cầu thủ chuyên nghiệp, các cầu thủ sinh viên sẽ khó có thể có được chiến thắng, nhưng họ vẫn có thể ghi bàn như trận Kansai University thua 1-3 trước đội xếp thứ 5 J-League Cerezo Osaka.

Trận đấu Kansai University thua 1-3 trước đội xếp thứ 5 J-League Cerezo Osaka tại vòng 2 Cúp Nhật hoàng 2022

Chuyện CLB của trường Jebu năm ngoái lần đầu được dự Cúp Nhật hoàng đã trở thành niềm tự hào của toàn trường, có tác dụng thúc đẩy sự hứng khởi cho phong trào đá bóng trong ngôi trường vốn có truyền thống chơi bóng chày. Đừng nghĩ sinh viên trường Jebu thiếu giấc mơ vì ngay sinh viên năm thứ nhất của họ là Maori Yui đã được gọi vào tuyển bơi Nhật dự Paralympic Tokyo. Nói chung là trong thể thao học đường Nhật, rèn luyện sức khỏe và vươn tới giấc mơ đỉnh cao không phải là hai thế giới khác biệt.

Từ đây chúng ta dễ dàng thấy việc tạo điều kiện cho các đại diện thể thao học đường thi đấu từ phong trào đến đỉnh cao sẽ giúp bóng đá Nhật phát hiện những tài năng có tố chất từ cấp cơ sở. Chính “lối ra” này, phong trào thể thao học đường sẽ phát triển nhanh, phát triển bền vững khi các vận động viên học sinh - sinh viên luôn có cơ hội giao lưu và thi đấu với các thần tượng.

boc-tham.jpg
Cúp Quốc gia Việt Nam chỉ lèo tèo hơn hai chục đội

Trở lại với bóng đá Việt Nam, cơ hội để các cầu thủ sinh viên mơ thi đấu Cúp Quốc gia vẫn còn xa lắm. Hiện nay Cúp Quốc gia do VPF tổ chức mới chỉ cho phép các đội ở giải V-League và Hạng nhất tham gia, ngay như cầu thủ ở giải Hạng nhì cũng không đủ tiêu chuẩn.

Xem sinh viên Nhật thi đấu tại Cúp Nhật hoàng và nhìn về Cúp Quốc gia ở nước ta, thật sự chạnh lòng!

Chúng ta mong rằng trong tương lai, các nhà quản lý bóng đá sẽ thay đổi để Cúp Quốc gia trở thành sân chơi đỉnh cao nhưng mở rộng cơ hội, chắp cánh giấc mơ cho mọi đội bóng trên toàn quốc. Cúp Quốc gia nên là một giải đấu thúc đẩy phong trào bóng đá trên toàn quốc, gồm cả bóng đá sinh viên như ở Nhật chứ không chỉ là giải đấu chỉ “gói gọn” hơn 20 đội như suốt bao năm qua!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
31 phút trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên Nhật Bản được đá Cúp Quốc gia, còn Việt Nam thì không. Tại sao?