Thế giới có thể tuyệt chủng nửa triệu loài nếu con người tiếp tục để Trái đất nóng lên theo tốc độ hiện giờ. Thậm chí có thể lên đến gần 30% theo kịch bản tồi tệ nhất.
Ngày nay, nhiệt độ Trái đất ấm hơn khoảng 1,3 độ C so với cuối những năm 1800. Sự gia tăng có vẻ nhỏ này đã tác động đến thế giới tự nhiên theo một số cách khá sâu sắc. Chim trở nên nhỏ hơn. Thằn lằn, côn trùng và ốc sên đã đổi màu. Một số loài dê trở nên hoạt động về đêm nhiều hơn. Đây là những sự thích nghi giúp động vật sống sót sau biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nhiều loài vẫn chưa thể thích nghi đủ nhanh. Nhiệt độ tăng không chỉ làm xói mòn quần thể động vật, chẳng hạn như gây ra cháy rừng giết chết động vật hoang dã ở Úc và Amazon, mà còn khiến một số loài bị tuyệt chủng hoàn toàn. Vài năm trước, một loài gặm nhấm của Úc có tên là Bramble Cay melomys đã tuyệt chủng, chủ yếu là do mực nước biển dâng cao. Nhiệt độ ấm lên đã lây lan muỗi mang mầm bệnh lên vùng cao hơn ở Hawaii, giết chết mọi cá thể của một số loài chim nhất định.
Các chính sách khí hậu hiện tại khiến nửa triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng
Tình hình hiện giờ vốn đã rất ảm đạm. Vậy điều gì sẽ xảy ra với quần thể động vật hoang dã khi Trái đất thậm chí còn nóng hơn trong tương lai?
Câu hỏi cấp bách đó là trọng tâm của một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Science. Nghiên cứu phân tích cách các mức độ ấm lên khác nhau, so với mức trung bình thời tiền công nghiệp, ảnh hưởng đến tỷ lệ các loài trên toàn cầu có nguy cơ tuyệt chủng.
Các con số được báo cáo trong nghiên cứu này rất đáng báo động, nhưng chúng cũng nhấn mạnh một thông điệp quan trọng: Nếu các quốc gia có thể kiểm soát lượng khí thải nhà kính của mình, họ sẽ cứu được hàng nghìn loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng vĩnh viễn.
Nghiên cứu mới này là một phân tích tổng hợp. Nó tổng hợp kết quả của các nghiên cứu hiện có khác — chính xác là 485 nghiên cứu. Nghiên cứu mới ước tính tỷ lệ các loài thực vật và động vật đã biết trên toàn cầu được dự đoán sẽ tuyệt chủng theo các kịch bản khí hậu khác nhau trong tương lai. Các kịch bản đó gồm mức độ ấm lên như hiện tại và các mục tiêu theo Thỏa thuận Paris (một thỏa thuận toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm hạn chế biến đổi khí hậu), cũng như các kịch bản phát thải cực đoan hơn.
Dưới đây là kết quả chi tiết:
Tăng 1,3 độ C so với thời tiền công nghiệp (mức nóng lên hiện tại): 1,6% các loài.
Tăng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp (mục tiêu kỳ vọng của Thỏa thuận Paris): 1,8% các loài.
Tăng 2 độ C so với thời tiền công nghiệp (mục tiêu chính thức của Thỏa thuận Paris): 2,7% các loài.
Tăng 2,7 độ C so với thời tiền công nghiệp (các chính sách và cam kết hiện tại tiếp tục duy trì): 5% các loài.
Tăng 4,3 độ C so với thời tiền công nghiệp (kịch bản phát thải cao hơn): 14,9% các loài.
Tăng 5,4 độ C so với thời tiền công nghiệp (kịch bản nóng lên tồi tệ nhất): 29,7% các loài.
Là hồi chuông cảnh báo cho nhân loại
Các nhà khoa học hiện nay vẫn chưa nắm rõ có bao nhiêu loài trên Trái đất. Vì vậy rất khó để chuyển đổi những tỷ lệ phần trăm này thành số lượng thực tế các loài động vật đã tuyệt chủng. Theo nhà sinh thái học Mark Urban, tác giả duy nhất của nghiên cứu, các nhà khoa học hiện cho rằng Trái đất có 10 triệu loài hoặc nhiều hơn. Điều đó sẽ đưa mức tuyệt chủng dự kiến do sự nóng lên hiện tại vào khoảng 160.000 loài và sẽ tăng lên thành nửa triệu loài tuyệt chủng nếu thế giới không ban hành các chính sách bổ sung để hạn chế phát thải carbon. Con số nửa triệu loài là rất lớn.
Tác giả nghiên cứu Urban, đồng thời là giám đốc Trung tâm Rủi ro Sinh học tại Đại học Connecticut cho biết: “Có sự gia tăng nguy cơ tuyệt chủng với mỗi lần nhiệt độ tăng”.
Để rõ ràng, Urban đang báo cáo nguy cơ tuyệt chủng. Cần phân biệt nguy cơ tuyệt chủng khác với sự xác nhận tuyệt chủng. Ông so sánh một loài có nguy cơ tuyệt chủng với một bình nước có vết nứt: “Chúng ta biết nước đang rò rỉ ra ngoài. Tuy nhiên, điều chúng ta không biết là vết nứt lớn đến mức nào. Vì vậy, chúng ta không biết phải mất bao lâu để nước cạn sạch”.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một số hạn chế quan trọng. Nhà nghiên cứu Chrystal Mantyka-Pringle tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã Canada, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết các mô hình như thế này chỉ tốt khi dữ liệu đưa vào chúng đáng tin cậy. Và dữ liệu trong công trình có xu hướng thiên về một số loài động vật và khu vực dễ nghiên cứu chẳng hạn như rừng ở Mỹ hoặc châu Âu chứ không phải Bắc Cực.
Dù vậy, Mantyka-Pringle và Ilya Maclean, một nhà sinh thái học bảo tồn thuộc Đại học Exeter, người cũng không liên quan đến nghiên cứu này cũng thừa nhận công trình của Urban có cơ sở. Mantyka-Pringle nói: "Đó là một cuộc kiểm tra sát sườn chúng ta".