Các loài tuyệt chủng do biến đổi khí hậu có ảnh hưởng gì đến con người?

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:24, 06/12/2024

Công trình của nhà sinh thái học Mark Urban - giám đốc Trung tâm Rủi ro Sinh học tại Đại học Connecticut đã khám phá những loài động vật và môi trường sống nào có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và thấp nhất do sự nóng lên.
Kiến thức - Học thuật

Các loài tuyệt chủng do biến đổi khí hậu có ảnh hưởng gì đến con người?

Anh Tú {Ngày xuất bản}

Công trình của nhà sinh thái học Mark Urban - giám đốc Trung tâm Rủi ro Sinh học tại Đại học Connecticut đã khám phá những loài động vật và môi trường sống nào có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và thấp nhất do sự nóng lên.

Kỳ trước: Sốc với ước tính về số loài có nguy cơ tuyệt chủng do Trái đất nóng lên

koala.jpg
Gấu Koala có nguy cơ tuyệt chủng cao

Không biết bay sẽ dễ bị tuyệt chủng

Ví dụ, chim phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng thấp hơn, Urban phát hiện ra, có thể là vì chúng có thể dễ dàng di chuyển. Khi môi trường sống lý tưởng cho các loài chim dịch chuyển về phía các cực hoặc lên núi, các loài chim sẽ cố gắng dịch chuyển theo. Tuy nhiên, sự nóng lên vẫn gây ra một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều loài chim và các nghiên cứu khác cho thấy chim phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao ở Bắc Mỹ.

Mặt khác, Urban cho biết các sinh vật không dễ di chuyển, chẳng hạn như thực vật hoặc những sinh vật phụ thuộc nhiều vào nước, sẽ có nguy cơ cao hơn. Thật vậy, phân tích của Urban phát hiện ra rằng các loài lưỡng cư, gồm cả ếch, nhạy cảm nhất với khí hậu ấm lên. Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm hạn hán và ếch cần nước. Nhiệt độ nóng hơn cũng có thể góp phần gây ra bệnh nấm chytrid, một tác nhân gây bệnh đã xóa sổ hàng chục loài ếch. Hơn nữa, các loài lưỡng cư thường không di chuyển quá xa, vì vậy chúng khó có thay đổi môi trường sống của mình.

Theo phân tích của Urban, đối với các môi trường sống khác nhau, thì vùng núi, đảo và hệ sinh thái nước ngọt có vẻ nhạy cảm nhất với biến đổi khí hậu. Một lần nữa, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Các loài động vật sống trên núi có thể di chuyển đến những nơi cao hơn khi nhiệt độ ấm lên, nhưng cuối cùng chúng sẽ lên đến đỉnh và thực sự hết chỗ. Điều đó khiến một số nhà khoa học mô tả biến đổi khí hậu là "thang cuốn dẫn đến tuyệt chủng" đối với các loài trên núi.

Quần thể sinh vật trên các hòn đảo phải đối mặt với các vấn đề không gian tương tự và đáng lo hơn là các hòn đảo ngay từ đầu vốn là nơi sinh sống của các loài có quần thể nhỏ. Thêm vào đó, chúng đã phải đối mặt với các mối đe dọa khác như các loài xâm lấn, mà sự nóng lên có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Có một điều cần lưu ý: Biến đổi khí hậu giống như là một loại bệnh nền, nó không chỉ nguy hiểm mà còn làm trầm trọng thêm các mối đe dọa khác, chẳng hạn như hạn hán liên quan đến nạn phá rừng hoặc sự lây lan của bệnh động vật hoang dã.

Điều gì xảy ra nếu một số loài biến mất?

Ngoại trừ các kịch bản xấu nhất về khí thải nhà kính (trường hợp cực đoan nhất là khi Trái đất nóng lên 5,4 độ C thì mới gây ra nguy cơ tuyệt chủng cho 30% loài), nghiên cứu dự đoán tỷ lệ phần trăm các loài sẽ bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu chỉ một chữ số. Nhưng vài phần trăm có thực sự là vấn đề không? Câu trả lời là Có.

Cần nhớ là ngay cả một tỷ lệ nhỏ phần nghìn cũng tương đương với hàng chục nghìn loài, mỗi loài đều có giá trị đối với xã hội loài người, bất kể chúng ta đã phát hiện sự tồn tại của nó hay không.

Một loài động vật đôi khi có thể đóng vai trò quan trọng đối với nền văn hóa của một cộng đồng. Chẳng hạn như cá hồi Chinook, được một số bộ lạc bản địa ở miền Tây nước Mỹ coi là loài linh thiêng. Và chúng ta đã biết rằng thế giới tự nhiên tồn tại nhiều loài có khả năng chữa khỏi nhiều căn bệnh đe dọa tính mạng. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có tới 70% thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị ung thư đang được sử dụng hiện nay có nguồn gốc từ các sinh vật tự nhiên.

Urban cho biết: “Hầu hết con người đều yêu thiên nhiên và đa dạng sinh học là một khía cạnh của thiên nhiên. Ngoài ra, đa dạng sinh học cũng là nền tảng cho sức khỏe, trù phú và màu sắc văn hóa của chúng ta”.

Ông cho biết, việc để một loài tuyệt chủng cũng rủi ro giống như chơi trò cò quay Nga vì không biết hết hậu quả của nó ra sao. Urban cho biết: “Chúng ta không biết mình đang mất mát điều gì. Nhưng khi bạn thực sự mất đi một loài, điều đó thực sự không thể đảo ngược. Đó là hồi kết”. Đơn giản vì việc nó tồn tại sau hàng tỉ năm kể từ khi Trái đất hình thành sự sống cho thấy nó đóng vai trò nhất định trong một môi trường có nhiều mắt xích và tương tác phức tạp mà chúng ta chỉ chưa biết hết mà thôi.

Anh Tú