Từ vụ ảnh khiêu dâm giả của Taylor Swift bị phát tán, Nhà Trắng kêu gọi sửa đổi luật
Văn hóa - Ngày đăng : 14:10, 27/01/2024
Từ vụ ảnh khiêu dâm giả của Taylor Swift bị phát tán, Nhà Trắng kêu gọi sửa đổi luật
Sau khi những hình ảnh khiêu dâm được cho là do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra về ca sĩ Taylor Swift lan truyền trên mạng xã hội, Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội có hành động lập pháp nhằm ngăn chặn deepfake.
Theo Telegraph, trong cuộc họp báo hôm 26.1, bà Karine Jean-Pierre - Thư ký báo chí của Nhà Trắng đã nói về việc các hình ảnh khiêu dâm của ca sĩ Taylor Swift do AI tạo ra, đang lan truyền trên mạng xã hội: "Điều này rất đáng báo động. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết vấn đề".
Bà Karine Jean-Pierre kêu gọi Quốc hội Mỹ cần có hành động lập pháp chống lại hiện tượng này. Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng, việc quản lý lỏng lẻo các hình ảnh do AI tạo ra đã ảnh hưởng xấu đến phụ nữ. Bà yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cần thắt chặt quy tắc nhằm ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch này.
Trước đó, một loạt hình ảnh deepfake khiêu dâm của Taylor Swift được chia sẻ trên nền tảng X với gần 50 triệu lượt người xem và bị khóa hôm 25.1. Tuy nhiên, loạt hình ảnh này sau đó đã được chia sẻ đến các nền tảng khác. Thậm chí từ khóa “Taylor Swift AI” đã trở thành xu hướng trên trang mạng xã hội vào ngày 25.1 (theo giờ Mỹ).
Trước vụ việc, người hâm mộ nữ ca sĩ tỏ ra bức xúc và “giải cứu” thần tượng của mình bằng cách đăng hình ảnh thật của cô cùng từ khóa "ProtectTaylor Swift" (bảo vệ Taylor Swift) nhằm át đi những nội dung giả mạo.
Theo Công ty an ninh mạng Reality Defender, 90% hình ảnh giả mạo trên được tạo ra bằng mô hình AI Stable Diffusion, có thể được truy cập thông qua hơn 100.000 ứng dụng và các công cụ online.
Sam Gregory, Giám đốc điều hành của một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Anh, chia sẻ: "Nhiều phụ nữ đã trở thành nạn nhân của những clip "deepfake" độc hại. Giờ đây, trong không gian mạng, người dùng Internet tỉnh táo phải hiểu rằng ngay cả mắt nhìn thấy cũng chưa thể tin ngay được. Điều này rất đáng ngại bởi clip thật có thể bị nghi ngờ là giả, và clip giả có thể bị tưởng lầm là thật".
Trước đó, Daily Mail ngày 25.1 dẫn nguồn tin riêng cho biết, Taylor Swift được cho là đang xem xét hành động pháp lý chống lại trang web deepfake tạo ra những hình ảnh AI phản cảm về cô.
Thực tế, từ năm 2011, Taylor Swift đã từng đưa ra cảnh báo tới các fan về những hình ảnh ngực trần và các nội dung khiêu dâm khác có lồng ghép gương mặt của cô. Taylor Swift chưa thể thực hiện các động thái pháp lý chính thức và chỉ có thể phát đi cảnh báo tới cộng đồng fan.
"Deepfake" là một thuật ngữ ghép từ hai từ trong tiếng Anh gồm "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo) để nói về việc AI nghiên cứu, tìm hiểu sâu kỹ về biểu cảm gương mặt của một người, rồi tạo nên được những hình ảnh giả mạo đặc tả gương mặt người đó để lồng ghép vào trong clip mà người đó thực ra không hề xuất hiện.
Hình ảnh được tạo ra bởi AI lại khá chân thực, có thể khiến người xem thoạt tiên tưởng đó là nội dung có thực. Và các ứng dụng deepfake ngày càng trở nên phát triển nên những hình ảnh do chúng tạo ra cũng trở nên chân thực hơn.